Bị đưa đến xứ người
Tối ngày 13/7/1978, Kaoru Hasuike và bạn gái của mình, Yukiko Okudo đến tham dự lễ hội pháo hoa được tổ chức tại bãi biển gần khu nhà của họ ở Kashiwazak, thành phố thuộc tỉnh Niigata cách thủ đô Tokyo hơn 200km về phía Bắc.
|
Kaoru Hasuike khi còn trẻ. |
Khi họ đang mải ngắm những màn pháo hoa vụt sáng, một người lạ tiến lại gần để hỏi mượn bật lửa rồi bất thình lình đánh ngất hai người, sau đó chụp thuốc mê và nhét họ vào một bao tải trước khi đưa Kaoru Hasuike và bạn gái của mình lên một chiếc thuyền.
Sáng hôm sau, Kaoru thức dậy và phát hiện mình đang có mặt ở Triều Tiên, một vùng đất hoàn toàn xa lạ. Kaoru khi đó là một sinh viên xuất sắc của đại học Tokyo nhưng cậu sinh viên 20 tuổi lại gần như không có chút kiến thức nào về các vấn đề chính trị ở hai miền Triều Tiên.
Khi bắt đầu nắm bắt được tình hình, Kaoru quan sát xung quanh nhưng không hề thấy bóng dáng người yêu mình.
Ở một vùng đất xa lạ và không có bất kì ai quen biết, Kaoru tỏ ra hoang mang và lo sợ. Để trấn an, người bắt cóc nói với ông rằng việc Kaoru bị bắt cóc sang Bình Nhưỡng nằm trong kế hoạch giúp thống nhất 2 miền Triều Tiên.
Người đàn ông đó không giải thích chính xác Kaoru sẽ phải làm gì để thực hiện mục đích lớn lao đó nhưng những gì mà ông nghe được rõ ràng là công việc của một điệp viên.
Kaoru lúc đó không phải là người duy nhất nhận trách nhiệm thực hiện sứ mệnh to lớn này bởi một số đồng hương của cậu sinh viên Nhật cũng được đưa tới đây sau khi mất tích bí ẩn ở các khu vực ven biển của Nhật Bản.
Cuộc đoàn tụ bất ngờ
Thông thường, phía Triều Tiên sẽ phải mất 1 năm rưỡi tẩy não “lính mới” bằng cách bắt họ học tiếng Hàn đồng thời làm họ tiêu tan đi hi vọng có thể trở về quê hương mà họ ngày đêm ấp ủ.
Quá trình này ban đầu được thử nghiệm với các cặp đôi, nhưng Triều Tiên nhận ra rằng điều đó không hiệu quả. Nhưng nếu tách hai người, một trong số họ dễ rơi vào tình trạng trầm cảm, khó kiểm soát và có thể dẫn đến tự tử.
Vì vậy họ quyết định tách các cặp đôi trong một thời gian và sau đó để họ được đoàn tụ và cùng nhau phục vụ nhà nước. Đó cũng chính là những gì mà Kaoru phải chịu đựng.
Tháng 5/1980, sau khi bắt đầu làm quen với hệ tư tưởng của chủ tịch Kim Nhật Thành, Kaoru nhận được một niềm vui mà đối với ông cho đến bây giờ vẫn là khoảnh khắc hạnh phúc nhất trong thời gian sống ở nơi đất khách.
Cậu sinh viên người Nhật được gặp lại người bạn gái sau gần hai năm xa cách. Hai người kết hôn sau đó ba ngày nhưng cuộc hôn nhân này không giống như những gì họ từng mơ ước bởi cả hai đều biết một tương lai khó khăn đang đợi họ trước mắt.
Và họ bắt đầu cuộc sống mà thoạt nhìn cũng trôi qua như bao người bình thường khác.
Cuộc sống mới
Họ sống trong một căn nhà nhỏ truyền thống ở phía Nam Bình Nhưỡng. Mỗi buổi sáng, đôi vợ chồng sẽ bị đánh thức bởi tiếng loa phóng thanh từ những chiếc loa đặt tại nhà và nơi làm việc của tất cả người dân Bình Nhưỡng.
Yukiko sẽ chuẩn bị một bữa ăn sáng truyền thống Hàn Quốc cho Kaoru trước khi đi làm.
Mỗi tuần một lần, rạp chiếu phim gần nơi họ đang sống sẽ chiếu những bộ phim có nội dung tuyên truyền cách mạng. Thỉnh thoảng, họ cũng sẽ vài lần đi xem những bộ phim này cùng nhau.
Hầu hết thời gian buổi tối, Kaoru và Yukiko ở nhà và xem tin tức trên một trong hai đài truyền hình chính thức của Triều Tiên.
Trong vòng chín tháng với sự trợ giúp của từ điển, Kaoru đã có thể đọc những tờ báo tiếng Hàn với nội dung chủ yếu là ca ngợi chủ tịch Kim Nhật Thành xen kẽ vào đó là tư tưởng chống Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Ông cũng phải tập quen với những điều mà người Triều Tiên nói về chiến tranh. Với họ chiến tranh là điều không thể tránh khỏi và tất cả người dân phải quen với việc chiến tranh với Mỹ có thể nổ ra bất cứ lúc nào.
Với Kaoru, ông phải chuẩn bị sẵn một chiếc ba lô với đầy đủ nến, diêm, và các loại nhu yếu phẩm khác. Thậm chí để đối phó với việc có thể chạm trán với lính Mỹ, ông phải nằm lòng câu nói: "Chúng tôi là những người Nhật bị Triều Tiên bắt cóc. Làm ơn giúp chúng tôi!”
Kaoru và Yukiko cứ như vậy sống cuộc sống nơm nớp trong lo sợ đó cho đến khi những đứa con của họ Shigeyo và Katsuya ra đời vào năm 1981 và 1985.
Đối với hai vợ chồng, sự ra đời của những đứa trẻ đã mang lại cho họ niềm tin, niềm hi vọng về một tương lai bất định phía trước.
Thế nhưng tất cả đã thay đổi vào tháng Giêng năm 1988 khi nữ điệp viên của Triều Tiên Kim Hyun Hee bị bắt sau khi thực hiện vụ đánh bom máy bay làm 115 người thiệt mạng ở Hàn Quốc. Từ đó, tất cả những bí mật về “dự án” bắt cóc người Nhật của Triều Tiên bắt đầu bị phanh phui.
Tuy nhiên vào thời điểm đó, Triều Tiên vẫn một mực phủ nhận cáo buộc. Mãi cho đến năm 2002, sau bốn năm đàm phán, chủ tịch nước Kim Jong-il mới đồng ý tiết lộ sự thật.
Trở về mảnh đất quê hương
Tuy nhiên trong khi chính phủ Nhật Bản cáo buộc Triều Tiên đã bắt cóc hơn 250 công dân của nước họ, nhưng Triều Tiên tuyên bố họ chỉ bắt cóc 13 người Nhật, chỉ có điều tám người trong số họ đã chết.
Hai trong số năm người còn sống là Kaoru và Yukiko. Họ được trả tự do và trở về nước năm 2002 nhưng không được phép mang theo hai người con của mình.
Phải mất tới 18 tháng đàm phán, Triều Tiên mới đồng ý để hai đứa trẻ trở về trong vòng tay của bố mẹ.
|
Hình ảnh hai vợ chồng trở về nước. |
Sau khi trở về Nhật Bản, bằng vốn ngôn ngữ tích lũy nơi xứ người, Kaoru sống bằng nghề dịch thuật. Khi đã đủ sức để nuôi bản thân và gia đình, ông quyết định không nhận thêm khoản trợ cấp cho những người bị bắt cóc từ phía chính phủ.
Cuộc sống của gia đình ông cũng đã trở lại bình thường. Vợ của ông Yukiko làm việc cho một nhà trẻ ở địa phương.
Con gái ông Shigeyo giờ đã hoàn thành xong chương trình đại học còn anh trai cô Katsuya đang làm việc tại một ngân hàng ở Seoul, Hàn Quốc.
Khi được hỏi về quãng thời gian đằng đẵng ở Triều Tiên, Kaoru chia sẻ: "Khi còn sống ở đó, tôi đã nói rất nhiều thứ không tốt đẹp về Nhật Bản. Điều đó làm tôi cảm thấy xấu hổ với tổ tiên mình.”
Mặc dù cuộc sống của Kaoru vẫn âm thầm qua đi, nhưng trong mắt những người tiêu cực họ nhìn nhận ông như một người bị mắc kẹt giữa hai nền văn hóa, thậm chí tệ hơn là nội ứng từ phía Triều Tiên.