Kể từ tháng 4/1965 đến cuối năm 1972, Liên Xô đã cung cấp cho Việt Nam 95 hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina và 7.658 đạn tên lửa cho tổ hợp này.
|
Hệ thống tên lửa phòng không S-75 Dvina do Liên Xô chế tạo. Ảnh Sputnik. |
Chiến công lẫy lừng của Lực lượng tên lửa phòng không Việt Nam
Trong mấy tháng đầu tiên, lực lượng tên lửa Việt Nam chỉ cần 1-2 quả đạn để bắn hạ 1 máy bay Mỹ. Kết quả này đạt được nhờ yếu tố bất ngờ. Không lâu sau đó, Không quân Mỹ bắt đầu bay tới các mục tiêu ở độ cao thấp có sử dụng các khối gây nhiễu. Vì vậy, vào giữa năm 1966, để bắn hạ một máy bay Mỹ, Việt Nam đã phải tốn tới 3-4 đạn tên lửa. Sau khi máy bay Mỹ lắp đặt các thiết bị gây nhiễu, thì số tên lửa được phóng để bắn rơi một máy bay đã tăng đến 9-10.
Kết quả là từ năm 1968 cho đến cuối Chiến tranh Việt Nam, bình quân 4-5 quả đạn diệt được một máy bay Mỹ.
Các đơn vị tên lửa đã bảo vệ bầu trời Hà Nội trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không “ vào dịp Giáng sinh 1972 và đã bắn hạ 54 máy bay Mỹ, trong đó có 31 “pháo đài bay” B-52, chiếm 2/3 tổng số máy bay Mỹ bị bắn hạ trong thời gian đó.
Tính tổng cộng, kể từ tháng 7/1965 cho đến khi kết thúc chiến tranh, các đơn vị tên lửa Việt Nam đã bắn hạ gần 1.300 máy bay địch, trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược B-52. Kết quả của lực lượng pháo phòng không cao hơn: bắn rơi 2.550 máy bay Mỹ.
Các đơn vị pháo phòng không thường tiêu diệt máy bay địch ở độ cao không quá 5 km, tức là trên độ cao mà các phi công Mỹ buộc phải bay thấp để tránh tầm bắn của tên lửa. Nói cách khác, các đơn vị tên lửa không chỉ bắn hạ nhiều máy bay địch mà còn buộc máy bay Mỹ trúng hỏa lực của pháo phòng không. Như vậy có thể nói rằng, lực lượng tên lửa đã góp phần tăng cường lá chắn phòng thủ ở Việt Nam, giúp làm giảm đáng kể thiệt hại về người và của.
Lần đầu tiên bắn hạ “pháo đài bay” B-52 bằng tên lửa
Huyền thoại "bách chiến bách thắng" của "pháo đài bay" B-52 đã tiêu tan vào ngày 4/2/1967, gần 6 tháng sau khi các tổ hợp tên lửa phòng không đầu tiên của Liên Xô được triển khai ở Việt Nam.
Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã sử dụng chiến thuật phục kích. Sau khi dự đoán tuyến đường mà máy bay B-52 của Mỹ có thể bay qua, nhờ các thông tin nhận được từ các điệp viên Liên Xô cải trang thành ngư dân để theo dõi máy bay Mỹ cất cánh từ đảo Guam, các chuyên gia tên lửa đã triển khai tên lửa ở những nơi mà phi công Mỹ ít ngờ nhất. Và sau khi bắn xong, ngay lập tức họ phải chuyển tên lửa đến vị trí khác một cách nhanh chóng nhất.
Đầu tháng 2/1967, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã quyết định đưa một trong những tiểu đoàn tên lửa phòng không vào khu vực vĩ tuyến 17, nơi mà tại thời điểm đó máy bay Mỹ đang hoàn toàn làm chủ tình thế vì không vấp phải sự kháng cự đáng kể từ mặt đất. Theo hồi ký của đại tá Dmitry Voitko, máy bay Mỹ lượn vòng chỉ cách nơi triển khai tên lửa chưa đầy 10 km.
Chẳng bao lâu sau Không quân Mỹ đã phải trả giá. Lần đầu tiên "pháo đài bay” B-52 của Mỹ xuất hiện ở phía bắc vĩ tuyến 17 đã bị trúng tên lửa. Ba tên lửa đã được bắn vào nhóm ba chiếc "pháo đài bay" B-52. Một chiếc bị rơi ở xuống vùng núi của Lào, chiếc thứ hai rơi xuống biển và chiếc thứ ba thoát về căn cứ.
Công lao to lớn của các chuyên gia tên lửa Liên Xô
Từ giữa tháng 9/1965 đến giữa tháng 4/1966, các chuyên gia tên lửa Liên Xô ở Trung đoàn 238 Quân chủng phòng không Việt Nam đã tiến hành 61 trận chiến đấu, phóng 71 tên lửa và bắn rơi 48 máy bay Mỹ. Tính trung bình, cứ 1,5 quả tên lửa thì tiêu diệt được 1 máy bay Mỹ.
Đồng thời, các chuyên gia Liên Xô đã cấp tốc đào tạo bộ đội tên lửa Việt Nam. Hai trung tâm đào tạo đầu tiên đã được tổ chức không xa Hà Nội để huấn luyện các trung đoàn tên lửa phòng không 236 và 238. Chẳng bao lâu đã mở thêm trung tâm thứ ba để huấn luyện trung đoàn 261. Tổng cộng trong vòng chưa đến một năm, các chuyên gia quân sự của Liên Xô đã đào tạo được 10 trung đoàn tên lửa phòng không và 3 trung đoàn vô tuyến điện cho Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Qua đó, bắt đầu từ mùa xuân năm 66, bộ đội tên lửa Việt Nam bắt đầu thực chiến và phóng tên lửa. Mỗi trung đoàn tên lửa phòng không Việt Nam chỉ còn 10-15 chuyên gia Liên Xô.
Các trung tâm ở Liên Xô cũng đóng góp quan trọng vào việc đào tạo cán bộ cho
Quân chủng phòng không Việt Nam. Chỉ riêng trong hai năm 1966-1967, Liên Xô đã đào tạo cho Việt nam 5 trung đoàn tên lửa phòng không, với tổng cộng khoảng 3.000 quân nhân chuyên nghiệp.