Cách đây 74 năm, phát xít Đức tấn công Liên Xô

Google News

(Kiến Thức) - Cách đây tròn 74 năm, ngày 22/6/1941, phát xít Đức đã bội ước tấn công Liên Xô và cuối cùng tự chuốc lấy họa diệt vong.

Trùm phát xít Hitler và và các tướng lĩnh Đức Quốc xã chóp bu đều chủ quan cho rằng Hồng quân sẽ bị “đánh gãy xương sống” và Liên Xô sẽ sụp đổ nhanh chóng trong “Chiến dịch Barbarossa” lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh thế giới.
Cach day 74 nam, phat xit Duc tan cong Lien Xo
"Chiến dịch Barbarossa" tấn công Liên Xô của Đức Quốc xã.
Đức Quốc xã và đồng minh đã huy động 4 triệu binh sĩ, 3.600 xe tăng, hơn 4.000 máy bay và 46.000 trọng pháo đồng thời tấn công Liên Xô trên trận tuyến kéo dài 2.900 km, từ Biển Baltic ở phía bắc đến Biển Đen ở phía nam.
Chiến dịch Barbarossa
Chỉ ba tháng sau khi ký Hiệp ước không xâm lược với Liên Xô, ngày 23/11/1939, Hitler tuyên bố: “Chúng ta đã có một hiệp ước với người Nga. Nhưng các hiệp ước chỉ được tôn trọng khi chúng còn có lợi”. Như vậy, ý định tấn công Liên Xô đã được Hitler ấp ủ từ năm 1939. Ý đồ này đã được hiện thực hóa qua “Kế hoạch Barbarossa”.
Cach day 74 nam, phat xit Duc tan cong Lien Xo-Hinh-2
Ý định tấn công Liên Xô đã được Hitler ấp ủ từ năm 1939. 
Để có thể giành được một chiến thắng chớp nhoáng, quân Đức lên kế hoạch nhanh chóng hủy diệt Hồng quân Liên Xô trong những chuỗi tấn công và hợp vây. Mục tiêu chủ yếu của “Chiến dịch Barbarossa” chính là tiêu diệt Hồng quân Liên Xô và sau đó mới là đánh chiếm những vùng đất đai hay đạt được những thắng lợi về chính trị. Bản thân Hitler từng nói rằng so với việc tiêu diệt Hồng quân Liên Xô thì "đánh chiếm Moscow không quá quan trọng".
Quân Đức và đồng minh đã sử dụng Cụm Tập đoàn quân Bắc tấn công khu vực Baltic, Cụm Tập đoàn quân Trung tâm đột kích về phía thủ đô Moscow và Cụm Tập đoàn quân Nam đánh chiếm các mỏ than và dầu lửa giàu có ở Ukraine và Caucasus. Mục tiêu hàng đầu của Đức Quốc xã là “đánh gãy xương sống” Hồng quân, tiêu diệt các phương diện quân chủ lực bằng chiến thuật đánh vu hồi vây hãm thần tốc dồn các phương diện quân của Liên Xô vào các “chảo lửa” không có lối thoát.
Thành công ban đầu của chiến thuật “đánh nhanh, thắng nhanh”  (Blitzkrieg) của quân Đức thật  đáng kinh ngạc. Đến ngày thứ 17 sau khi phát động “Chiến dịch  Barbarossa”, Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Thống chế Fedor von Bock đã bắt được  hơn 300.000 tù binh, phá hủy hơn 2.000 xe tăng,  1400 khẩu pháo và tiêu diệt hầu hết máy bay chiến đấu của Liên Xô chưa kịp cất cánh.  Quân Đức đã đánh chiếm Minsk và  Smolensk trong các chiến dịch vây hãm khổng lồ.  Mục tiêu đánh chiếm của Tập đoàn quân Trung tâm là thủ đô Moscow,  nhưng sau đó,  Hitler lại điều động một số tập đoàn xe tăng của Tướng  von Bock hỗ trợ cho các Tập đoàn quân Bắc và Nam,  khiến cho tốc độ tấn công bị chậm lại và Hồng quân Liên Xô có thời gian quí báu để bổ sung quân và xây dựng các tuyến phòng thủ tầng tầng lớp lớp trước thủ đô Moscow. Mùa đông nước Nga đã đến và các đợt tấn công của quân Đức bị chặn lại trước cửa ngõ thủ đô Moscow.
Đầu tháng 12/1941, một số đơn vị Đức lâm vào thế "chết đứng" do thiết giáp không thể vận hành dưới cái lạnh khủng khiếp. Những lực lượng tiên phong không được chuẩn bị cho mùa Đông và cũng không có dự trữ chiến lược. Ngày 4/12, Tập đoàn quân xe tăng 2 của Tướng Heinz Guderian phải dừng lại khi nhiệt độ là -35 độ. Hôm sau nhiệt độ xuống thêm 2 độ nữa và xe tăng hầu như bất động trong khi Hồng quân  Liên Xô liên tục phản kích hai bên sườn và uy hiếp phía sau cánh quân này từ hướng Tula.
Từ ngày 30/11 đến ngày 5/12/1941, Cụm tập đoàn quân Trung tâm của Đức đã chịu những thiệt hại rất nặng nề tại Mặt trận Moscow, không còn đủ sức tấn công và phải chuyển sang phòng ngự nhưng không kịp.
Khi đó, Hồng quân đã được tập hợp lại, được bổ sung đáng kể về quânsố và vũ khí, dưới sự chỉ huy của các viên tướng tài ba như  Zhukov, Konev, Rokossovsky và Vasilevsky. Không giống như Hitler, Tổng tư lệnh tối cao Joseph Stalin đã để cho các chỉ huy mặt trận toàn quyền quyết định và không can thiệp quá mức vào cách đánh của họ.
Cach day 74 nam, phat xit Duc tan cong Lien Xo-Hinh-3
Ngày 5/12/1941, Hồng quân Liên Xô đồng loạt phản công khiến cho Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã bị hoàn toàn bất ngờ.  
Ngày 5/12/1941, Hồng quân Liên Xô đồng loạt phản công khiến cho  Bộ Tổng tư lệnh quân đội Đức Quốc xã bị hoàn toàn bất ngờ. Cụm Tập đoàn quân Trung tâm của Đức Quốc xã bị thiệt hại nặng và bị đánh bật khỏi Moscow, có nơi đến hơn 250 km. Chiến dịch đánh chiếm Moscow bằng một trận hợp vây đã phá sản, kéo theo sự phá sản của toàn bộ "Kế hoạch Barbarossa".
Kể từ sau khi đợt tấn công Moskow bị bẻ gãy vào cuối tháng 1/1942, Quân đội Đức Quốc xã không còn đủ sức tổ chức một đợt tổng tấn công nào khác trên toàn bộ mặt trận, khiến chiến lược “đánh nhanh thắng nhanh” trước mùa đông 1941-1942 của Hitler hoàn toàn phá sản.
Chiến dịch Barbarossa mở màn vào sáng 22/6/1941 trên toàn tuyến biên giới phía tây của Liên Xô và kết thúc thất bại vào đầu tháng 2/1942 trước cửa ngõ Moscow. Đây là chiến dịch có quy mô lớn nhất về quân số tham chiến và cũng là chiến dịch đẫm máu nhất với con số thương vong chưa từng có.
Sau này, giới sử gia nhận định rằng chưa có ai mắc sai lầm chết người như trùm phát xít Hitler coi thường đất nước và nhân dân Liên Xô, khi phát động  “Chiến dịch Barbarossa” vào  ngày 22/6/1941.
Tổn thất  lớn lao và chiến thắng vĩ đại
Trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại, toàn bộ sức mạnh của nhân dân Liên Xô đã được huy động một cách tối đa. Hầu hết các nhà máy sản xuất vũ khí đã được tháo dỡ, được vận chuyển đến hậu phương và tiếp tục sản xuất. Trong nhiều trường hợp, công suất của các nhà  máy chế tạo vũ khí khí tài còn cao hơn nhiều so với trước đây.
Các đạo quân du kích cũng là một bộ phận quan trọng trong cuộc chiến tiêu hao quấy rối ở những vùng lãnh thổ rộng lớn bị quân Đức chiếm đóng. Đó là những người đàn ông, phụ nữ bình thường  nhưng vô cùng quả cảm, khiến cho quân Đức mất ăn mất ngủ, bị tổn thất đáng kể về quân số, vũ khí và phải phân tán lực lượng để bảo vệ các tuyến đường tiếp vận.
Cach day 74 nam, phat xit Duc tan cong Lien Xo-Hinh-4
Không giống như Hitler, Tổng tư lệnh tối cao Joseph Stalin đã để cho các chỉ huy mặt trận toàn quyền quyết định cách đánh. 
Quyết định của Tổng tư lệnh tối cao Stalin không từ bỏ Moscow khi các quân Đức tiến sát thủ đô đã góp phần nâng cao tinh thần chiến đấu của Hồng quân và nhân dân Liên Xô. Trong một hành động thách thức ngoạn mục, nhà lãnh đạo Liên Xô này đã cho tiến hành duyệt binh ở Quảng trường Đỏ và các đơn vị tham gia duyệt binh đi thẳng ra tiền tuyến,  một ngày trước khi Hồng quân bắt đầu chiến dịch phản công.  
Trùm phát xít Hitler đã sai lầm chết người khi chủ quan cho rằng Liên Xô sẽ nhanh chóng sụp đổ giống như nước Pháp trước đó. Thế  nhưng, nhân dân Liên Xô đã được huy động đến một mức độ chưa từng có trong lịch sử, trong khi Hồng quân đập tan bộ máy chiến tranh của khổng lồ của Đức Quốc xã.
Trong năm 1941, Tổng tham mưu trưởng  quân đội Đức Quốc xã, Đại tướng  Franz Halder,  đã phải thừa nhận: "Chúng ta đã đánh giá thấp sức mạnh khổng lồ của người  Nga ... Khi chúng ta tiêu diệt được một chục sư đoàn Hồng quân, người Nga lại có hàng chục sư đoàn khác thay thế”.
Các sự kiện phát sinh sau “Chiến dịch Barbarossa” đã định hình thế giới trong nhiều thập kỷ sau đó. Giới sử gia cho rằng nếu Hitler thành công trong việc chinh phục Liên Xô, chủ nghĩa phát xít sẽ giống như “một tấm vải liệm màu đen bao trùm lên toàn bộ Châu Âu với những hậu quả khủng khiếp không kể xiết”. Vương quốc Anh sẽ bị cô lập  trong cơn tuyệt vọng.  Nước Mỹ vẫn còn choáng váng sau vụ Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ của Liên Xô sẽ khiến cho quân Đức Quốc xã “như hổ chắp thêm cánh” và tham chiến cùng Nhật Bản trên mặt trận Thái Bình Dương.
Đây chính là lý do khiến nhân loại tôn vinh vai trò cũng như sự hy sinh to lớn của Liên Xô trong Chiến tranh thế giới thứ II. Mặc dù đồng minh cũng đóng vai trò quan trọng khi mở mặt trận thứ hai ở Tây Âu, nhưng có thể khẳng định rằng chủ nghĩa phát xít  khó có thể bị đánh bại, nếu không có sự hy sinh và công lao vô cùng to lớn của nhân dân Liên Xô.
Minh Châu (Theo RT)

Bình luận(0)