4 câu hỏi lớn về cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu

Google News

(Kiến Thức) - Cuộc khủng hoảng tị nạn châu Âu ngày càng trầm trọng hối thúc các nhà lãnh đạo EU thực hiện các biện pháp khẩn cấp giải quyết thực trạng này.

Dòng người không ngừng đổ về Châu Âu qua các nước vùng Balkan và biển Địa Trung Hải giữa cuộc khủng hoảng tị nạn châu ÂU trầm trọng đã hối thúc các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu (EU) thực hiện các biện pháp khẩn cấp giải quyết thực trạng này.
Vì sao ngày càng nhiều người tị nạn đổ về Châu Âu?
Tình hình ở Syria xấu đi khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo IS ngày càng phát triển mạnh cùng cuộc nội chiến tiếp diễn, khiến rất nhiều người dân Syria rời bỏ đất nước.
Theo bà Melissa Fleming – người phát ngôn của cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc – cho hay, đa phần người tị nạn Syria tìm cách sang các nước Châu Âu thay vì sống trong các trại tị nạn ở những quốc gia láng giềng.
4 cau hoi lon ve cuoc khung hoang ti nan chau Au
Chiến sự tại Syria khiến hàng triệu người dân phải rời đất nước.
Hồi tháng 8/2015, Đức thông báo họ có thể tiếp nhận 800 nghìn người nhập cư trong năm nay, khiến dòng người tị nạn từ Syria, Eritrea, Nigeria và Solami – những quốc gia đang chìm trong chiến tranh, sự áp bức độc tài, nghèo đói hay chủ nghĩa cực đoan tôn giáo - ùn ùn kéo về đất nước này.
Ngay cả người dân ở những khu vực phi chiến tranh như Serbia và Macedonia cũng rời quê hương với hy vọng tìm được một cuộc sống tốt đẹp hơn ở Châu Âu.
Bao nhiều người tị nạn đã tới châu Âu và họ đi đâu?
Theo thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), từ đầu năm tới nay, hơn 350 nghìn người mạo hiểm tính mạng trên những con thuyền qua lênh đênh trên biển Địa Trung Hải để sang châu Âu. Liên Hợp Quốc cho biết, các di dân thường đi thuyền từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các đảo Lesbos, Chios, Samos và Kos để tiếp tục hành trình tới “miền đất hứa”.
Ngoài Hy Lạp, Hungary và Italy cũng đang đối mặt với cuộc khủng hoảng di cư. IOM cho biết, hơn 114 nghìn người nhập cư tới Italy trong năm nay, chủ yếu họ đi trên những con thuyền nhỏ từ Libya qua Địa Trung Hải. Từ tháng 1/2015 đến nay, tổng cộng 156 nghìn người tị nạn đã tới Hungary. Đích đến cuối cùng của các di dân chủ yếu là Đức, Thụy Điển và Anh.
4 cau hoi lon ve cuoc khung hoang ti nan chau Au-Hinh-2
Người tị nạn được giải cứu trên biển Địa Trung Hải ngày 26/8.
Thành phố cảng Calais của Pháp cũng chứng kiến cảnh cảnh sát vất vả ngăn hàng trăm di dân cố sang Anh qua đường hầm Channel Tunnel. Tuy nhiên, họ chỉ chiếm khoảng 1% đến 2,5% trong số hơn 200 nghìn người mới đặt chân tới Italy và Hy Lạp trong năm nay.
Nhận thấy mối nguy hiểm khi đi bằng đường biển, một số di dân tìm cách đến “miền đất hứa” bằng cách đi xe buýt, tàu hỏa hoặc đi bộ.
Trong những tuần gần đây, hàng nghìn người đã tới Hungary, Áo, Đức và Croatia, gây áp lực lớn cho các nhà chức trách. Ngày 15/9, Hungary đã phải đóng cửa biên giới với Serbia bởi dòng người tị nạn quá đông. Song mới đây, ngày 20/9, nhà chức trách nước này đã tái mở cửa khẩu với Serbia cho người tị nạn.
Một số diễn biến chính cuộc khủng hoảng tị nạn năm 2015
Ngày 1/9, một số chuyến tàu cao tốc Eurostar, mỗi chuyến chở hàng trăm hành khách đi lại giữa Anh và Pháp, buộc phải ngưng hoạt động, sau khi nhiều người di cư chặn các đường ray tàu ở Calais.
Ngày 1/9, hàng trăm di dân mắc kẹt bên ngoài nhà ga xe lửa chính ở Budapest, Hungary sau khi bị cấm sang Đức. Lệnh cấm chỉ được thực thi trong vòng 24 giờ sau. Sau đó, cảnh sát bất ngờ cho phép họ rời Budapest.
Ngày 31/8, hàng trăm di dân trong trại tị nạn lên những chuyến tàu tới Đức, Áo sau khi cảnh sát Hungary cho phép họ rời Budapest mặc dù nhiều người trong số họ không có visa EU. Chỉ trong ngày 31/8, 3.650 người tị nạn đã tới thủ đô Viên bằng tàu hỏa.
4 cau hoi lon ve cuoc khung hoang ti nan chau Au-Hinh-3
Các di dân đứng bên ngoài một nhà ga ở Budapest, Hungary ngày 1/9.
Ngày 27/8, thi thể đang phân hủy của 71 di dân, trong đó có 8 phụ nữ và bốn trẻ nhỏ, được phát hiện trong một chiếc xe đông lạnh bị bỏ lại trên đường cao tốc của Áo. Cảnh sát cho hay, các nạn nhân chủ yếu là người tị nạn Syria được cho là đã chết vì ngạt thở.
Ngày 27/8, khoảng 150 người được cho là đã bị chết đuối ở vùng biển ngoài khơi phía tây Libya sau khi con thuyền đánh cá và một con thuyền nhỏ chở các di dân bị chìm trên biển Địa Trung Hải. Khoảng 198 người được giải cứu.
Ngày 19/4, một con thuyền khác chở 850 di dân vừa rời khỏi thành phố cảng Zuwarah, Tripoli, đã bị lật úp ngoài khơi bờ biển Libya. Chỉ 28 người được giải cứu.
Liên minh Châu Âu đã thực hiện giải pháp gì?
Các Bộ trưởng Nội vụ của Liên minh Châu Âu đã nhất trí thông qua kế hoạch tái phân bổ 120 nghìn người tị nạn hiện đang tạm trú ở Hy Lạp, Italy và Hungary nhưng chưa rõ số người tị nạn cụ thể phân bổ ở mỗi quốc gia.
Hungary và Slovakia nằm trong số những quốc gia phản đối hạn ngạch bắt buộc tiếp nhận người tị nạn, cho rằng giải pháp này sẽ khiến ngày càng nhiều di dân đổ về Châu Âu và đe doạ hệ thống biên giới mở của khu vực.
Tuy nhiên, các bộ trưởng đã đồng ý tăng cường nhân lực và nguồn lực để bảo vệ biên giới cũng như giúp cơ quan tị nạn của Liên Hợp Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia khác hỗ trợ chỗ ở cho hàng triệu người tị nạn Syria.
Các tổ chức nhân nguyền cũng kêu gọi giới chức đưa ra các giải pháp khác như cấp visa lao động cho di dân và người tị nạn nhằm giảm thiểu nguy cơ thảm kịch xảy ra do tình trạng buôn người.
Thiên An (Theo ST)

Bình luận(0)