NSND Thu Hiền: Hát, yêu và sống hết mình

Google News

(Kiến Thức)- "Trong cách sống hết mình đó, tiếng hát là chỗ tựa nương, vừa là thước đo của phẩm giá con người", NSND Thu Hiền chia sẻ.


Hát để gần nguồn cội

Thưa chị, hơn nửa thế kỷ, chị đã gắn bó với dòng nhạc dân gian. Một chữ “duyên” chắc là chưa đủ để cắt nghĩa về điều này?

Phải khẳng định tôi có một cái duyên tiền định với dòng nhạc dân gian! Nếu không, làm sao hát được hàng trăm nhạc phẩm, trong suốt 50 năm qua.

Tôi đam mê trọn vẹn nên mới theo được nghiệp suốt đời. 15 tuổi, vào chiến trường, hát dưới mưa bom bão đạn, hát trong tình đồng đội. Hành quân và hát để phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Đến bây giờ, tôi vẫn thấy mình nguyên vẹn đam mê với dòng nhạc gần nguồn cội. Mà những gì là bản sắc văn hóa dân tộc thì càng được tôn vinh trong xu thế phát triển hiện nay.

 NSND Thu Hiền đã hát dòng nhạc dân gian trong suốt 50 năm qua.

Phía sau một người đàn bà sinh ra để hát, hát để chung thủy với một dòng nhạc, chị có phải đánh đổi nhiều thứ?

Cũng chẳng nên nói về sự đánh đổi làm gì! Tôi chỉ nghĩ một điều, cuộc đời không cho ta tất cả. Đôi khi, có sự hy sinh không cần nói ra. Nỗi khổ của đàn bà không ai giống ai, cũng chẳng phải của riêng ai.

Một khi, mình đã vượt qua biến cố thì cách nhìn xuyên suốt vẫn là sự quyết tâm và lòng tin vào cuộc đời.

Tiếng hát có khi nào là một nơi nương tựa tinh thần cho chính chị?

Tôi hát hết mình, có khi vì lí do sức khỏe mà giọng hát đuối một chút cũng làm tôi hơi buồn. Một khi hát đã thế, thì tôi cũng sống hết mình vì người thân, thầy cô, bạn bè và đồng nghiệp. Tôi cũng yêu hết mình, không cứ phải là tình yêu giữa đàn ông và đàn bà. Yêu con cũng phải như thế nào mới kết lại được tình mẫu tử truyền đời chứ!

Trong cách sống hết mình đó, tiếng hát là chỗ tựa nương, vừa là thước đo của phẩm giá con người.

 "Tôi đam mê trọn vẹn nên mới theo được nghiệp suốt đời"

Tĩnh lặng để bình yên

Thu Hiền lúc 15 tuổi khác rất nhiều so với NSND Thu Hiền bây giờ?

15 tuổi, tóc tôi rất dài, hay lấy sợi cước để vấn tóc. Còn bây giờ, tóc đã thưa sợi đi nhiều nhưng vẫn chưa bạc đâu nhé! (cười).

Ngày xưa, mới vào chiến trường, tôi bé loắt choắt, nhanh nhẹn. Dọc đường hành quân, người ta giơ tay qua trán để nhận đồng hương. Còn tôi, khi nói “Thái Bình đây”, thì phải bảo thêm “Anh ơi, chú ơi hạ tay xuống mới bắt tay cháu được. Giơ lên là chỉ chạm được trăng thôi!”.

Ngày đầu tiên vào chiến trường, vừa qua phà Linh Cảm, chứng kiến sự hy sinh của quân và dân vì đạn bom oanh tạc thì tôi bật khóc. Khóc vì thương!

Một kỉ vật mà tôi mang theo suốt từ lúc mới vào chiến trường cho tới nay là cái ăng-gô và chiếc chăn dù. Những lúc tĩnh lặng ngồi một mình trong ngôi nhà, tôi vẫn mang ra để ngắm, bao kỉ niệm của tuổi xuân hiện về.

Chị đã đi hát triền miên như thế, có khi nào thấy cần phải dừng lại để sống vì gia đình?

Ngày xưa, tôi không ý thức được điều này! Còn bây giờ, mình phải biết sắp xếp thời gian để sống bằng lòng với những gì đang có.

Tôi vẫn thường dành những ngày tĩnh lặng để ngồi học thế hệ ca sĩ trước mình hát, nghe các em ở thế hệ sau đang khai phá dòng nhạc dân gian như thế nào.

Với chị, ngày nào của Tết có ý nghĩa nhất?

Chiều 30 Tết, khi đó cả gia đình quây quần bên mâm cơm sau khi đã lễ tổ tiên. Ngồi lại bên nhau trong thời khắc chuyển đổi từ cũ sang mới để ai cũng cảm thấy được sự ấm áp, bình yên. Mà cảm giác ấy, tôi mới có được gần đây thôi! Những Tết trước, tôi đi hát qua cả đêm giao thừa.

Cảm ơn NSND Thu Hiền, chúc chị và gia đình một xuân hạnh phúc!

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐỌC NHIỀU


Sam Nương

Bình luận(0)