Tùng Dương: “Phạm Duy đã đi một con đường thênh thang”

Google News

(Kiến Thức)- "Phạm Duy sống ở đời đã được mọi người ghi nhận. Khi nằm xuống thì những tác phẩm của ông trở nên bất hủ", ca sỹ Tùng Dương chia sẻ.

“Cứ hát nhạc của tôi đi…”

Một tin buồn là nhạc sĩ của “Đưa em đi tìm động hoa vàng” đã về cõi. Là một ca sĩ gần gũi với âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy, anh có suy nghĩ gì về di sản âm nhạc đồ sộ của ông?

Với ca từ giàu hình ảnh, đầy sự nhân văn đã nói hết được lên những tư tưởng trong âm nhạc của ông. Có những nhân tài không may mắn vì chỉ sau khi qua đời mới được công nhận. Cuộc sống quá ngắn ngủi nên họ có thể không đi hết được con đường của mình. Nhưng với Phạm Duy, sống ở đời đã được mọi người ghi nhận. Vậy khi nằm xuống thì những tác phẩm ấy trở nên bất hủ. Vậy thôi!

 "Ẩn chứa sau vóc dáng nhỏ bé là một nhân cách lớn".

Anh trân quý những điều gì ở tính cách con người, hoạt động âm nhạc của cố nhạc sĩ Phạm Duy?

Lần cuối, tôi gặp bác Phạm Duy tại tư gia. Đến thăm ông vào buổi chiều, sau khi tập luyện cho liveshow Tùng Dương - Hát tình ca.Tôi rất muốn ông tới dự và nghe tôi hát nhưng ông gượng gạo: "Tùng Dương hả? Tôi gần đất xa trời rồi! Cứ hát nhạc của tôi đi, cho thế hệ sau biết đến tôi!”

Tôi biết ẩn chứa sau vóc dáng nhỏ bé là một nhân cách lớn. Với người nhạc sỹ, tôi cảm thấy họ thật may mắn vì họ đã tự khắc họa chân dung, ý nghĩ, tư tưởng qua tác phẩm. Theo tôi, đó là một điều hạnh phúc. Ông nhắm mắt cũng mãn nguyện rồi!

Tâm trạng của anh khi biết tin Phạm Duy mất?

Lúc tôi vừa thu thanh xong bài Ngậm ngùi cho CD Tùng Dương - Hát tình ca thì có người bạn báo tin ông mất. Có những sự việc trùng lặp như một dấu hiệu cho một thời khắc nào đó.

Tôi buồn nhưng cũng tự an ủi vì dù sao một tác giả lớn như ông đã đi được hết quãng đường mà ông muốn đi. Con đường ấy thật thênh thang!

 "Tôi thấy mình cũng nhạy cảm giống bác Phạm Duy lắm!"

“Tôi muốn hát thư thái và… đời nhất”

Anh là người đến sau với âm nhạc Phạm Duy, nhưng không thể phủ nhận là khi anh hát đã chạm được vào thế giới tinh thần mong manh của từng tác phẩm. Bằng cách nào để anh làm tốt điều này?
 
Tôi chưa hát nhiều nhạc Phạm Duy. Tuy nhiên, khi đứng trước một tác phẩm đã có đời sống thì luôn cần phải tìm một sự đồng cảm hết mức có thể. Và sự đồng cảm ấy, đôi khi không dễ dàng có được nếu giữa ca sỹ - nhạc sỹ lại không có sợi dây liên kết nào.

Tôi  và bác Phạm Duy thuộc hai thế hệ sống khác nhau, quan niệm và triết lý sống ở hai thời đại khác nhau. Nhưng, sợi dây tưởng chừng như mong manh ấy vẫn nối kết được lại với nhau. Khi ta trải qua những điều bình dị của cuộc sống, cảm nhận mọi khoảnh khắc thiêng liêng của nó với lăng kính nghệ thuật thì ta sẽ nhập được với cảm xúc của tác phẩm. Những người nghệ sỹ dù thời nào, bản chất họ đều có những sự tương đồng. Tôi thấy mình cũng nhạy cảm giống bác Phạm Duy lắm!

Phải nói là bác Duy là người quá nhạy cảm! Do đó, cứ thế tôi cất lên một cách rất tự nhiên những: Ngậm ngùi, Mùa thu chết, Kiếp nào có yêu nhau... Như thể tôi là một nhân vật trong những câu chuyện của Phạm Duy vậy.

Chắc rằng, giữa anh và cố nhạc sĩ Phạm Duy có mối thâm giao?

Tôi chỉ nghĩ đơn giản đó là những mối đồng cảm giữa những người nghệ sỹ. Mười năm trước, tôi còn trẻ, dại hơn giờ nhiều. Giờ tôi khôn khôn dại dại. Khi mình khôn ra một chút thì sẽ suy nghĩ người lớn hơn, chín chắn hơn, đủ trải nghiệm hơn để hát theo cách mình muốn, mình biết chọn nhạc để hát.

Nhạc của bác Duy, tôi không nghĩ đó là thử thách quá lớn với chính mình. Vì sao ư? Thì chính chất dân gian Bắc Bộ mà ông khai thác thì tôi cũng rất thấm từ lâu. Tôi chỉ đợi cho mình có đủ năm tháng để hát nhạc của ông một cách thảnh thơi, thư thái nhất, "đời" nhất.

Có lần, anh đã nói với tôi: "Phải hát khác hơn, cá tính hơn, mới tạo được một đỉnh cao mới" về các ca khúc của cố nhạc sĩ Phạm Duy. Vậy thì, cá tính nào của Tùng Dương sẽ tương tác đủ "độ" với âm nhạc của ông để có cái mới?

Cái khó là đã có quá nhiều người khai thác thế giới âm nhạc của Phạm Duy rồi. Và cái khó thứ hai chính là hát nhạc của ông phải vận dụng kỹ thuật thanh nhạc nhưng phải tìm cách dấu được kỹ thuật, nếu quá trưng trổ e rằng sẽ bị mất tự nhiên, bị “gò”.

"Hát một câu tình như "sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" mà không đủ tinh tế để hát ru thì chẳng ru được ai đâu!".

Thêm nữa, nếu mình không có cái riêng thì lại bị so sánh. Tôi chưa bao giờ dám nghĩ rằng mình sẽ đưa nhạc Phạm Duy lên một đỉnh cao mới. Tôi chỉ hát nhạc ông theo một tâm thế người trẻ đương đại và dám liều mình vì yêu.

Điều này, tôi thấy ở thời nào cũng giống nhau thôi! Một khi đã liều mình vì yêu, chấp nhận thử thách thì mới là người trẻ. Bác Phạm Duy mà ở tuổi tôi cũng suy nghĩ giống tôi thôi (cười). Hát một câu tình như "sợi buồn con nhện giăng mau, em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây" mà không đủ tinh tế để hát ru thì chẳng ru được ai đâu!

TIN BÀI LIÊN QUAN

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU





Sam Nương

Bình luận(0)