Nhạc sĩ Trọng Đài chia sẻ về cuộc sống “cặp đũa lệch“

Google News

Những ngày đầu mới quen nhau, khi Mai Hoa theo anh đến tham gia các chương trình ca nhạc, bạn bè vẫn nhầm tưởng anh đang "cặp" với một chân dài nào đó. 

"Thế là chị ơi rụng bông hoa gạo. Ô hay, trời không nín gió cho ngày chị sinh...". Ấy là những ca từ buồn thương, khắc khoải và thơ mộng trong bài hát Chị tôi (Thơ Đoàn Thị Tảo) đã được nhạc sĩ Trọng Đài chắp cánh một cách tài tình, tinh tế. Có lẽ sau bài hát của ông, "chị tôi" đã trở thành một khái niệm riêng để nói về phụ nữ, một nửa của thế giới và của những yêu thương trong cuộc đời mỗi người. Trọng Đài tài hoa trong âm nhạc, một phần có lẽ bởi ông đã viết quá hay về họ.

Đa đoan cũng là một vẻ đẹp

Trái với nhiều nhạc sĩ tên tuổi khác, Trọng Đài là người có đời tư ít ồn ào nhất trên mặt báo. Anh ngại ngần khi có ai đó tìm đến chỉ để kiếm cớ phỏng vấn. Nhưng là người của công chúng, ông hiểu sự quấy rầy ấy là điều khó tránh.

 Trọng Đài, Mai Hoa được xem là một cặp đôi đẹp của âm nhạc Việt Nam.

Thoạt trông, Trọng Đài không giống một nhạc sĩ. Anh có vẻ bề ngoài của một vị giám đốc với mái đầu trọc lóc, bộ vest chỉn chu của dân công sở toát lên sự năng động, hiện đại và nét oai phong, bệ vệ. Nhưng âm nhạc của Trọng Đài thì hoàn toàn ngược lại. Nó là sự cụ thể hoá đến cùng bên trong con người ông.

Người viết nhắc đến Chị tôi, bài hát quen thuộc và được nhiều người yêu mến. Ít ai biết đây là bài hát mà anh được hai đạo diễn Hoàng Tích Chỉ và Đoàn Lê đặt hàng.

Trọng Đài nhớ lại: "Bộ phim xoay quanh những bi kịch đời thường của những người lính trở về sau chiến tranh. Ở khu phố nhà binh ấy, mỗi người lính đã phải đối diện với những đau khổ, dằn vặt, ẩn ức, bi kịch trong quãng đời hậu chiến của họ. Nhưng nổi bật lên lại chính là hình ảnh của người vợ. Những đổi thay đầy nhạy cảm của người đàn bà có chồng là lính trở về sau cuộc chiến được xem là những thước phim ám ảnh người xem nhất. Sự lạc nhịp của hai con tim, hai cách nhìn đã đưa họ đến với hai con đường, hai cuộc sống khác nhau. Người vợ, một người đàn bà với khát vọng sống bản năng và mãnh liệt đã phản bội chồng mình để đi theo tiếng gọi của trái tim, tình yêu. Chỉ vì nàng quá đa đoan".

"Sự đa đoan như một vẻ đẹp bí ẩn bên trong người phụ nữ. Cũng như cái mê hoặc ở âm nhạc là sự phứ tạp, đa điệu vậy. Nó khiến phụ nữ trở nên mông lung, xa xôi, mộng ảo. Người đàn ông vì thế mà chẳng bao giờ "đi" hết được chiều dài tâm hồn của họ", Trọng Đài nói vậy.

Có lẽ sự đồng cảm đã giúp tiếng đàn của anh lẫy nên những nốt nhạc buồn thương mà đẹp đẽ đến thế về phụ nữ. Anh trìu mến gọi họ là những "chị tôi" với tất cả sự trân trọng và cảm mến. Có thể nói bài hát đã góp phần làm cho bộ phim Người Hà Nội trở nên hấp dẫn và ám ảnh người xem hơn. "Chị tôi" cũng đã trở thành một nhạc phẩm với đời sống độc lập hoàn toàn. Có thể nói, với nó, Trọng Đài đã phá vỡ được lối suy nghĩ chủ quan, phiến diện, xét nét với những sáng tác được xem là đặt hàng khô khan, nhạt nhẽo.

Thực tế, một nhạc sĩ viết theo đơn đặt hàng cho các phim, thậm chí các dự án xây dựng hay một thương hiệu sản phẩm nào đó giờ đã là điều bình thường. Nhưng cách đây 15, 20 năm, điều đó vẫn bị xem là một cách sáng tạo nghệ thuật rập khuôn, bó buộc. Không ít con mắt đã kì thị và dị ứng với nó. Dẫu vậy, sức sống và sự lan toả của Chị tôi là câu trả lời mạnh mẽ nhất cho lối suy nghĩ thiển cận đó. Đã có một thời, sau khi bộ phim Người Hà Nội được công chiếu rộng rãi, gần như đi đâu người ta cũng nghe giai điệu da diết, man mác, day dứt của nó. Nhưng trong cách lý giải của Trọng Đài, anh đơn giản nghĩ rằng: "Một kịch bản phim hay như thế được đặt vào tay cho nên bài hát mình viết để minh hoạ cũng không thể dở được".

Đàn ông hiểu phụ nữ bằng cách yêu họ

Nhạc sĩ Trọng Đài đã chọn một cách hay nhất để hiểu phụ nữ đó là dành tình yêu cho họ. "Nhưng dành như thế nào cũng phải biết cách, biết người biết ta là trăm trận trăm thắng", anh dí dỏm mỉm cười. Và có lẽ, chiến thắng lớn nhất của Trọng Đài chính là Mai Hoa, người đàn bà trong cuộc hôn nhân duy nhất mà anh đang có. Trọng Đài chia sẻ, anh tìm được bến đỗ hạnh phúc rất muộn cho nên điều anh tâm niệm gia đình luôn là số một.

 

Trước Mai Hoa, Trọng Đài được biết đến như một người đàn ông tài hoa, đa tình trong giới âm nhạc. Nhưng những cuộc tình ấy chỉ thoáng đến rồi thoáng đi, ngắn ngủi và mơ hồ. Cái mà người đàn ông tìm kiếm, ấy là sự chỉn chu và chung thuỷ của một người phụ nữ gia đình, anh vẫn chưa tìm được. Cho đến lúc gặp Mai Hoa, cô gái kém anh 17 tuổi, mọi sự tìm kiếm mới được đền đáp. Những ngày đầu mới quen nhau, khi Mai Hoa theo anh đến tham gia các chương trình ca nhạc, bạn bè vẫn nhầm tưởng anh đang "cặp" với một chân dài nào đó. Có người bạn thân lâu năm còn cố tình gọi "chú, cháu" rồi bông đùa đặt cho họ cái tên là "cặp đôi đũa lệch". Nhưng hơn ai hết, anh hiểu Mai Hoa là người chín chắn và trưởng thành hơn nhiều so với lứa tuổi. Chị không phải là một nhan sắc quá nổi trội trong rừng nhan sắc mà anh có dịp gặp gỡ và làm quen ngày ấy. Nhưng sự "khó tính" của cô đã chinh phục anh hoàn toàn.

Giữa những hào nhoáng, lấp lánh nhưng hời hợt và dễ dãi của số đông những cô gái trẻ, anh nhận ra, cái cá tính và giọng hát khác người của Mai Hoa đã trở thành điểm cuốn hút khó cưỡng đối với anh, một nhạc sĩ được mệnh danh là gã "gàn" khi ấy. Sự chênh lệch về tuổi tác không hề là rào cản trong hạnh phúc của họ. Ngược lại, anh cảm thấy mãn nguyện với cuộc hôn nhân của mình, dù có đôi chút muộn màng so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng có hề gì, sự viên mãn của hiện tại đã là câu trả lời rõ ràng nhất cho những hoài nghi trước đó.

Nếu trong âm nhạc, Trọng Đài là người hào hoa, lãng mạn thì ngoài đời anh lại vô cùng giản dị, thậm chí ít nói và kín kẽ với cuộc sống của riêng mình. Ngôi nhà hạnh phúc của anh nằm khá lặng lẽ, yên bình trong con ngõ nhỏ trên phố La Thành, Hà Nội. Ở đó có một người đàn ông lớn là anh và ba người phụ nữ xinh xắn dễ thương mà anh vẫn hay gọi là hoàng hậu và các công chúa. Hoàng hậu chính là vợ anh, ca sĩ, nghệ sĩ ưu tú Mai Hoa. Còn hai con gái chính là những nàng công chúa nhỏ bé mà anh rất mực yêu chiều.

Ngoài một Trọng Đài nhạc sĩ, giờ đây, giới chuyên môn còn biết đến anh trên cương vị giám đốc Nhà hát ca múa nhạc Thăng Long. Công việc của một người quản lý chiếm khá nhiều thời gian của anh. Trọng Đài chọn cách đến với âm nhạc, thao thức với những ca từ, giai điệu vào mỗi đêm, sau khoảng thời gian bận rộn ở cơ quan. Niềm đam mê ấy mang đến cho anh nhiều niềm vui trong sáng tác. Chuyện làm nhạc với gia đình anh cũng hết sức nhẹ nhàng. "Tôi viết rồi phối khí, vợ thể hiện, thế là gần như tự làm mọi công đoạn để cho ra đời một sản phẩm âm nhạc", anh chia sẻ.

Người ta nói, nhờ chất giọng lạ của Mai Hoa mà các nhạc phẩm của Trọng Đài trở nên đặc biệt. Anh không phủ nhận điều này: "Thực ra, đã vài lần tôi đưa ca khúc cho một ca sĩ khác. Nhưng về nhà lại thấy vợ mình hát hay hơn. Rồi khi nghe Mai Hoa hát, nhiều người ngại thể hiện lại. Thế là cuối cùng hai cái tên Trọng Đài - Mai Hoa cứ thế đóng đinh vào với nhau".

Thời gian này, anh đang tập trung cho mảng khí nhạc, cũng chính là sở trường mà anh được đào tạo ở nhạc viện Tchaikovski (Matxcova). Với anh, đây vẫn là mảnh đất chất chứa nhiều nhất mọi mạch nguồn của cảm hứng sáng tạo. Vẫn chọn cách bận rộn với những đơn đặt hàng, Trọng Đài lại miệt mài với từng giai điệu. Cách tư duy của một nhà làm nhạc chuyên nghiệp cộng với sự bay bổng nghệ sĩ đã cho ra đời những bản nhạc tinh tuý và đẹp đẽ nhất. Vì thế, âm nhạc Việt Nam, sau những Chị tôi, Hà Nội đêm trở gió, lại tự hào có thêm những Đất và Người, Đường đời, Chuyện phố phường, Mùa lá rụng, Hương đất, những nhạc phẩm được viết cho phim nhưng lại có sức lay động và lan toả mạnh mẽ đối với công chúng.                                   

 
                                                      Số phận bắt nổi tiếng muộn

Nhạc sĩ Trọng Đài tên thật là Nguyễn Trọng Đài, sinh năm 1958. Anh vốn là con nhà nòi âm nhạc ở Hà Nội. Trọng Đài bước vào con đường âm nhạc chuyên nghiệp khá sớm, cùng thời với Đặng Thái Sơn. Mặc dù cùng được đào tạo tại nhạc viện danh giá bậc nhất thế giới, Tchaikovski nhưng số phận đã làm cho Thái Sơn nổi tiếng trước anh đúng một thập niên. Năm 1980, khi Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin trong cuộc thi Piano quốc tế mang tên vị nhạc sĩ thiên tài này thì Trọng Đài vẫn là một cái tên hoàn toàn mờ nhạt. Cho đến năm 1990, khi đăng quang trong cuộc thi sáng tác nhạc thính phòng do Hội nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, anh mới chính thức được giới mộ điệu biết đến. Lần đó, bản ngũ tấu đàn dây của Trọng Đài đã tạo nhiều ấn tượng về một ngôn ngữ khí nhạc riêng biệt và độc đáo.


Theo Người đưa tin

Bình luận(0)