Trong một cuộc trò chuyện với Siu Black, nữ ca sĩ vui vẻ chia sẻ với phóng viên: Đây là giai đoạn chị cảm thấy an yên nhất trong cuộc đời lên thác xuống ghềnh của mình. An yên đến độ chuyện còn thiếu nợ với chị bây giờ cũng không thành vấn đề lớn: “Tôi sẽ trả dần dần”. Không chỉ Siu Black chọn từ bỏ chốn phồn hoa trở về làng, nhiều nghệ sĩ Việt hiện nay cũng đang có xu hướng về quê làm nông dân.
“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ”
Một trong những “sao” Việt sớm giã từ phồn hoa tìm về với cây cỏ, chim muông, sống đời thanh nhàn chính là cố nghệ sĩ Lê Hồng Giang (Giang Còi). Anh mua một mảnh đất ở Mê Linh (từng thuộc Vĩnh Phúc) với giá 27 triệu đồng từ năm 1994. Sau này, Mê Linh thành ngoại thành Hà Nội, mảnh đất 10.000 m2 này trở nên có giá nhưng nghệ sỹ vẫn không có ý định bán đất kiếm lời. Anh giữ lại đến năm 2001 thì trở về đây sống, để được hưởng môi trường trong sạch, thân thiện.
|
Người đẹp Oanh Yến làm nông
|
Khi nghệ sĩ Giang Còi nằm xuống, tôi có cuộc trò chuyện với NSƯT Tiến Quang (Quang Tèo), bạn diễn có duyên nhất với anh trên sân khấu. Quang Tèo nói, đã nhiều lần khuyên Giang Còi bán đất về thành phố chọn một nơi ở tiện ích sống cho sướng, vì anh đã chịu khổ nhiều: “Ngày xưa Giang Còi ở tập thể tầng 5 rất vất vả, đâu có thang máy như bây giờ. Đến khi về làng, tậu mảnh đất rộng cũng chẳng xây dựng bề thế gì, rất giản dị”, Quang Tèo bật mí đôi nét về đời thường của bạn diễn.
Theo đánh giá của Quang Tèo: Giang Còi sống như một nông dân dưới trung bình. Nhưng Giang Còi lại thấy vui với lựa chọn của mình. Trong miền bao la mua với giá 27 triệu đồng ấy, Giang Còi đào ao thả cá, nuôi chim, nuôi gà, trồng rau sạch, trồng cây ăn quả, bốn mùa hoa trái đua sắc đua hương. Là một trong số ít nghệ sĩ Việt nói lời từ chối với việc đóng quảng cáo, anh lắc đầu ngay cả với những hợp đồng béo bở, nên cũng không có gì khó hiểu khi vật chất và tiện ích của phố thị không làm Giang Còi lưu luyến.
Nam nghệ sĩ chuyên trị vai nông dân Bắc bộ học “Tuyết Giang phu tử” Nguyễn Bỉnh Khiêm ở tuyên ngôn sống: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/Người khôn người đến chốn lao xao”.
|
Việt Hoàn sau hào quang sân khấu
|
Dù từng khuyên đồng nghiệp bỏ làng về lại phố nhưng sau khi nghỉ hưu, chính Quang Tèo cũng xây dựng một cơ ngơi xa trung tâm thành phố. Anh chia sẻ với phóng viên: “Tôi mua đất ở Thạch Thất (Hà Nội) từ lâu rồi, với giá 260 triệu đồng/sào”.
Ở phía Bắc, nhiều nghệ sĩ sở hữu cơ ngơi xa đô thành. Tại đây, họ rũ bỏ hào quang để vào vai người nông dân chăm chỉ.
Tôi hỏi NSƯT Việt Hoàn, ngôi sao của dòng nhạc đỏ: “Vì sao anh bỏ phố?”. Anh đáp: “Từ năm 2016, vì lý do ô nhiễm không khí nội đô, nạn tắc đường và một số những bất cập của nhiều khu nhà chung cư, tập thể như chỗ đỗ xe, vệ sinh chung...
Vì thế tôi quyết định đưa gia đình ra ngoại ô phía Tây Hà Nội (cụ thể gần ngã tư Hoà Lạc) sinh sống”. Vì nung nấu ý định bỏ phố ra ngoại ô từ lâu nên Việt Hoàn mua được mảnh đất lớn với giá siêu hời: “Cách Hà Nội 35 km, diện tích 1.700 m2 nhưng giá cả khi đó rất hợp lý. Cả xây nhà ở tôi chỉ phải bỏ ra khoảng 3 tỷ đồng, chỉ bằng một nửa căn chung cư Trung Hoà Nhân Chính (Hà Nội) mà tôi từng sống”.
Ngoại ô có gì hấp dẫn một nghệ sĩ đã quen với hào quang sân khấu như Việt Hoàn? Tôi lại hỏi anh. Không cần suy nghĩ lâu, “sao” dòng nhạc đỏ chia sẻ: “Có lẽ vì giống cha nên tôi yêu thiên nhiên, yêu thích sống tự do tự tại, thích trồng cây, yêu kiến trúc, hội hoạ. Vì thế việc ra ngoại ô thật sự là một sự làm mới bản thân vô cùng thích thú. Ở ngoại ô tuy phải di chuyển thêm 30-35 phút khi đi hát nhưng đổi lại tôi có những giấc ngủ sâu, an lành, cùng những niềm vui tuyệt vời từ công việc lao động khi làm vườn và sắp xếp cho khu đất mà mình đang sống. Sống với thiên nhiên và con người ngoại ô, cuộc sống lao động chân tay cho tôi nhiều năng lượng. Việt Hoàn ở ngoại ô khác hẳn Việt Hoàn trên sân khấu với phục trang, ánh đèn lung linh. Tôi có cảm giác như mình được sống hai cuộc đời”.
Sau cùng, tôi hỏi Việt Hoàn: “Anh đã có phút giây nào ân hận khi chuyển ra ngoại ô sống?”. Việt Hoàn khẳng định: “Tôi chưa từng ân hận”. Anh còn nói thêm, ở ngoại ô anh luyện giọng ngay trong lao động: “Trên vườn, trong lúc lao động, trồng cây hay tỉa cỏ cũng là lúc tôi luyện hát cho những tác phẩm mới cần thu thanh. Đôi khi tôi cảm giác có nhiều xúc cảm trong trẻo hơn cho những tác phẩm đó”.
Sống ở làng mới là đáng sống?
Trong khi một số nhân vật trong làng giải trí có sở thích khoe đồ hiệu, khoe biệt thự, xế sang thì nhiều người nổi tiếng khác lại thích khoe họ làm nông dân thế nào? Những video, những tấm ảnh ghi lại cảnh hoa hậu H’Hen Niê chân lấm tay bùn lấy lòng nhiều khán giả. Ngay đến Lý Nhã Kỳ, một đại gia của làng giải trí, cũng khoe cảnh cô thu hái rau củ quả ở nông trại của mình.
Danh sách những nghệ sĩ bỏ phố về quê ngày càng dài. Khó có thể tưởng tượng nữ diễn viên với những cảnh nóng táo bạo trong nhiều phim, “Bi, đừng sợ!”, “Rừng đen”… ở đời thường lại sắm vai nông dân thuần thục. Chị đã rời Sài Gòn sôi động để trở về Bình Phước sống trong nhà vườn rộng 5.000 m2. Mỹ nhân Oanh Yến, từng đăng quang Hoa hậu Thế giới Toàn cầu tại Philippines năm 2015, cũng yêu thích cuộc sống thôn dã. Cô sở hữu biệt thự ước tính cả trăm tỷ đồng nhưng từ bỏ sang chảnh, xa hoa để tự mình cuốc đất trồng trọt, chăn nuôi trong nông trại rộng 4 ha tại Đồng Nai.
Mỹ nhân sinh nhiều con nhất làng giải trí (6 con) đã từng nói về lý do cô bỏ phồn hoa về với ruộng vườn: “Tôi thích cuộc sống nơi đây, không khí trong lành, có thể nghe rõ tiếng chim hót, gà gáy sớm mai… Từng ngày trôi qua đều ý nghĩa”. Cô cũng muốn các con của mình có trải nghiệm ở nhiều môi trường khác nhau để vững vàng hơn trên đường đời về sau: “Khi các con đã được hưởng cuộc sống sung sướng tại Sài Gòn và cũng biết về cuộc sống vất vả ở quê thì sau này môi trường nào các con cũng sống được”.
Người sắm vai vua Bảo Đại trong “Ngọn nến hoàng cung”, diễn viên Huỳnh Anh Tuấn, sở hữu nhà vườn rộng lớn ở Long An, quê ngoại anh. Nơi đây anh thỏa sức làm những gì mình thích, thả cá, trồng rau, nấu nướng.
Khi Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ những hình ảnh về thú điền viên của mình nhiều khán giả đã tán thưởng: “Đây là cuộc sống mơ ước của nhiều người”; “Ghen tị với anh quá, thảnh thơi để làm nông. Bình yên biết bao”. Có lẽ, bỏ phố về làng không chỉ là lựa chọn của nhiều người nổi tiếng mà còn là xu hướng của người dân đang sống ở đô thị. Những lo toan vất vả, nhịp sống xô bồ, gấp gáp ở chốn thị thành khiến người ta thèm được gần gũi thiên nhiên, tự do tự tại.
“Về quê, nuôi cá, trồng thêm rau”
Đen Vâu, nghệ sỹ sở hữu lượng fan lớn nhất nhì làng giải trí, đã đánh trúng tâm lý của người nghe, khi viết “Bài này chill phết”: “… Và đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công/Miệng cười như nắng hạ nhưng trong lòng lại chớm đông/Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau/Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau”. Ở bài “Đưa nhau đi trốn” anh lại viết: “ Mình rời thành phố chật chội náo nức/Nơi mà cả việc thở cũng làm ta lao lực...”.
Rapper sinh năm 1989 cũng là người chịu khó đưa khói, đưa rơm, đưa trăng vào trong ca khúc, khiến người nghe nhớ đến làng quê: “Gom mây lại thành gối ôm/Chất muộn phiền thành khối rơm/Lửa lòng cháy thành mùi khói thơm…”. Hoặc “Cũng vì tiết kiệm nước/Nên nhiều lần chỉ tắm trong ánh trăng”. Những sản phẩm âm nhạc truyền thông điệp bỏ phố về quê, bỏ thành thị tìm đến núi đồi tự do của Đen Vâu luôn ăn khách. Đến nay MV “Bài này chill phết” đã đạt 181 triệu lượt xem trên YouTube.