Tuần qua dư luận sôi sục với MV Chúng ta không thuộc về nhau của Sơn Tùng MTP, ca khúc mà chỉ chưa đầy 2 ngày sau khi tung lên YouTube, nó đã có khoảng 6 triệu view. Ca khúc này ngoài phần hình ảnh được cho là sao chép một phần từ MV của nghệ sĩ nước ngoài, thì phần âm nhạc cũng đã sử dụng một phần beat của một vài ca khúc (cũng của nước ngoài) dấy lên nghi án đạo nhạc làm nóng báo chí và các diễn đàn mạng.
Nhân nghi vấn Tùng MTP đạo nhạc, chúng ta thử nhìn lại hành trình xử lý đạo nhạc từ lúc nó bùng phát đến nay như thế nào?
Hiện nay, tại TP.HCM ai đạo nhạc thì cứ đạo nhạc, Sở VH,TT TP.HCM (cơ quan quản lý văn hóa), Hội Âm nhạc TP.HCM (hội chuyên ngành âm nhạc) nhiều năm qua không có động tĩnh gì trước vấn nạn này.
Tiền lệ “xử” đạo nhạc
|
Bìa đĩa CD "101% Copy + Cover - Đạo nhạc 2014". |
Tuy 6 triệu view trong 2 ngày và gần như tất cả các báo đều vào cuộc, nhưng có lẽ Chúng ta không thuộc về nhau cũng không thể so sánh với vụ đạo nhạc chấn động làng nhạc năm 2004.
Năm đó, một loạt nhạc sĩ nổi tiếng của làng nhạc trẻ Việt Nam có tên trong danh sách dài dằng dặc với 70 bài hát có nghi án đạo nhạc và cũng trong năm này, giới làm đĩa lậu đã nhanh chóng “phát hành” tuyển tập 101% copy + cover - Đạo nhạc 2004 gồm 10 đĩa CD, trong mỗi CD gồm 14 bài hát được xếp thành từng cặp gồm bản nhạc ngoại quốc đi liền với bản nhạc Việt bị cho là đạo nhạc hoặc cover.
Điều đáng nói là hệ lụy từ quả bom tấn đạo nhạc này, Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã “xử” nhạc sĩ Bảo Chấn và Hội Âm nhạc TP.HCM thì “xử” nhạc sĩ Quốc Bảo.
Nhạc sĩ Bảo Chấn với bài Tình thôi xót xa- bài hát nhiều lần nằm ở Top ten Làn sóng xanh và là ca khúc hit góp phần quan trọng đưa ca sĩ Lam Trường lên hàng sao. Tình thôi xót xa được cho có phần âmnhạc giống đến 99% bản nhạc hòa tấu Frontier của nhạc sĩ Nhật Bản Keiko Matsui. Trong hồ sơ xin gia nhập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Bảo Chấn ghi thời gian sáng tác Tình thôi xót xa là 1994, trong lúc bài hát Frontier phát hành năm 1992.
Ban Kiểm tra Hội Nhạc sĩ Việt Nam đã vào cuộc, nhạc sĩ Bảo Chấn cũng viết bản “tự kiểm” thừa nhận sai sót của mình, trong đó nhạc sĩ có viết: "Tôi thực sự lấy làm tiếc và xin lỗi bạn nghe nhạc vì những sự cố không mong muốn này. Xin cảm ơn những đóng góp chân tình của báo chí, đài và bạn nghe nhạc..." và "Xin được không sử dụng bài hát Tình thôi xót xa cho đến khi có kết luận thích hợp".
Sau quá trình làm việc với nhạc sĩ Bảo Chấn, ngày 2/6/2004 kết luận của Ban thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam về trường hợp này như sau: Nhạc sĩ Bảo Chấn là một nhạc sĩ biểu diễn lâu năm, có năng lực biên soạn phối khí, có đóng góp cho phong trào nhạc nhẹ TP.HCM... nhưng do nhiễm quá nhiều nhạc nước ngoài, lại chưa đủ bản lĩnh, kỹ năng nghề nghiệp nên một số ca khúc đã chịu ảnh hưởng của nhạc nước ngoài, đặc biệt là Tình thôi xót xa. Đó là điều đáng tiếc đối với một hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam.
Để giữ nghiêm kỷ luật của hội, Ban Thư ký quyết định cảnh cáo nhạc sĩ Bảo Chấn và thông báo đến toàn thể hội viên vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp, gây hậu quả xấu trong công chúng yêu nhạc…”.
Trường hợp nhạc sĩ Quốc Bảo (hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM) - người đứng đầu danh sách của nghi án đạo nhạc vì có số lượng nhiều bài nhất của bộ 10 đĩa 101% copy + cover - Đạo nhạc 2004. Hội Âm nhạc TP.HCM đã “xử” nhạc sĩ Quốc Bảo, ngày 6/7/2004, hội đã có thông báo chính thức,trong đó Ban Thư ký hội kết luận: Một số bài hát của nhạc sĩ Quốc Bảo với mức độ khác nhau đã giống với nhiều bài hát nước ngoài. Đặc biệt bài Tuổi 16 đã sao chép nguyên xi bài Renaissance Fair của Blackmore’s Night…
Để giữ nghiêm kỷ luật và tuân thủ đầy đủ Điều lệ năm 2002 của hội, Ban Thư ký quyết định: Nghiêm khắc cảnh cáo nhạc sĩ Quốc Bảo (thông báo đến toàn thể hội viên) vì thiếu tinh thần trách nhiệm trong hoạt động nghề nghiệp gây hậu quả xấu trong giới nhạc sĩ và công chúng; đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước nghiêm khắc xử lý bài Tuổi 16 và một số bài sao chép khác của NS Quốc Bảo…
Đó là 2 vụ xử đạo nhạc của hội chuyên ngành âm nhạc đối với vấn nạn đạo nhạc trước đây. Tứ đó cho đến 10 năm sau thì không ai xử đạo nhạc nữa dù đạo nhạc vẫn diễn ra.
“Đại nạn” đạo nhạc 10 năm sau: “xử” nhưng không phạt
Đúng một thập niên sau vụ đạo nhạc chấn động vào năm 2004 như đã nêu trên.
Năm 2014, các cơ quan quản lý văn hóa đã vào cuộc với ca khúc Chắc ai đó sẽ về của Sơn Tùng MTP. Thật ra Sơn Tùng MTP dính nghi vấn đạo nhạc từ vài năm trước với hàng loạt bài hát được cho là dùng beat hòa âm của các ca khúc nổi tiếng của các nhạc sĩ nước ngoài. Việc đạo nhạc của Sơn Tùng được dư luận báo chí chú ý bởi những bài hát được cho là đạo nhạc này đã trở thành “hit” và thu hút số lượng vô cùng đông đảo bạn trẻ nghe nhạc.
Tuy nhiên, Sơn Tùng vẫn không bị “xử”, nhưng sở dĩ bài hát Chắc ai đó sẽ về được các hội đồng thẩm định có đạo nhạc hay không là do bài hát này là bài hát chính trong phim ca nhạc Chàng trai năm ấy. Vì nghi án đạo nhạc của bài hát nên ĐD Quang Huy đã có đơn đề nghị Cục Bản quyền xem xét vấn đề bản quyền của bài hát Chắc ai đó sẽ về theo yêu cầu của Cục Điện ảnh, nếu không thì phim sẽ không được phát hành.
Ngày 10/11/2014, một hội đồng thẩm định do Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam thành lập theo chỉ đạo của Cục Bản quyền đã thẩm định bài hát Chắc ai đó sẽ về. Hội đồng đã thẩm định và kiến nghị Cục Bản quyền cấm lưu hành bài hát này vì bài hát đã đạo nhạc.
Nhưng đến ngày 5/12, một hội đồng thẩm định khác được thành lập theo quyết định của Bộ VH,TT&DL. Hội đồng này cũng đã thẩm định và đề nghị bài hát Chắc ai đó sẽ về phải thay beat khác nếu muốn được lưu hành.
Nói chung là có “xử” nhưng ngoài việc cấm và “dọa” cấm lưu hành thì không phạt kỷ luật tác giả sáng tác bài hát như 10 năm trước đã từng diễn ra.
Hội Âm nhạc TP.HCM, Sở VH,TT TP.HCM đâu rồi?
Hai năm trở lại đây, dù vẫn có đạo nhạc diễn ra nhưng chẳng có ai xử, nổi bật nhất là bài hát Chúng ta không thuộc về nhau đang đình đám hiện nay.
Có thể thấy, xử lý vấn đề đạo nhạc - một vấn đề gây bức xúc với công luận và với những người sáng tạo chân chính - đối với các hội chuyên ngành âm nhạc và các cơ quan quản lý văn hóa dường như cấp độ quan tâm, sự nghiêm khắc đang trên đà đi xuống. Năm 2004 có sự chủ động tham gia của các hội âm nhạc, có xử, có phạt, thì 10 năm sau, nó không được quan tâm, những hội đồng thẩm định hình thành là do yêu cầu từ Cục Điện ảnh đối với Cục bản quyền. Sau sự kiện này thì vấn nạn đạo nhạc bị thả nổi.
Hiện nay, hội âm nhạc và cơ quan quản lý văn hóa dường như không quan tâm đến những bức xúc của dư luận đối với ngành nghề, lĩnh vực ở địa bàn mà lẽ ra các cơ quan này phải có trách nhiệm đối với xã hội.
Hội Âm nhạc TP.HCM, Sở VH,TT TP.HCM đâu rồi?
>>> Mời quý độc giả xem video Top sao Việt giàu nhất showbiz (nguồn Youtube):