Trung Dũng: "Tôi và Thúy Ngân ngủ chung phòng khi đi diễn ngoại cảnh

Google News

Đang tạo cơn sốt với nhân vật Kiệt trong "Gạo nếp gạo tẻ", diễn viên Trung Dũng đã có những chia sẻ về nghề và đời rất chân phương, thẳng thắn.

>>> Mời quý độc giả xem trailer phim Gạo nếp gạo tẻ. Nguồn Youtube:
"Khi nói đến Trung Dũng, nhiều người làm phim bảo, tôi có giá cát sê cao, không thì bảo tôi già, hết thời"
- Chào Trung Dũng, có nhiều kiến cho rằng "Gạo nếp gạo tẻ" là bộ phim vực dậy dòng phim truyền hình phía Nam. Khi nhận lời anh có nghĩ phim sẽ có được hiệu ứng vang dội thế này không?
- Khi nhận kịch bản phim này, tôi khá an tâm vì có hai lí do: phim do HTV2 đầu tư một cách nghiêm túc. Thêm vào đó, dàn diễn viên góp mặt vào phim là những người tôi mơ để được đóng chung. Hiện tại, có rất nhiều nhà sản xuất, sau khi làm phim lại quỵt tiền diễn viên. Hàng ngày, các diễn viên đều lên Facebook cá nhân để ca thán về thực trạng này. Nó tạo cho các diễn viên cảm giác như con chim bị thương sợ cành cong. Tôi cũng như thế. Điều đầu tiên khi tham gia phim, diễn viên chúng tôi sẽ hỏi nhà sản xuất là ai, đầu tư phim như thế nào thay vì hỏi đạo diễn là ai thì chúng tôi mới quyết định tham gia hay không. Đó không chỉ là thực trạng của phim truyền hình mà còn là phim điện ảnh. Chúng tôi phải tin tưởng mới dốc sức làm.
Quá trình làm phim hơn một năm dài cũng là áp lực với diễn viên. Tôi có nói với mọi người trong đoàn rằng, một là phim sẽ thắng rất lớn, còn không sẽ chìm vào quên lãng vì khán giả không xem. Nghĩa là khi đã xem người ta sẽ xem một hơi dài đến tập 80. Nếu chỉ xem vài tập và cảm giác bị phi lí, "over" quá thì người ta sẽ bỏ luôn. Với tư cách là một diễn viên ở thời điểm đó, tôi không nhìn tổng quát được cả bộ phim. Nói thế nhưng khi nhìn kịch bản. Lời thoại và cách tổ chức của đoàn, tôi tin phim này sẽ nằm ở mức khá trở lên. Tôi cũng hi vọng lắm.
Từ trước đến giờ, khán giả không xem phim truyền hình vì có nhiều lí do. Hơn 6 năm nay, phim truyền hình sa sút. Thứ nhất là kịch bản yếu, cứ lặp đi lặp lại những câu chuyện na ná nhau. Họ thường sử dụng dàn diễn viên trẻ đẹp để đưa vào phim. Không thì họ sử dụng mô típ phim hành động, hình sự, võ thuật... đều là những thể loại khó ăn ở Việt Nam. Khán giả muốn xem thể loại này, họ sẽ chọn phim nước ngoài sẽ hay hơn nhiều. Bây giờ, nhà nào cũng có tivi công nghệ cao có thể kết nối với youtube. Khán giả không còn suy nghĩ tới giờ đó nhất định phải đón xem phim trên tivi. Khán giả đã quên hẳn thói quen chờ đợi xem phim truyền hình. Họ cứ nghĩ, không xem được trên tivi sẽ xem lại trên youtube. Đến hôm nay, "Gạo nếp gạo tẻ" lên sóng. Mọi người xem và nhận xét phim hay hơn cả bản gốc. Mọi người cảm nhận phim hay là nhờ vào dàn diễn viên. Cá nhân tôi khi ngồi xem đến tập 32, tôi cảm nhận nếu phim này không có dàn diễn viên thực lực như thế và đặc biệt là chị Hồng Vân, người nắm giữ tất cả câu chuyện trong phim sẽ khó có sự thành công như hôm nay.
 
 Đang tạo cơn sốt với nhân vật Kiệt trong "Gạo nếp gạo tẻ", Trung Dũng đã có những chia sẻ về nghề và đời rất chân phương, thẳng thắn.
- Anh cũng bị gọi với nhiều biệt danh như: Anh chồng nhu nhược nhất, anh chồng chịu đựng đáng thương nhất, anh chồng quốc dân của năm... Cảm giác của anh thế nào khi đọc những bình luận và nghe khán giả gọi mình như thế?
- Cảm xúc của một diễn viên khi đóng một vai hiền, được khán giả yêu mến và gọi bằng những biệt danh có hai vế và nhiều nghĩa cũng khá thích thú. Trong phim, với tình huống của nhân vật Kiệt, nhiều khán giả cho rằng, nếu ngoài đời mà gặp phải cô vợ như Hân, người ta sẽ giết chết, sẽ li dị... Tuy nhiên, ngoài thực tế, trường hợp như Kiệt là có. Đơn cử như Hân, khi ba chồng lên thăm, cô ấy chỉ cần nhấc điện thoại và gọi đến nhà hàng để đặt bào ngư vi cá mang đến rồi bỏ đi tắm sẽ không bao giờ có anh chồng quăng hộp cơm xuống đất, càng không có chuyện ba chồng nửa đêm phải cuốn gói về quê. Biên kịch muốn chi tiết hộp cơm khô đẩy câu chuyện lên đỉnh điểm. Nếu nhân vật Kiệt xử sự như một người đàn ông bình thường trong xã hội, phim sẽ không có gì xem, kết thúc tại đó và cô vợ cũng no đòn hoặc vào nhà thương. Hân là cô gái có học thức, có ba là thầy giáo cũng không bao giờ cư xử kém đến như thế. Hay nhân vật Kiệt đi làm về nửa đêm phải lục cơm ăn. Kiệt đâu có nghèo đến mức không ăn nổi một tô mì gói hay tô mì ngoài đường mà phải về nhà dẫn đến nhiều chuyện đau lòng. Đó là những cái mà biên kịch, đạo diễn muốn cho khán giả xem tận đáy của cảm xúc, đào sâu cảm xúc của người xem. Nó muốn đẩy sự uất ức của nhận vật lẫn khán giả lên đỉnh điểm, khóc là phải khóc nấc lên.
Vì sao khán giả phải khóc ở phân đoạn tôi ăn hộp xôi trong xe? Nhiều khán giả bảo, gặp họ là cô vợ nát thây trong xe chứ ở đó mà ngồi khóc. Tôi đọc những bình luận như thế, tôi chỉ mỉm cười thôi. Tôi nghĩ, chắc họ chưa sống đến độ tuổi như tôi nên họ chưa hiểu. Ai cũng thương cha thương mẹ mình. Tuy nhiên, hiếm người trải qua cảm giác phải nhận những đồng tiền cuối cùng của cha mẹ. Kiệt khóc là cho cha mình chứ không phải cho cô vợ ngồi kế bên. Anh khóc thương cha chứ không phải thương vợ. Cha Kiệt phải thức khuya dậy sớm nấu xôi, để vàng ở đáy hộp nhìn rất là Việt Nam. Khi cha mình vắt hết tài sản, vắt hết giọt máu cuối cùng cho mình, cho dù không thương cha cũng phải xúc động chứ đừng nói đến việc Kiệt là đứa con có hiếu. Đó không phải là nhu nhược mà là hi sinh, chịu đựng. Chịu đựng quá lố là do đẩy nhân vật phản diện lên cao trào, đẩy tuyến chính diện xuống tận cùng cho khán giả xem. Nó cũng là chiêu thức mà nhà sản xuất cũng như đạo diễn, biên kịch dùng thật thành công.
Khó có phim nào ở Việt Nam đẩy được cảm xúc như vậy. Thông thường các phim khác, nhân vật phản diện là phải ác không có nguyên nhân hoặc nhân vật hiền cũng không biết lí do. Ở phim này lại có lớp nên khán giả không bắt bẻ được. Họ chỉ biết tức. Khi xem xong, họ cảm được trong gia đình mình đâu đó cũng có người như thế. Họ sẽ biết cách để kiềm chế tính cách khi ứng xử với người thân. Ví dụ một bà mẹ vợ sẽ sực nhớ hôm qua mình mắng con dâu cũng hơi quá, để lần sau mình giảm bớt lại. Đó là thế giới thu nhỏ của một gia đình trong xã hội.
- Khán giả xem những tình tiết bị "over" sẽ bị thu hút nhưng vô cùng ức chế. Khi diễn những tình tiết như thế, bản thân anh có khi nào bị ức chế vì nhân vật của mình không?
- Chuyện diễn viên ức chế vì tâm lí nhân vật có rất nhiều. Tôi đã từng làm với ê kíp nước ngoài. Sự tranh luận giữa diễn viên và đạo diễn có khi kéo dài hàng giờ. Sự tranh luận không phải ở chỗ lớn tiếng mà là mỗi người đưa ra ý kiến riêng, dẫn đến thời gian kéo dài. "Gạo nếp gạo tẻ" là phim đầu tiên tôi làm việc với đạo diễn nữ. Sự tranh luận khá gay gắt. Tôi không thể nào chấp nhận tâm lí đó, cũng không thể nào chấp nhận mình có thể diễn như vậy. Với một diễn viên như Ngọc Thuận, Lương Thế Thành... có khuôn mặt hiền lành, đẹp trai sẽ dễ vào vai này hơn. Vì các bạn ấy chỉ cần chuyển sang trạng thái hiền là nhập vai ngay. Còn với tôi, nó lại không phải chuyện dễ dàng. Ngoại hình, ánh mắt, cử chỉ của tôi không thể nào vào được một nhân vật như Kiệt. Có một cảnh đơn giản là Hân đi chơi cả đêm đến sáng sớm mới về, Kiệt mới hỏi: "Em đi đâu về vậy?" Hân bảo: "Em đi làm mới về". Kiệt nói lại: "Mẹ mới nói em vừa đi làm mà". Rõ ràng, có sự mâu thuẫn. Một người chồng bình thường khi nói chuyện sẽ bỏ tay vào túi quần cũng được. Tuy nhiên, đạo diễn lại không cho tôi bỏ tay vào túi quần. Cô ấy bảo: "Anh Dũng ơi, anh bỏ tay ra cho em". Tôi đáp: "Tại sao? Anh nói chuyện với vợ chứ đâu phải nói chuyện với mẹ mà phải nghiêm chỉnh vậy". Đạo diễn vẫn nhất quyết: "Không, em muốn anh bỏ tay ra ngoài". Tôi cũng kiên quyết: "Anh không bỏ thì sao? Tâm lí của anh là bỏ tay vào túi quần". Cả hai cứ giằng co, không ai chịu nhường ai. Thêm một tình huống nữa là nhân vật Hân ngồi bệt xuống sàn nhà, kể lể chuyện không muốn về quê. Tôi mới bảo với đạo diễn cho tôi ngồi xuống vì tôi cũng là con người, cũng chịu áp lực phá sản, cũng chịu đựng nhiều... Đạo diễn lại bắt tôi phải đứng. Tôi bảo: "Đứng đó làm gì? Nghe nó kể lể, khóc lóc à? Nó là vợ hay là bà nội của anh?" Đạo diễn vẫn bắt buộc tôi phải đứng: "Không, em muốn anh đứng, chưa đến lúc anh phải ngồi". Tôi hỏi: "Vậy đến lúc nào?" Cô ấy bảo: "Khi nào vợ anh khóc, anh đưa tay lau nước mắt, anh mới ngồi được". Tôi nói, tôi không làm được. Hai anh em bắt đầu cãi nhau. Đạo diễn nói nếu tôi không làm được thì phải off đoàn. Tôi cũng không nhượng bộ.
Đó là những ngày đầu quay phim. Còn sau này, mọi chuyện đã đi vào quỹ đạo tốt hơn, thoải mái hơn. Phim này khiến tôi có sự hoang mang về tâm lí nhân vật. Sau đó, tôi tự nhủ, mình thử đặt cược như chơi bài, một là ăn, hai là thua. Tôi thử đặt lòng tin vào một người. Tôi thử nghe và làm hoàn toàn theo đạo diễn. Thực sự, đã đúng những gì cô ấy tính. Để làm được tất cả những yêu cầu của cô ấy thì diễn viên đó hẳn không phải dạng vừa. Vì với sức diễn của Lê Phương, chị Hồng Vân... mà còn phải chiến đấu từng giây từng phút với cô ấy. Không như những đạo diễn khác, khóc một lần hai lần là xong, với phim này, đạo diễn yêu cầu khóc ít nhất năm sáu lần mà phải khóc giống như thế. Ai khóc không được nhưng phải khóc làm sao khiến khán giả khóc trước khi mình rơi nước mắt kìa. Đó mới là diễn viên giỏi.
Cũng là một may mắn khi nhà sản xuất của "Gạo nếp gạo tẻ" chịu bỏ tiền để mời một dàn diễn viên thực lực như thế. Để mời được chị Hồng Vân không phải là dễ vì chị không thích đóng phim truyền hình. Chị khá bận từ công việc ở sân khấu đến gia đình. Khi tham gia phim này là một sự hi sinh rất lớn của chị Vân. "Gạo nếp gạo tẻ" chứng minh cho mọi người thấy, diễn viên có thực lực và bản lĩnh sẽ làm nên được điều khán giả mong muốn là được xem một bộ phim hay.
 
- Các diễn viên trong phim đều nói phải mất thời gian dài để thoát khỏi vai diễn. Riêng anh thì sao?
- Tại phim trường, tôi đã thoát khỏi vai diễn rồi. Với tôi, để làm được nhân vật Kiệt, mọi thứ đã có sẵn trong đầu. Khi đọc kịch bản xong, tôi đã phải sống với nhân vật của mình. Tôi không cần phải lấy tâm lí. Nhiều người nói tôi có nhiều năm kinh nghiệm nên dễ dàng. Tôi nghĩ là không phải. Người ta không nghĩ tôi đã chuẩn bị sẵn trước đó, đã đưa cảm xúc bản thân gắn liền với nhân vật từ lâu. Chỉ cần tôi tới phim trường và lật kịch bản ra, tôi đã là Kiệt chứ không còn là Dũng, cứ thế đi vào vai một cách nhẹ nhàng. Tôi không nghĩ mình làm được vai này vì thường người ta chỉ khóc cho đàn bà chứ không ai khóc cho đàn ông. Tôi đã làm được một vai chính diện ngu si nhưng khán giả vẫn yêu mến. Mặt tôi khó đóng vai hiền. Tính cách tôi cũng không liên quan gì đến nhân vật Kiệt. Sở trường của tôi phải đóng những dạng vai như: tướng, giang hồ, đại ca... mới đúng chất. Riêng vai này, hèn đến mức độ người ta đánh mà không dám đánh trả. Với ngoại hình của tôi, khán giả không thể tin tôi bị đánh mà không đánh lại những người khác. Cái khó là chỗ đó. Tôi đấu tranh từng ngày từng giờ. Tôi không biết đạo diễn có chọn nhầm vai cho tôi không. Đến giờ, tôi đã yên tâm vì mình làm tốt vai này.
"Đến vài chục năm sau, tôi vẫn giữ quan điểm, diễn viên phải học hành"
- Sau thời gian dài, phim truyền hình miền Nam khiến khán giả thất vọng về kịch bản lẫn diễn viên. "Gạp nếp gạo tẻ" có phải là cuộc chiến của chính bản thân anh lẫn các diễn viên khác?
- Mọi người có thể nghĩ lâu lâu mới thấy sự xuất hiện trở lại của một diễn viên nổi tiếng. Đúng, giống như chúng ta kinh doanh, phải nuôi dưỡng kế hoạch lâu dài và chờ đến ngày thành công hay thất bại. Tôi cũng thế. Mười năm nay, không còn kịch bản hoặc vai hay cho tôi. Khi nói đến Trung Dũng, nhiều người làm phim bảo, tôi có giá cát sê cao, không thì bảo tôi già, hết thời. Vì thế, họ mời những người có giá thấp hơn và đang nổi tiếng. Không chỉ người trong nghề mà cả khán giả cũng hay nói những câu như: "Diễn viên Việt Nam già rồi", "Diễn viên Việt Nam đóng dở, đóng sượng cứng"... Họ nói đến mức tôi cảm thấy tự ái, vì sao cái nghề của mình lại bị nói một cách vô tội vạ, dùng những từ khó nghe như vậy.
Những người làm nghệ thuật ra đường thường hay đeo khẩu trang hoặc đeo kính để che mặt. Nhiều người không hiểu sẽ nói chúng tôi chảnh. Không phải như vậy đâu. Chúng tôi không muốn nghe những điều trái tai. Tôi như thế này mà khi ra đường cũng nghe vài câu kiểu: "Ê, thằng Trung Dũng kìa". Nghệ sĩ không phải lúc nào ra đường cũng đẹp. Họ có quyền mặc bình thường. Nhất là nghệ sĩ nữ đôi khi bận rộn cũng không trang điểm khi ra ngoài cùng gia đình. Họ phải nhận những kiểu châm biếm như: "Sao nó xấu quá, gớm quá?" Nghệ sĩ cũng có cảm xúc như người thường, lúc vui lúc buồn, lúc mệt mỏi căng thẳng... Khi khán giả đến xin chữ kí lại bảo: "Mặt chảnh quá!". Gom tụ lại khiến nghệ sĩ phải tạo rào chắn để có sự thoải mái.
 
Phim truyền hình dạo trước chỉ chọn diễn viên là các hot boy, hot girl, những cô nàng những anh chàng không học qua trường lớp vào đóng hẳn vai chính. Thậm chí có cả những bộ phim chiếu rạp. Khán giả xem xong chỉ biết thở dài. Khán giả không có được cảm xúc bồi hồi để thốt ra lời khen. Những diễn viên đó vào đóng một hai tập đầu có thể khán giả nhìn thấy họ đẹp. Qua tới những tập tiếp theo, khán giả không còn muốn xem vì người diễn viên phải đóng nhân vật đó chứ không phải mang cuộc đời mình vào. Cuộc đời họ thực tế cũng không có gì đáng xem, trừ những vĩ nhân hay những nhân vật đi vào lịch sử mới có người muốn tìm hiểu. Chính vì tâm lí và suy nghĩ dễ dãi, diễn viên chỉ cần biết cười biết nói, thậm chỉ rơi một giọt nước mắt sẽ có người lồng tiếng cứu giúp. Khán giả bị ngộ nhận giữa diễn viên thực lực và diễn viên được lồng tiếng. Khi được lồng tiếng sẽ nghe và thấy người diễn viên đó diễn được, trong khi thực tế tại hiện trường, họ không hề thuộc thoại, có hẳn trợ lí ngồi nhắc. Họ không có sự nghiêm túc với nghề. Khán giả quay lưng là đúng. Có một lúc, tôi cảm thấy sợ vì cái nghề của mình theo đuổi bao lâu nay lại có tình trạng ai muốn nhảy vào làm là làm. Thậm chí, một cô gái bị cả xã hội cho là mạt hạng cũng có thể đóng vai chính trong phim. Vậy chúng tôi, những người qua trường lớp hẳn hoi vì sao phải học hành nghiêm túc đến bốn năm năm dài cho mất thời gian? Chỉ cần quen biết đạo diễn, nhà sản xuất sẽ có thể đóng vai chính. Nhiều người còn không hiểu diễn xuất là gì mà vẫn nghiễm nhiên nhận vai chính.
Tôi tự hào "Gạo nếp gạo tẻ" không có một hot boy, hot girl nào cũng không cần có người đẹp. Kể cả Thuý Ngân cũng có cả quá trình tôi luyện ở HTV2. Cô ấy là một trong những diễn viên được đào tạo qua nhiều phim. Cô ấy cũng trải qua bao nhiêu vòng casting nghiêm túc để có vai diễn Hân. Tôi dám chắc, những người không có học hành bài bản, không có bản lĩnh đảm bảo khi bước vào phim này sẽ bị đánh bật ra ngay. Khi đụng mặt với các diễn viên trong phim, lại thu tiếng trực tiếp sẽ bị gẫy hoàn toàn. "Gạo nếp gạo tẻ" có thể không phải là phim quá xuất sắc nhưng ít nhất nó cũng cho khán giả thấy, diễn viên Việt Nam diễn cũng được đó chứ. Tôi cũng cảm thấy tự hào vì được nhìn nhận là diễn viên có khả năng diễn xuất chứ không phải như trước đây bị nói là già và hết thời. Tôi đóng với ê kíp này, tôi cảm thấy yêu và mong mỏi mỗi ngày được gặp họ để học hỏi.
- Anh có nghĩ "Gạo nếp gạo tẻ" để các nhà làm phim cần nhìn nhận lại phim truyền hình cần có kịch bản tốt, diễn viên được đào tạo bài bản và sự làm việc nghiêm túc chứ không phải kiểu làm qua loa, mì ăn liền?
- Đến vài chục năm sau, tôi vẫn giữ quan điểm, diễn viên phải học hành. Ngay tại đất nước Thái Lan, Trung Quốc... chứ không cần nói về Hàn Quốc, tất cả những ngôi sao của họ đều xuất phát từ những trường điện ảnh danh tiếng của đất nước. Nếu có phim điện ảnh cần mời một ca sĩ đình đám vào thì cũng chỉ xếp người đó vào vai thứ chính thôi. Vì sức diễn của họ khi đụng với các diễn viên chính sẽ không thể nào bằng nên nhà sản xuất lúc nào cũng phải chọn vị trí rất an toàn vừa vai vừa vế. Ở Việt Nam lại không có điều đó. Tôi không bao giờ ủng hộ một người không học hành lại trở thành diễn viên, tự cho mình là ngôi sao, chỉ đóng phim điện ảnh. Nhiều bạn bảo: "Phim truyền hình là cái gì?", "Diễn viên truyền hình rẻ hơn diễn viên điện ảnh"... Họ không hiểu mình đang nói cái gì. Tất cả các ngôi sao đều phải đóng phim truyền hình mới bước sang điện ảnh. Phim truyền hình là môi trường đào tạo cho người diễn viên trở nên đa năng, biết tất cả mọi thứ.
Điều quan trọng hơn cả các bạn có thể tự thoại cho nhân vật trong suốt mấy chục tập phim không? Học trong trường là học tiếng nói sân khấu, rèn luyện thanh nhạc. Có thể trong thời gian học trong trường, bạn chưa vận dụng. Nhưng khi ra đời, làm nghề, bạn sẽ thấy nó rất hiệu quả. Chỉ có trường lớp mới có thể đào tạo ra những người diễn viên đi đường dài cho đến hôm nay. Nhìn lại, có thể thấy những diễn viên sống lâu trụ lâu với nghề và được yêu mến như: Lê Phương, Lương Thế Thành, Huỳnh Đông, Quý Bình, Vân Trang... Vì họ có học trường lớp nên mới có bản lĩnh, có sức để đua đường dài. Đừng nghĩ, chúng ta đẹp hay có thể quen biết mà không trau dồi nghề nghiệp bởi thời gian sẽ đào thải.
Tôi tự hào vì dàn diễn viên "Gạo nếp gạo tẻ" toàn những diễn viên được đào tạo bài bản. Mọi người rất thương nhau trong phim. Cô Kim Đức, anh Mai Huỳnh, chị Hồng Vân, anh Nguyễn Hậu... đều xuất thân từ những đoàn kịch nói, gắn bó với nghề vài chục năm, yêu nghề như máu thịt. Sau đó tới thế hệ tôi, Lê Phương, Hoàng Anh... đều là người được học nghề nghiêm túc. Các bạn nghe giọng nói của họ đều cảm nhận được họ thoại quá hay. Tôi mừng vì có những nhà đầu tư, những nhà sản xuất hiểu được nghề và trân trọng chúng tôi.
 
- Có khoảng thời gian chứng kiến dòng phim truyền hình đi xuống và diễn viên toàn tay ngang, anh có nản không?
- Tôi nản. Có khoảng thời gian tôi liên tục nghe người trong nghề bảo: "Diễn viên Trung Dũng đã già, hết thời". Những trang báo cũng giật tít một diễn viên qua thời muốn tạo scandal... Tôi cũng làm thinh. Tôi hiểu, với nghề này, nếu mình càng nói hay kiện cáo, khán giả sẽ càng quay lưng. Cảm giác của tôi khi làm phim ở Việt Nam là người ta không cần diễn xuất, chỉ cần biết đóng trước ống kính bản lĩnh tự nhiên, không sợ không run là được. Nếu diễn hơi quá sẽ bị nói kịch sân khấu, diễn viên kịch nên diễn kịch lắm. Những mĩ từ rất "dễ thương". Nó làm tôi chịu đựng bao nhiêu năm. Sở dĩ tôi đóng được vai Kiệt cũng vì bản thân nhịn nhục được khá nhiều năm. Tôi không thể lên tiếng, nhịn để mọi chuyện qua đi. Tôi không xài Facebook vì tôi không muốn mỗi ngày mở Facebook ra là phải đối diện với những ý kiến không hay về mình. Tôi không làm gì ai cũng không cho phép người ta nói nặng tôi. Đó là nguyên tắc sống của tôi. Các bạn đồng nghiệp của tôi đều mở Facebook xem mỗi sáng và trăn trở mệt mỏi vì bị chửi, bị nói này nói nọ. Tôi thắc mắc vì sao họ phải chịu khổ như thế? Thời gian đó đi tập thể thao, nấu ăn... còn có ý nghĩa hơn. Mình trong sáng, người ta trong tối, mình là người của công chúng sao phải đôi co với những người mình không biết mặt. Tôi suy nghĩ như thế nên chọn cuộc sống im lặng, âm thầm làm công việc của mình, giữ phong độ bằng cách tập gym. Đến lúc phim nào cần thì mình đáp ứng ngay điều đó.
"Giờ đã ở tuổi 46, tình yêu với tôi không còn là vấn đề tất yếu, không phải vấn đề hàng đầu tôi cần nghĩ đến"
- Sau thành công của "Gạo nếp gạo tẻ", tất cả diễn viên trong đó có anh bị bới móc đời tư như: giới tính, li hôn... Anh có khó chịu không?
- Về giới tính, tôi thấy rất vui. Vì tôi cảm thấy mình vẫn còn đủ độ hấp dẫn để người ta có thể mang ra bàn luận. Trên thế giới, tất cả các diễn viên đều dính nghi án giới tính. Ngay cả Ronaldo chuẩn men thế còn bị nói huống chi là tôi. Đó là chuyện bình thường. Nếu tôi là một người đàn ông xấu xí, bụng to thì hẳn không ai thèm nói đến. Thêm vào đó, phim "Lạc giới" tôi lại đóng đạt và có body quá ổn khiến không ít người nghi ngờ.
Bên cạnh đó là chuyện vợ con. Tôi từng thừa nhận có một đứa con trai 10 tuổi. Cuộc sống mà, không thể nói hết cho tất cả mọi người hiểu.
Chuyện khán giả đồn thổi tôi và Thuý Ngân lại càng bình thường. Tôi chưa vợ, Ngân chưa chồng. Hai đứa đóng phim với nhau hơn cả năm. Tôi là người thường xuyên đưa Ngân về nhà sau khi quay xong. Thậm chí, khi đi diễn ngoại cảnh hay giao lưu khán giả, chúng tôi cũng ngủ chung một phòng. Hai người chúng tôi cặp cổ, bá vai, vỗ mông... cũng không sao. Nó rất bình thường. Trước đây, tôi còn làm nhiều chuyện ghê hơn nhưng mọi người chả bao giờ nói gì.
Tôi còn nhớ Thân Thuý Hà từng nói với tôi: "Anh Dũng ơi, sao bây giờ có phong trào chụp lén?" Tôi bảo: "Chắc người ta nhờ người chụp chứ báo chí nào mà rảnh, nửa đêm nửa hôm còn đi chụp". Thân Thuý Hà lại nói: "Em cũng nổi tiếng, cũng đẹp sao không ai chụp em?" Tôi cười bảo: "Anh cũng không thấy ai chụp anh". Bây giờ, tôi lại bị "dính đạn". Hoá ra tôi đi chung với Thuý Ngân. Cô ấy đẹp, nổi tiếng. Cô ấy đang tạo được hiệu ứng cho khán giả. Tôi đã nhẵn mặt với khán giả. Người ta tập trung vào Thuý Ngân nên lôi tôi vào câu chuyện thôi.
- Anh phải diễn đạt vai Kiệt, Thuý Ngân phải diễn đạt vai Hân tạo được hiệu ứng cho phim thì khán giả mới chú ý và muốn biết đôi vợ chồng trong phim có "phim giả tình thật" không?
- Tôi không trả lời chuyện yêu. Nhưng chắc chắn có thương và hơn mức bình thường. Tôi rất thương Thuý Ngân. Chúng tôi có rất nhiều quan điểm giống nhau. Hai đứa nóng tính, chơi bạt mạng hết mình với bạn bè. Cô ấy đi mua sắm, tôi cũng là người lựa đồ cho. Ngân tin tưởng tôi trong tất cả mọi chuyện. Sau phim này, chúng tôi nhận được nhiều lời mời quảng cáo, dự sự kiện. Thuý Ngân cũng còn nhỏ nên chưa biết cách đàm phán nên tôi là người lo lắng cho cô ấy. Dần dần hình thành thói quen. Ví dụ như tối qua, cô ấy lại gọi điện cho tôi mấy tiếng đồng hồ nói đủ chuyện trên trời dưới đất. Cô ấy hành hạ tôi bất cứ lúc nào.
- Anh có ngại yêu một cô gái trẻ giống Thuý Ngân?
- Từ nhỏ đến lớn, tôi không bao giờ thích quen và chưa bao giờ quen người lớn tuổi. Ngày xưa, tôi có mối tình thời học trò với một cô gái nhỏ hơn một tuổi. Sau khi lớn lên, người yêu tôi toàn nhỏ hơn tôi từ 10 đến 20 tuổi, tôi không hiểu tại sao lại thế. Tôi không được quyền chọn lựa. Chắc do tính tình của tôi còn trẻ con hay sao ấy. Tôi không thích hợp với những nơi buồn chán, cũng không thích ngồi một chỗ. Tôi khá quyết đoán nên hợp với người nhanh nhẹn, dứt khoát. Ngân là một cô gái hợp với tôi khá nhiều chuyện như: giờ giấc, ăn mặc, cư xử... Như vừa rồi cô ấy nói: "Chắc em yêu anh chết quá anh Dũng". Đó là khi chúng tôi lên Đà Lạt chụp hình. Mỗi lần nhân viên của resort vào dọn dẹp phòng, tôi hay gửi tiền tip. Sáng đó, tôi móc tiền ra mới biết mình không có tiền lẻ. Tôi mới nói nhỏ với Ngân: "Một lát anh đi ra trước, em có tiền lẻ em gửi cô dùm anh nha". Ngân mới bảo: "Sao anh giống em quá vậy? Mấy bạn trai trước đây của em không như thế". Có nghĩa là có những chuyện nhỏ nhặt nhưng lại rất hợp.
- Anh có muốn đón nhận tình yêu mới và nghĩ đến chuyện kết hôn lần nữa không?
Má tôi nói hoài: "Má đã 82 tuổi rồi. Bây giờ má sống thì có con, Sau này má chết, con ở với ai?" Tôi bảo: "Má chết thì con ở một mình". Má lo khi tôi bệnh tôi ốm, không có ai chăm sóc. Tôi nghĩ khi duyên nợ đến, dù có 70 tuổi, tôi vẫn tìm được một người bên cạnh. Hai ông bà già có thể sống cùng nhau vui vẻ, bình thường. Mỗi người có một số phận. Có những bài báo giật tít: "Ở tuổi 46, Trung Dũng chỉ xem tình yêu như trò chơi qua đường". Tôi nghĩ, ở tuổi 20-30 là lo cho sự nghiệp. Ở tuổi 30-40 là dựng vợ gả chồng, trở thành cha mẹ phải lo cho con cái, không còn tình yêu như thời son trẻ. Giờ đã ở tuổi 46, tình yêu với tôi không còn là vấn đề tất yếu, không phải vấn đề hàng đầu tôi cần nghĩ đến. Bây giờ, tôi chỉ nghĩ đến mẹ. Tôi chỉ mong mẹ sống vui sống khoẻ. Tôi không nghĩ đến những điều vĩ đại mà chỉ gói gọn trong gia đình.
- Vậy còn sợi dây kết nối với con trai của anh thì sao?
Con trai tôi có mẹ và gia đình bên ngoại ở nước ngoài. Thỉnh thoảng, tôi có giữ kết nối nhưng điều này lại không hợp với quy luật bên kia. Một khi người đàn bà đã có gia đình mới, đâu ai muốn lật lại quá khứ.
- Cảm ơn Trung Dũng rất nhiều về buổi trò chuyện này!
Theo Lam Khánh/ Nld.com.vn

>> xem thêm

Bình luận(0)