Trong cuộc thảo luận của các đại biểu quốc hội xung quanh Luật thi đua khen thưởng sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng việc đề nghị bỏ đối tượng nhạc sĩ trong việc xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) và Nghệ sĩ nhân dân (NSND) là chưa hợp lý.
Trả lời Zing, nhạc sĩ Thế Hiển, thành viên của Hội âm nhạc TP.HCM, cho rằng thực tế xưa nay nhạc sĩ không có phong tặng danh hiệu NSƯT, NSND, chỉ có Giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh. Lĩnh vực về biểu diễn, bao gồm ca sĩ, xướng ngôn viên... mới xét tặng danh hiệu này.
|
PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết hiếm có nhạc sĩ nào được danh hiệu NSND, NSƯT. |
"Tôi được phong tặng NSƯT là ở lĩnh vực biểu diễn. Tôi vốn hoạt động ở cả lĩnh vực ca hát và sáng tác. Tôi ca hát trước khi tham gia sáng tác. Tương tự nhạc sĩ Trọng Bằng được xét tặng NSND do là chỉ huy dàn nhạc. Nhạc sĩ Nguyễn Tiến trước khi nổi tiếng với Hoa cau vườn trầu, đã là nghệ sĩ đàn bầu. Và ông được tặng danh hiệu NSƯT ở vai trò nghệ sĩ đàn bầu", ông nói.
Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội khóa XV, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho hay việc bỏ danh hiệu NSƯT, NSND với nhạc sĩ đã được các văn bản của Chính phủ, cơ quan trình luật giải thích.
Ông lý giải: "Trên thực tế, hiếm nhạc sĩ nào được danh hiệu NSƯT, NSND. Một trong những lý do quan trọng là dường như danh hiệu NSƯT, NSND phù hợp hơn với nghệ sĩ biểu diễn. Nghệ sĩ biểu diễn thường có các giải thưởng từ liên hoan phim, hội diễn... để dễ dàng đạt được các tiêu chí cứng trong việc xét duyệt NSƯT, NSND".
Với nhạc sĩ, họa sĩ hay các đối tượng khác, đa phần không có các hội diễn. Đây là một trong những yếu tố gây cản trở nên họ có rất ít NSƯT, NSND. Ngoài ra, có hình thức tôn vinh khác dành cho họ là Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh".
Vì vậy, ông cho rằng nghệ sĩ biểu diễn nên hướng sang danh hiệu NSƯT, NSND, còn lại đối với các công trình, tác giả, tác phẩm có thể hướng sang Giải thưởng Nhà nước và Giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó cũng là điều hợp lý so với thực tế ngành nghệ thuật.
"Thật ra chúng ta đang trong quá trình xem xét và lắng nghe ý kiến của các bên liên quan để làm sao đảm bảo sự phù hợp, tôn vinh những cống hiến của nghệ sĩ cho nghệ thuật và đất nước. Mọi ý kiến đều được lắng nghe và được thảo luận. Về cá nhân, khi cơ quan trình luật đưa ra ý kiến đó là đã dựa trên thực tế diễn ra trong xã hội. Tôi nghĩ đó là một phương án khả thi", ông Sơn nói.
Sáng 28/10, trong cuộc trao đổi trực tuyến của các đại biểu Quốc hội, bà Dương Minh Ánh - ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội cho rằng nhạc sĩ là những nghệ sĩ quan trọng tạo ra sản phẩm sáng tạo đến với công chúng, giống các đạo diễn, quay phim, âm thanh, họa sĩ... Do vậy, nếu nhạc sĩ đủ tiêu chuẩn, danh hiệu và số năm cống hiến nên được xét tặng danh hiệu. Đại biểu Trần Thị Thu Đông, ủy viên Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, nhận định không trao danh hiệu cho nhạc sĩ là bất cập bởi nghệ sĩ sáng tác là bậc thầy của nghệ sĩ biểu diễn.