- Thưa Thứ trưởng Vương Duy Biên, ông nghĩ như thế nào khi đang trong thời điểm cơn bão số 12 càn quét khắp khu vực miền Trung, đặc biệt tại thành phố Nha Trang, Khánh Hoà khiến hàng chục người chết và mất tích, nhà đổ, cây gẫy thiệt hại cả về người và tài sản thế nhưng, BTC cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam vẫn cho tổ chức đêm diễn ngày 4.11, gây nên những phản cảm và bức xúc trong dư luận?
|
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên. |
- Tôi nghĩ đó là điều không ổn, thực sự không ổn. Một năm Bộ VHTTDL cấp hàng trăm giấy phép cho các cuộc thi lớn nhỏ khác nhau trong nước, được Bộ thực hiện theo đúng pháp luật. Tức là hồ sơ từ các đơn vị tổ chức được gửi tới Bộ VHTTDL đúng năng lực, đúng quy định để tham gia cấp phép. Còn chuyện hoạt động như thế nào thì về các địa phương. Mỗi địa phương đều có Sở VHTTDL, thanh tra và chỉ đạo đó được coi là cánh tay nối dài của ngành văn hoá. Sau khi cấp phép từ Bộ VHTTDL thì bao giờ cũng cần có sự đồng thuận từ địa phương. Địa phương có đồng ý thì mới cấp phép. Cho nên sự việc BTC vẫn tổ chức đêm bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 trong lúc đang có cơn bão số 12, thì đó là trách nhiệm của địa phương.
Mặc dù tỉnh Khánh Hoà đã có chỉ đạo, nhưng tôi cho là cần có sự nhạy bén, linh hoạt hơn nữa từ cơ quan văn hoá của địa phương. Đáng lý, cơ quan văn hoá của tỉnh cần phải nhạy bén, phản ứng nhanh, kịp thời hơn.
Thực ra ai cũng biết, cấp phép một cuộc thi nhan sắc, thông thường sẽ cấp trước một năm. Đơn vị tổ chức lên kịch bản, sơ kết, bán kết, chung kết đều đã có đầy đủ trước đó cả năm trời, tôi nghĩ mình cũng nên thông cảm điều đó. Tuy nhiên Thông tư 01 của Bộ VHTTDL tại khoản 2, điều 2 nêu rõ: “…Trong thời hạn 04 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời bằng văn bản cho đối tượng thông báo (Mẫu số 02) và chỉ được quyền từ chối trong các trường hợp có quốc tang; thiên tai; dịch bệnh hoặc tình hình an ninh, chính trị ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương” thì địa phương có quyền dừng hoạt động sự kiện vui chơi giải trí. Việc UBND tỉnh ra công điện khẩn chỉ dạo tạm dừng tổ chức bán kết Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam là rất đúng. Thế nhưng việc triển khai từ Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hoà như thế nào, BTC ra sao lại là một chuyện.
Nếu như Sở VHTTDL Khánh Hoà chấp hành ý kiến chủ đạo của UBND tỉnh Khánh Hoà cho dừng tổ chức bán kết cuộc thi thì đó là phương án đúng và tránh được những điều phản cảm như dư luận đang bức xúc.
Còn nếu như trong trường hợp, cơ quan quản lý văn hoá tại địa phương phản ứng chậm, hoặc không triển khai, hay thông cảm với BTC…thì tôi nghĩ cần xem xét kỹ tính tích cực của cơ quan quản lý văn hoá của địa phương, ở đây là cơ quan quản lý văn hoá tỉnh Khánh Hoà.
Cá nhân tôi cho rằng, đáng lý ra cơ quan quản lý văn hoá có thể xử lý nhanh hơn, kịp thời hơn thì sẽ không xảy ra sự việc gây phản cảm như vậy.
- Thưa ông, cụ thể thì trách nhiệm sẽ thuộc về BTC cuộc thi hay thuộc về Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hoà?
- Theo thông tin tôi được biết cho đến thời điểm này, mới chỉ có công điện của UBND tỉnh Khánh Hoà về việc ngừng các sự kiện, chương trình vui chơi, giải trí. Nếu như Sở VHTTDL đã nhận công điện và thực hiện một cách tích cực, quán triệt thì lúc đó lỗi không thuộc về Sở. Nhưng nếu Sở VHTTDL không ra văn bản chỉ đạo kịp thời gửi tới BTC cuộc thi thì trách nhiệm đó lại thuộc về Sở VHTTDL tỉnh Khánh Hoà.
Ngày 4/11 tôi đang ở Đồng Nai, tôi được biết, đến trưa ngày hôm đó là đã hết bão, nên có thể BTC suy nghĩ đơn giản đã hết bão nên vẫn có thể tiếp tục tổ chức bán kết như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên BTC không hiểu sau cơn bão sẽ bị thiệt hại như thế nào, chuyện khắc phục hậu quả sau bão là điều cực kỳ quan trọng, cần được quan tâm. Chính vì không hiểu điều đó nên BTC vẫn cho tổ chức bán kết cuộc thi nên dẫn tới hình ảnh phản cảm như dư luận đang bức xúc.
Cũng cần hiểu là BTC cuộc thi cũng không lường trước được cơn bão số 12 lại mạnh đến thế và gây thiệt hại nặng nề đến vậy. Nếu đây chỉ là cơn bão nhỏ, hậu quả thiệt hại không nặng nề thì câu chuyện ở đây sẽ đỡ hơn.
Như tôi đã nói ở trên, cơ quan quản lý văn hoá của thành phố Khánh Hoà không nhạy bén, thiếu linh hoạt.
Còn về phía Bộ VHTTDL, sau khi thông tin được đăng tải trên các báo, Bộ đã ra văn bản tạm dừng cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 đồng thời BTC cùng với UBND tỉnh Khánh Hoà trước mắt cần tham gia thực hiện công tác khắc phục hậu quả sau cơn bão.
- Trên một số tờ báo đã phỏng vấn lãnh đạo Sở VHTTDL Khánh Hoà và được vị đại diện cho biết lý do chậm trễ xử lý tạm dừng bán kết cuộc thi HHHV Việt Nam bởi Sở đã nhận được công điện muộn của UBND tỉnh Khánh Hoà. Vậy ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi đã đọc các báo viết về sự việc này và thấy rằng, mỗi báo viết khác. Có báo nói Sở VHTTDL nhận được công điện trưa ngày 3.11 nhưng có báo lại nói ngày 4.11 mới nhận đc công điện của UBND tỉnh Khánh Hoà, tôi cũng không hiểu thông tin nào thì chính xác. Nhưng thông thường với người kinh nghiệm, nhạy bén thì sẽ chủ động đề xuất chứ không không nên thụ động chờ công điện hay chỉ đạo từ tỉnh.
- Mấy ngày qua, dư luận bức xúc không chỉ với BTC mà cả với Đài truyền hình Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng, VTV là đài truyền hình Quốc gia thế nhưng vẫn duyệt chương trình cho phát sóng trực tiếp là một hành động vô cảm. Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Đây là câu hỏi khó. Bởi khi chương trình đã được lên kế hoạch nếu nói dừng thì BTC phải dừng. Bản thân VTV không thể tự dừng vì còn liên quan tới hợp đồng phát sóng.
Cho đến thời điểm này tôi đang yêu cầu làm rõ, Sở VHTTDL phản ứng chậm trong việc ra văn bản tạm dừng cuộc thi hay Sở đã thực hiện yêu cầu BTC cuộc thi dừng nhưng BTC vẫn lờ đi và cố tình làm.
- Thưa ông, nếu trong trường hợp BTC đã biết công điện của UBND tỉnh Khánh Hoà nhưng họ bất chấp vẫn tổ chức. Vậy thì sẽ xử phạt như thế nào?
- Nếu BTC biết có sự chỉ đạo mà cố tình làm thì sẽ bị xử phạt rất nặng, còn nếu BTC không biết, không nhận được lời cảnh báo thì sẽ lại là câu chuyện khác.
Xin cám ơn ông!