Tại sao Đen Vâu “mang tiền về cho mẹ” mà không phải thứ khác?

Google News

Đen - một rapper tài năng, từng đi qua thăng trầm - cũng không thể khiến cái "mang tiền về cho mẹ" sâu sắc hay phong phú hơn.

Đen Vâu mới phát hành bài rap Mang tiền về cho mẹ. Sau 6 ngày, MV vẫn ở vị trí Top 1 video thịnh hành trên YouTube với 18 triệu lượt xem, là sản phẩm đạt hiệu ứng tốt nhất thời điểm hiện tại trước đối thủ nặng ký là Gieo quẻ của Hoàng Thùy Linh.

Sản phẩm "thai nghén" 4 năm được Đen Vâu chia sẻ: "Nếu các bạn trẻ đang chơi vơi, không biết mục đích sống và làm việc của mình là gì, hãy coi mang tiền về cho mẹ là một mục đích nhỏ - làm để mang tiền về cho mẹ".

Nhiều người yêu thích bài Mang tiền về cho mẹ, nhất là những ai đã thoát khỏi quá khứ cơ hàn, vất vả. Một số khác lại thấy "gợn" về tứ "mang tiền về cho mẹ" của bài rap này.

Tai sao Den Vau “mang tien ve cho me” ma khong phai thu khac?-Hinh-3

Những bà mẹ trong MV của Đen.

Cả bài rap của Đen xoay quanh tứ trọng tâm "mang tiền về cho mẹ" như chính tên bài. Anh kể về tuổi thơ cơ cực, những hy sinh của mẹ và sự thành đạt của mình hôm nay. Mỗi phần, Đen lại lồng vào những chữ "tiền": tiền không cần "rửa", tiền lương thiện, tiền thơm tiền tho, tiền tốt tiền "tệ", tiền "đề",...

Dường như Đen muốn khai thác đến tận cùng tứ "mang tiền về cho mẹ". Tuy nhiên, đây vốn dĩ là một tứ nông về nội hàm. Rất khó để triển khai thêm điều gì nếu Đen chỉ "mang tiền về cho mẹ" thay vì mang một thứ gì đó khác. Điều này thể hiện rõ trong lời bài rap. Sau khi kể về tuổi thơ và khẳng định đã bù đắp được những vất vả ngày xưa, những câu rap sau đó của anh trở nên lạc lõng, lặp ý và vô vị.

Theo diễn tiến của bài rap, không gian nội dung dần hẹp, tù túng. Những gì Đen rap 1/3 cuối bài rất nghèo nàn dù có rất nhiều từ "tiền".

Những câu rap như: Nhạc rap đến từ Đông Nam Á (Việt Nam)/ Mang lời mẹ bật cho 7 lục địa nghe (tiếng Việt)/ Xuất khẩu âm nhạc mang tiền về là sự hô hào không đúng chỗ. Chúng quá vĩ mô, hoàn toàn lạc quẻ (dù Đen đã đặt vào hình ảnh đẹp và bản phối hào hùng cho thuyết phục hơn) với một đề tài cần sự giản dị.

Như thường lệ, hàng tá câu rap trở thành trích dẫn hot: Mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền về cho mẹ; Cũng may là ba mẹ nghèo, cho con biết tiền làm ra khó; Bước ra đời là ông này bà nọ, trở về nhà là một đứa con ngoan;...

Đen luôn tạo xu hướng từ những câu rap rất "đời". Có người còn nói, nhạc của Đen bốc bừa một câu cũng là triết lý. Tuy nhiên, những câu rap hot của anh lần này lại không phải trích dẫn "đắt". Anh nhắc nhở người trẻ mải mê công việc, lơ là gia đình hãy nhớ mang tiền về cho mẹ. Đó là khía cạnh người con báo đáp cha mẹ bằng vật chất nên rất khó tìm thấy những câu rap "đắt" về khía cạnh khác của người mẹ và tình mẹ.

Tai sao Den Vau “mang tien ve cho me” ma khong phai thu khac?-Hinh-4

MV "Mang tiền về cho mẹ" đẹp về hình ảnh.

Tiến sĩ Nguyễn Phương Mai (Đại học Khoa học Ứng dụng Amsterdam, Hà Lan) đặt vấn đề: "Tiền quan trọng thật, nhưng có cần nhấn mạnh đến mức ấy không? Nhất là sau mấy năm Covid-19, xoáy vào việc dùng tiền để chứng tỏ chữ hiếu, tuy không sai với thiên hạ và đúng với mình, nhưng có vô tình khiến vài kẻ nghèo khó phải chạnh lòng?".

Thạc sĩ tâm lý Lê Minh Huân đồng tình. Anh nêu quan điểm chuyện "mang tiền về cho mẹ" với VietNamNet: "Tôi tin mẹ sẽ vui khi con cái mang tiền về cho mẹ nhưng phải có tình thương trong đó. Chứ mang về như nghĩa vụ thì mẹ sẽ "thà dẹp còn hơn"

Bên cạnh tranh luận về tứ "mang tiền về cho mẹ", người nghe nhạc cũng bàn tán về chuyện "đánh mắng" con của người mẹ trong bài rap của Đen qua những câu: Về đây mà gầy là mẹ cho ăn đòn, Đừng mang mất dạy mày về đây tao đánh,... Có lẽ, bài rap của Đen bị "mổ xẻ" nhiều nhất ở phương diện này từ sau khi xảy ra vụ việc đau lòng của bé gái 8 tuổi.

Dù vậy, người nghe nhạc cần cân nhắc khi nhận xét trái chiều về hình tượng người mẹ trong bài Mang tiền về cho mẹ. Tác phẩm nghệ thuật là tiếng lòng của nghệ sĩ, có chức năng phản ánh trung thực sự thật khách quan.

Những lời người mẹ trong bài rap nói có phần bỗ bã, dân dã nhưng phổ biến, có thể thấy ở rất nhiều người mẹ Việt Nam thế hệ trước. Họ có thể là những người mẹ chưa hoàn hảo, không được cập nhật đầy đủ kiến thức và văn minh thế giới ở thế hệ của mình nhưng luôn đầy tình yêu thương dành cho chồng con, gia đình.

Đen khắc họa hình tượng người mẹ trong bài rap từ chính mẹ mình. Không thể lẫn không nên đòi hỏi anh phải tả khác đi hay thay đổi theo một khuôn mẫu nào. Quan trọng hơn, không thể chứng minh mối quan hệ nhân - quả giữa bài hát của Đen và chuyện cha mẹ bạo hành, đánh mắng con để quy chụp rapper đang cổ xúy chuyện tiêu cực. Do vậy, cần tôn trọng cách Đen khắc họa hình ảnh người mẹ.

Người mẹ ngày nay có thể văn minh, hiểu biết hơn xưa nhưng không đồng nghĩa tình thương của những người mẹ thế hệ trước dành cho con là lỗi lầm. Mỗi người nghe nhạc đều có mẹ; và dù có thể chưa hoàn hảo, người mẹ ấy "chỉ có một trên đời".

Theo Gia Bảo/ Vietnamnet

>> xem thêm

Bình luận(0)