Trao đổi với phóng viên VietNamNet, đại diện Sở TT&TT TPHCM đã nắm thông tin vụ việc từ báo chí, sẽ xác minh và phản hồi sau.
Đại diện Sở VH-TT TPHCM cho hay sẽ trao đổi với Sở TT&TT thêm về trường hợp này trên góc độ chuyên môn văn hoá.
Trước đó, VietNamNet phản ánh vụ việc diễn viên Angela Phương Trinh gây tranh cãi vì loạt phát ngôn liên quan đến vụ việc ông Thích Minh Tuệ đi bộ theo hình thức thực hành phương pháp tu tập "khổ hạnh đầu đà".
Cụ thể, các nội dung được đăng tải dưới hình thức bài viết và video có giọng điệu gay gắt, ngôn từ nặng nề, mang tính kích động và mục đích quy chụp, hạ thấp uy tín của một số cá nhân, tổ chức.
Angela Phương Trinh liên tục gọi những quan điểm trái ngược là "truyền thông bẩn", những người có quan điểm, hành vi trái ngược là "giặc", cho rằng họ đang "phá hoại, lật đổ Phật giáo". Trong một bài viết, Angela Phương Trinh còn chỉ trích một tôn giáo khác.
|
Diễn viên Angela Phương Trinh. Ảnh: FBNV |
Mỗi nội dung được đăng tải thu hút hàng nghìn lượt tương tác. Phần lớn người dùng mạng thể hiện cảm xúc "phẫn nộ" từng bài viết, video; lượng bình luận ít do Angela Phương Trinh hạn chế tương tác.
Những năm gần đây, diễn viên Angela Phương Trinh hầu như không có tác phẩm, không đóng góp gì cho nghệ thuật lẫn giải trí.
Cô từng sử dụng mạng xã hội đăng các câu chuyện về luật nhân quả gây tranh cãi. Tháng 8/2021, người đẹp đăng tải câu chuyện Nhân quả bẻ chân nhái về một cặp trẻ song sinh có đôi chân khuyết tật bẩm sinh do "bố mẹ hành nghề bắt nhái" kèm hình ảnh không xác định của một cô bé khuyết tật.
Angela Phương Trinh còn thường xuyên lan truyền kiến thức sai lệch hoặc không có cơ sở khoa học. Trong một bài viết, cô hướng dẫn người dùng mạng "chữa ung thư bằng cách nói chuyện với khối u và niệm Phật".
Tháng 10/2021, nữ diễn viên bị phạt 7,5 triệu đồng về hành vi cung cấp thông tin sai sự thật việc chữa trị Covid-19 bằng giun đất.
Điều đáng nói, chỉ 1 ngày sau đó, Angela Phương Trinh tiếp tục chia sẻ bài viết có tiêu đề "Ung thư đầu mặt nhỏ dần nhờ dùng địa long tươi và lạy Phật sám hối", khẳng định câu chuyện, hình ảnh “người thật, việc thật” về "một người phụ nữ khỏi bệnh ung thư đầu mặt sau 4 tháng nhờ nuốt giun và sám hối".