Zhang Dayi (31 tuổi), được biết đến là triệu phú tại Trung Quốc với thu nhập cao hơn nhiều ngôi sao giải trí nhờ công việc livestream bán hàng. Cô được coi là ngôi sao trên mạng xã hội với lượt theo dõi thuộc top cao hàng đầu.
Hàng ngày, cô phát trực tiếp, giới thiệu từng mẫu quần áo. Từng hành động nhỏ như tay sờ thử chất liệu trang phục đều được 2,3 triệu khán giả xem video livestream của Zhang dõi theo chăm chú.
Tuy nhiên, trong bối cảnh những tháng đầu năm Trung Quốc lao đao vì dịch Covid-19, những người có ảnh hưởng trên mạng như Zhang cũng không tránh khỏi tình trạng thu nhập giảm sút, công việc bị ảnh hưởng.
Bị hủy hợp đồng, cấm đi lại vì dịch bệnh
Các ngôi sao mạng chủ yếu kiếm tiền từ hợp đồng quảng cáo với các nhãn hàng hoặc bán sản phẩm mang thương hiệu của riêng họ. Cả hai hoạt động đều gặp khó khăn vào thời điểm hiện tại.
Một loạt hoạt động quảng bá, thúc đẩy mua sắm đều lâm vào cảnh ngưng trệ dưới tác động của dịch bệnh. Hệ quả, các nhãn hàng lớn đồng loạt hủy bỏ những hợp đồng ký kết trước đó. Nguồn thu hái ra tiền của các sao mạng bỗng chốc tụt giảm mạnh.
|
Dịch bệnh khiến giới ngôi sao mạng tại Trung Quốc ảnh hưởng thu nhập ít nhiều. Ảnh: Reuters. |
Tình hình kinh tế ảm đạm dự kiến kéo dài trong ít nhất một vài tháng tới tại Trung Quốc và có khả năng phục hồi vào tháng 6. Do đó, các chuyên gia dự đoán quý 3 năm 2020 sẽ là giai đoạn bùng nổ của các hoạt động quảng cáo từ nhiều thương hiệu.
Khi đó, các tài khoản với lượt theo dõi thuộc hàng top đầu thậm chí có thể gặp khó khăn để lên lịch cho tất cả hợp đồng quảng cáo họ nhận về.
Tuy vậy, khi đa số người dân chôn chân trong nhà và một loạt cửa hàng, trung tâm thương mại đóng cửa, livestream trên mạng được dịp bùng nổ.
Austin Li, người bán hàng nổi tiếng trên mạng, tạm ngưng livestream trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán. Khi Li quay lại bán hàng, lần phát trực tiếp đầu tiên của anh thu hút hơn 16 triệu lượt xem.
Sản phẩm nhanh chóng bán hết trước cả khi Li kịp gửi lời chào tạm biệt đến người xem. Phía dưới phần bình luận, người xem để lại nhiều bình luận phàn nàn việc họ chưa kịp nhanh tay đặt mua đã hết hàng và yêu cầu Li bán thêm.
Song, kể cả khi đã giành giật để mua hàng online thành công, việc nhận hàng còn khó khăn hơn. Dịch bệnh hoành hành khiến chỉ còn một số ít đơn vị vận chuyển vẫn còn hoạt động, quá tải trước số lượng đơn hàng online đột ngột tăng cao.
Người bán hàng livestream, cố gắng bán nhiều mặt hàng nhất có thể, song đi kèm sản phẩm luôn là dòng ghi chú bị nhiều khách hàng bỏ quên “sẽ chuyển hàng đến bạn sớm nhất có thể”.
|
Các influencer thường làm việc theo ekip nhiều người và virus khiến họ không thể tập hợp, ngồi chung một chỗ. Ảnh: SCMP. |
Lancôme, một thương hiệu mỹ phẩm từ Pháp chọn ngày đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết để quảng bá một số sản phẩm mới trên mạng. Tuy nhiên, việc vận chuyển hàng đến nhiều khu vực là bất khả kháng.
Lệnh cấm đi lại và tụ tập đông người khiến một loạt người nổi tiếng trên mạng xã hội, những người làm việc với ekip và hay quay phim ngoài trời đối mặt với bài toàn khó mang tên “sản xuất nội dung”.
Trong khi nhiều người nghĩ công việc livestream chỉ cần một người và một smartphone là đủ, công việc trên thực tế kỳ công hơn. Đứng đằng sau Austin và Viya, hai streamer nổi tiếng hàng đầu Trung Quốc, là đội ngũ trên 50 người phụ trách, hỗ trơ đủ các khía cạnh như dùng thử sản phẩm, kết nối nhãn hàng, sản xuất video.
“Hiện tại, tình hình vẫn chưa ảnh hưởng nhiều. Nhưng về lâu dài, các kế hoạch được lên lịch sẵn đều đã bị hoãn hoặc hủy, đặc biệt là các sự kiện tổ chức với đông khán giả. Công việc cũng không trôi chảy khi cả đội không thể ngồi làm việc cùng nhau”, Elijah Whaley, một beauty blogger có tiếng, cho hay.
Trước đó, nhiều fashionista đến từ Trung Quốc cũng vắng bóng tại các tuần lễ thời trang lớn tại châu Âu do kiểm dịch nghiêm ngặt.
|
Trong thời gian người dân Trung Quốc ở nhà tránh dịch, hàng loạt các video về ẩm thực, tấu hài, làm đẹp ra đời để đáp ứng nhu cầu giải trí của những người đang buồn chán vì không được ra ngoài. Ảnh: Jing Daily. |
Tăng vọt người theo dõi
Tuy công việc, thu nhập của các ngôi sao trên mạng xã hội bị giảm đáng kể, vẫn còn một số mặt tích cực và nhiều người hưởng lợi từ hoàn cảnh hiện tại. Thời điểm năm mới tại Trung Quốc thường là mùa cao điểm có số lượt xem video vượt trội vì mọi người có nhiều thời gian nhàn rỗi.
Năm nay, số lượt xem càng khổng lồ hơn khi ai nấy đều buộc phải ở trong nhà và không thể tham gia các hoạt động giải trí ngoài trời.
Báo cáo cho thấy 574 tài khoản nổi tiếng trên nền tảng Douyin, mỗi tài khoản có số lượt theo dõi tăng thêm từ 100.000-500.000 trong khoảng thời gian từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 2.
Pippi Cooking, một food blogger cho hay bản thân luôn chứng kiến lượt theo dõi tăng mạnh vào thời điểm đầu năm mới. Chỉ riêng trong kỳ nghỉ Tết năm 2019, anh có thêm hơn 1 triệu lượt theo dõi.
Năm nay, ngày 9/2, một thử thách liên quan đến nấu ăn được anh đặt ra trên mạng và nhanh chóng thu hút hơn 10,3 tỷ lượt xem với đối tượng tham gia chủ yếu từ 24-30 tuổi.
|
Dù thu nhập giảm đáng kể, các ngôi sao mạng lại thu về lượt xem và lượt theo dõi lớn trong mùa dịch. Ảnh: Reuters. |
“Việc thiếu vắng các bài đăng thương mại lại tạo ra cơ hội sản xuất nhiều nội dung chất lượng hơn thay vì chỉ chăm chăm quảng cáo sản phẩm”, Shiyan Shi, một beaty blogger nổi tiếng tại Trung Quốc, thừa nhận.
Mặt khác, khi bệnh dịch phủ một màu u ám ra toàn cộng đồng, khán giả có xu hướng tìm đến các video giải trí, hài hước nhiều hơn. Trong khoảng thời gian Vũ Hán bùng nổ số bệnh nhân mắc virus corona, lượt tìm đến và xem những người diễn hài trên mạng nhảy vọt gần 10 lần.
Các vlogger cũng tranh thủ tình hình, cho ra đời các video phổ biến kiến thức về loại virus nguy hiểm. PaperClip, chủ một kênh khoa học, thu về hơn 32 triệu lượt xem và gần 500.000 lượt thích sau hai ngày đăng tải clip có nội dung hướng dẫn mọi người phòng bệnh.
Tính đến nay, video của PaperClip cán mốc 1,5 tỷ lượt xem và vlogger này cũng có thêm 4,7 triệu lượt follow trên 3 nền tảng trực tuyến phổ biến ở Trung Quốc.
Melilim Fu, một beauty blogger khác, cho biết số khán giả tăng thêm 10% chỉ trong hai tuần, cao hơn mức trung bình khi không xảy ra dịch bệnh. Trong đó, một số lượng lớn đến từ những người mới tạo tài khoản và bắt đầu xem video của cô.
“Thời gian buồn chán ở nhà khiến người ta tìm đến nhiều hơn tới các video giải trí mà trước kia họ chưa từng xem”, Fu phát biểu.
Các cộng tác viên bán hàng đang lợi dụng lợi thế này bằng cách phát sóng trực tiếp đều đặn mỗi ngày, cố phát triển mối quan hệ với khách hàng mới tham gia với mục đích lôi kéo họ đến cửa hàng mua sắm trực tiếp sau khi dịch bệnh chấm dứt.