>>> Mời quý độc giả xem video Quang Thắng trổ tài ca hát. Nguồn Youtube: |
|
- Nghe nói trước khi trở thành một danh hài, Quang Thắng từng bước chân vào nghề từ những vai chính kịch, vậy cơ duyên nào đã đưa anh sang diễn hài?
- Đó chính là cái mặt “không cái gì liên quan tới cái gì” của mình. Khi tôi ở Đoàn kịch Hải Phòng, vai diễn đầu tiên tôi được nhận đó là vào vai hoàng tử trong vở “Bá tước Monte Cristo” do đạo diễn - NSND Lê Hùng dàn dựng. Nhưng ngay sau đó, NSND Lê Hùng nghĩ lại, cho rằng với cái mặt của tôi, hình dáng đó, không thể vào vai hoàng tử được. Vì thế tôi buộc vào vai tướng cướp VamPa.
|
Quang Thắng trong chương trình Táo quân. |
Khi đó tôi rất buồn. Là diễn viên, ai chẳng muốn mình được lộng lẫy trên sân khấu, trong khi tôi phải vào vai tướng cướp. Tuy nhiên, NSND Lê Hùng đã động viên mãi và có nói: “Thắng yên tâm, Thắng vào vai này thì kể cả hoàng tử cũng lu mờ”. Khi nghe xong, tôi vẫn còn nghi ngờ nhưng khi diễn thật, tôi vừa bước ra sân khấu thì khán giả cười ồ lên và vỗ tay. Bắt đầu từ đấy trở đi tôi thấy thích thú với hài kịch và tiếp tục đến bây giờ.
- Nghề diễn viên cần có một giọng nói chuẩn nhưng anh lại sở hữu một đài từ đậm chất vùng miền, liệu điều này có gây trở ngại cho những ngày đầu anh bước chân vào nghề diễn?
- Là một diễn viên thì tiếng nói rất quan trọng, đặc biệt là diễn viên sân khấu thì càng cần hơn.
Không phải tôi muốn đi ngược lại quy chuẩn của một diễn viên nhưng mọi thứ đều là tố chất trong con người mình. Tôi không có sắc, chỉ có duyên của bản thân nên phải rèn luyện rất nhiều để giữ được khán giả. Sự thành công của tôi là cộng hưởng từ trường lớp đến vốn sống, cùng nỗ lực bản thân mới có Quang Thắng của ngày hôm nay.
|
Quang Thắng hài hước bên những người bạn diễn. |
Tôi nghĩ, cái duyên rất quan trọng. Mỗi người đều có một duyên riêng, không ai bắt chước được. Nếu tôi làm theo Vân Dung, Tự Long, Công Lý mà không có cái chất riêng thì sẽ trở thành Công Lý phẩy, Vân Dung phẩy… Thật ra, tôi từng nói “tròn vành rõ chữ” và tập giọng nói chuẩn của người Hà Nội nhưng sau đó lại không phải là mình, giọng bị cứng. Diễn hài thì không quan trọng giọng nói chuẩn, miễn sao phải có được chất riêng của mình.
Khi tôi vận dụng cái riêng của mình đó là “giọng nói đậm chất Hải Phòng” và được khán giả đón nhận rất nhiệt tình và nhớ đến chất riêng đó. Cho nên tôi đã phát huy đến giờ và nghĩ cũng không cần phải thay đổi. Cứ giữ đúng bản chất. Có lẽ, đài từ của tôi là cái “xấu” nhưng lại là cái lợi của mình. Nhiều lúc gặp người hâm mộ hay bạn bè, họ vẫn nhại lại câu tôi nói, nhất là Cô Đẩu (NSƯT Công Lý - PV) thường nhại tôi đó. (Cười)
- Chăm chỉ chạy show nhưng tại sao anh vẫn không tham gia vào các gameshow truyền hình, phải chăng anh e ngại điều gì?
- Tôi không ngại điều gì. Đơn giản là tôi thấy tuổi của mình không phù hợp với những chương trình như vậy. Các chương trình đó phù hợp với các bạn trẻ hơn.
- Anh nghĩ sao về những lùm xùm xung quanh gameshow và một số nghệ sĩ vì xuất hiện quá nhiều dẫn đến sự nhàm chán, hay phát ngôn thiếu kiểm soát?
- Hình ảnh xấu hay đẹp đều do cá nhân nghệ sĩ. Có người thấy tên tuổi đang “hot”, được chú ý, nhiều chương trình mời nên xuất hiện nhiều, dẫn đến việc không bao quát được các chương trình cũng như hình ảnh của mình. Chính vì thế người ta gặp lỗi, bị vấp. Tôi nghĩ rằng, mỗi nghệ sĩ phải chịu trách nhiệm về việc mình đang làm, tự biết mình như thế nào để giữ gìn hình ảnh. Biết kiểm soát những điều mình đang làm và có trách nhiệm những gì mình đã làm thì tốt hơn, xã hội cũng đỡ tốn giấy mực viết về điều không đáng viết như vậy.
- Được biết, trước khi anh trở thành một nghệ sĩ hài có đông đảo khán giả yêu mến, anh từng có ước mơ trở thành một ca sĩ?
- Hồi bé tôi luôn ước mơ sau này mình sẽ trở thành một ca sĩ nhưng tôi xấu giai quá. Nếu đi hát sẽ giảm đi 70% thành công, 30% còn lại là có giọng hát vớt lại nên tôi tủi thân. Ước mơ đó đã không thành. Tôi đành rẽ lối học nghệ thuật. Thời xưa, làm nghệ thuật đâu có được giàu có như bây giờ. Tôi học nghệ thuật và làm nghề gần 10 năm không mua nổi một cái xe đạp.
Do đó, năm 1999 tôi quyết định lên Hà Nội. Khi lên đây, tôi đã vào những vai phụ trong bộ phim “Tóc xoăn” của NSƯT Đỗ Thanh Hải, tiếp đó là “Cái chết con thiên nga”… Không phải mới lên đã có ngay thành công, đã có ngay khán giả yêu mến mình. Tôi luôn ý thức mình là dân tỉnh lẻ nên phải nỗ lực gấp đôi.
Không có một trường lớp nào dạy hài, sự nỗ lực cùng với cái duyên mới được yêu quý như bây giờ. Ngày nay, khán giả gặp tôi vẫn nói: “Giữ mình nhé, đừng mất mình” - Điều này khiến tôi vô cùng xúc động và trân quý. Vì thế tôi luôn nỗ lực, cống hiến hết mình cho khán giả thân yêu.
- Quang Thắng - Vân Dung đã là một thương hiệu, cặp bạn diễn chung từ diễn show đến các chương trình quảng cáo, liệu hai người có phải là những người đồng nghiệp thân thiết với nhau từ công việc đến cuộc sống?
- Phải nói thật, tôi và Vân Dung không phải là bạn thân. Tôi có khái niệm bạn thân phải chia sẻ, tâm sự nhiều việc cùng nhau trong cuộc sống. Giữa tôi và Vân Dung chỉ là đôi bạn diễn ăn ý. Sau sân khấu, chúng tôi ít khi tâm sự với nhau. Tuy nhiên, tôi phải khẳng định một điều, Vân Dung lên sân khấu như “con điên”, như người lên đồng, có ốm truyền nước nhưng vẫn lên sân khấu diễn rồi sau đó đi cấp cứu.
Ngay việc bạn ấy trụ trong “Táo quân” khiến tôi cực kỳ cảm phục, nhất là phụ nữ. Việc tập “Táo quân” diễn ra gần 1 tháng, thời gian tập thường bắt đầu từ đêm đến sáng sớm hôm sau. Trong khi còn gia đình, chồng con. Khó có ông chồng nào thông cảm được. Nhưng Vân Dung đã vượt qua được và làm tròn vai diễn của mình. Thực sự tôi rất cảm phục Vân Dung - một người phụ nữ nhưng ý chí là đàn ông.
- Xin chân thành cảm ơn anh!