>>> Mời quý độc giả xem video "Hồng Nhung và Thanh Lam hát ca khúc Nhớ về Hà Nội". Nguồn Youtube/ VTV: |
|
Vừa qua, clip quảng cáo của một thương hiệu phở ăn liền gây tranh cãi khi chế lời nhạc phẩm nổi tiếng của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp - “Nhớ về Hà Nội” thành “phở Hà Nội”. Đáng chú ý, người biểu diễn đoạn nhạc chế này là ca sĩ Hồng Nhung.
Lấy bối cảnh đang biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, Hồng Nhung mặc áo dài, cất giọng hát: “Dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ phở Hà Nội/ Sợi gạo mềm dai/ Ngọt thanh nước cốt/ Trọn vẹn vị ngon của người Hà thành…”.
Sau khi đoạn clip này được phát sóng trên VTV và kênh Youtube đã vấp phải sự phản ứng của nhiều khán giả yêu nhạc, cùng người thân của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Phần đông khán giả cho rằng cách chế lời ca khúc nổi tiếng này để quảng cáo là ý tưởng tồi, xúc phạm đến tác giả ca khúc.
Cùng với việc phản đối nhãn hàng với cách quảng cáo trên, nhiều khán giả chỉ trích Hồng Nhung khi hát ca khúc nhạc chế "Nhờ về Hà Nội" này.
|
Hồng Nhung trong clip quảng cáo. |
“Tôi cho rằng đây là một sự xúc phạm lớn đến nhạc sĩ Hoàng Hiệp! Tôi không hiểu một ca sĩ có bề dày trong làng giải trí như Hồng Nhung mà tại sao không hiểu giá trị của một ca khúc vang danh cho một thời hào hùng của dân tộc, mang niềm tự hào của người Hà Nội. Chế lời chỉ để quảng cáo cho phở Hà Nội kiếm cơm thì cạn lời”, một thành viên bày tỏ.
Bên cạnh đó, cũng có ý kiến bênh vực Hồng Nhung cho rằng nữ ca sĩ chỉ thực hiện những gì theo hợp đồng quảng cáo, còn ca khúc bị chế lời với mục đích quảng cáo thương mại, trách nhiệm thuộc về Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC).
Liên quan đến sự việc này, ông Lưu Nguyễn – con trai cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp cho biết, gia đình ông đã ký hợp đồng ủy quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thay mặt gia đình quản lý và bảo vệ tác quyền đối với các sáng tác của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp, từ tháng 5/2009.
Trong hợp đồng có điều khoản ghi rõ, phía VCPMC có quyền sử dụng, khai thác cả tác phẩm “phái sinh”, có nghĩa là VCPMC có quyền trao đổi, khai thác những sản phẩm được sáng tạo dựa trên ca khúc gốc.
|
"Nhớ về Hà Nội" bị chế lời để quảng cáo phở. |
Trao đổi với PLO, đại diện VCPMC cho biết, Trung tâm ký hợp đồng cấp phép sử dụng tác phẩm với một đơn vị truyền thông, trong đó cho phép sử dụng bài hát “Nhớ về Hà Nội” của cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp làm nhạc nền quảng cáo sản phẩm “Cung đình phở bò Hà Nội”, “Cung đình phở gà Hà Nội”. Hợp đồng này kéo dài 1 năm, kể từ ngày 1/5/2019 đến ngày 30/4/2020.
Được biết, sau những ồn ào liên quan đến nhạc phẩm “Nhớ về Hà Nội” bị chế lời quảng cáo phở, phía VCPMC và đại diện đơn vị truyền thông đã gọi điện xin lỗi gia đình cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp.
Việc chế lời ca khúc để quảng cáo từ khá lâu đã trở nên phổ biến, được nhiều nhãn hàng ưa chuộng. Cách làm này gây được hiệu ứng với khán giả, nhất là khi sử dụng các bản hit để chế lời, đồng thời người thể hiện là các giọng ca nổi tiếng gắn liền với bản hit.
Trước ồn ào của "Nhớ về Hà Nội", ca khúc “Duyên phận” từng bị chế lời thô bạo để quảng cáo cho công ty điện máy. Giai điệu quen thuộc của nhạc phẩm được chế thành: "Phận là phụ nữ, mua đồ là đam mê/Quạt, nổi, bếp gas, bình, tách ly muốn mua quài quài…”.
|
Ca khúc "Duyên phận" cũng bị chế lời thô bạo để quảng cáo. |
Hay bản hit "Bao giờ lấy chồng?" được chế lời quảng cáo cho sản phẩm mì ăn liền và do chính Bích Phương thể hiện: "Mì Omachi khoai tây này có thịt. Ôi vị ngon thật đủ đầy. Omachi giờ đây có thịt nha. Omachi mì khoai tây giờ có cả thịt".
Ca sĩ Mỹ Tâm cũng từng quảng cáo cho sản phẩm trà với đoạn nhạc chế từ ca khúc nổi tiếng “Ước gì” của nhạc sĩ Võ Thiện Thanh: "Ước gì, ăn mà không nặng nề. Ước gì Tết nào cũng nhẹ nhàng. Cả nhà mình đừng lo nữa nha. Vì nay đã có Tea Plus"...
Trở lại ca khúc "Nhớ về Hà Nội", dù đã thông qua VCPMC, tuy nhiên việc chế lời thô bạo với nhạc phẩm nổi tiếng này khiến công chúng không khỏi phiền lòng. Nhạc chế để quảng cáo dù hiệu quả nhưng quá đà sẽ gây phản cảm, bị khán giả tẩy chay.