NSND Quốc Trượng sinh năm 1966 tại huyện Quế Võ, Bắc Ninh. Từ nhỏ, Quốc Trượng đã có khả năng hát chèo rất ngọt, ông từng là đội trưởng của đội văn nghệ xã khi đang học cấp 2, cấp 3.
Sinh ra và lớn lên ở Bắc Ninh nên ông làm quen sớm và rất yêu các làn điệu dân ca. Học xong cấp ba, ông định thi vào Trung cấp Văn hóa nghệ thuật Hà Bắc (nay là trường Trung cấp Văn hóa, nghệ thuật, du lịch Bắc Ninh). Nhưng sau đó, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh về huyện tuyển sinh, ông dự thi và trúng tuyển hệ đại học đầu tiên của ngành Kịch hát dân tộc nên đã về Hà Nội học chèo.
Khi ông nói muốn học chèo, anh trai của ông đang làm ở Sở Tài chính Bắc Ninh khuyên nên đi học tài chính nhưng khi ông quyết tâm bố mẹ cũng ủng hộ.
"Hồi đó, tôi và Xuân Hinh, Hồng Ngát học cùng một lớp. Vì đói quá nên "đầu gối phải bò", tôi và anh Xuân Hinh đã rủ nhau đi… buôn rượu. Cứ thứ 6, vay tiền bạn, đi xe khách về Bắc Ninh mua rượu, xong mang lên Hà Nội bán, cũng có lãi một chút nên có thể trang trải được cuộc sống thời sinh viên" - NSND Quốc Trượng từng kể.
Ngày đó, trường không dạy cách diễn hề, ông và Xuân Hinh đã tiết kiệm tiền buôn bán để theo học riêng với NSND Mạnh Tuấn. Thầy Tuấn đã dạy ông làm hề cu Sứt, hề chanh, hề chóp, hề bột, hề hát rong, hề leo… Trong sân khấu chèo, vai hề mang đến sự lạc quan, tiếng cười cho khán giả.
Sau gần 40 năm gắn bó cùng nghệ thuật chèo, Quốc Trượng đã ghi dấu ấn trong lòng công chúng cùng các vai diễn trò hề như đống mỡ, bã bột, hề nhung rong, lượng leo… Ông đã giành được nhiều HCV tại các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp. Ngoài diễn, ông còn làm đạo diễn sân khấu của nhiều vở chèo và nhiều chương trình lớn. Ông là Đại tá, Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội - cấp trên của NSND Tự Long.
Chia sẻ về lý do gần đây không còn đi diễn, NSND Quốc Trượng bày tỏ: "Năm 2007, tôi làm Phó đoàn trưởng đoàn nghệ thuật Tổng cục Hậu Cần. Năm 2010, tôi làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội (tiền thân là đoàn nghệ thuật Chèo của Tổng cục Hậu Cần) và hiện giờ là Giám đốc Nhà hát. Khi chuyển sang làm quản lý, ít tham gia biểu diễn nhưng tôi luôn nhớ sân khấu, nhớ cảm giác được biểu diễn cho khán giả xem những vở chèo hay".
Danh xưng Ngọc Hoàng đầu tiên của "Táo Quân"
Kể về cơ duyên đến với danh xưng "Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo Quân", NSN Quốc Trượng cho biết: "Thời đó, đạo diễn Khải Hưng mời tôi làm tiểu phẩm hài trong Gặp nhau cuối tuần. Đó không phải nhân vật Ngọc Hoàng của chương trình Táo Quân phát vào đêm 30 Tết mà là tiểu phẩm hài có nhân vật Ngọc Hoàng phát vào cuối tuần, cũng có người lên chầu, tâu bẩm, cũng diễn cùng Xuân Bắc, Công Lý, Tự Long… nên mọi người hay gọi là "Ngọc Hoàng đầu tiên".
Sau đó, tôi làm cùng bác Phạm Bằng, Quang Thắng, Quốc Khánh… Nhưng tôi cũng bận nên rút lui dần vì không thể đi diễn bên ngoài lâu được. Tôi khá bất ngờ khi được gọi là "Ngọc Hoàng đầu tiên của Táo Quân". Tuy không tham gia, nhưng tôi vẫn theo dõi chương trình Táo Quân và thấy rằng, các nghệ sĩ rất cố gắng để hoàn thành vai diễn của mình".
Hôn nhân với người cùng nghề, các con không ai theo nghệ thuật
Dù lui về hậu trường nhưng hiếm hoi những hình ảnh gia đình được nam nghệ sĩ chia sẻ trên trang cá nhân cũng đủ khiến khán giả ngưỡng mộ 20 năm hôn nhân viên mãn với bà xã cùng nghề - NSƯT Lâm Thanh.
“Tôi thừa nhận mình may mắn khi bà xã cũng là nghệ sĩ. Cô ấy là trưởng đoàn diễn 2 của Nhà hát nên rất hiểu sự bận rộn của tôi. Nhiều người hay thắc mắc: Hai vợ chồng cùng tham gia nghệ thuật thì thế nào? Là cả hai cùng rất bận. Tuy nhiên, cái quan trọng nhất là chúng tôi vẫn sắp xếp làm sao cho hài hòa giữa công việc của đơn vị, tổ chức, cũng như các công việc trong cuộc sống gia đình”.
Nghệ sĩ Quốc Trượng trải lòng: “Trước kia còn là diễn viên, có thời điểm cả hai vợ chồng đi diễn đêm hôm. Có những đêm 1 - 2 giờ sáng mới về. Có những đợt còn đi công tác dài ngày miền Trung, Tây Nguyên, TPHCM.
“Sau này các con cũng dần quen với môi trường nghệ thuật của bố mẹ. Bây giờ các con cũng lớn rồi: Con gái lớn đã đỗ đại học quốc tế, còn con trai năm nay đã vào THPT. Công việc thì hai vợ chồng sắp xếp làm sao cho hài hòa nhưng chăm sóc con thì phần lớn vẫn là bà xã. Tôi thì ít thời gian hơn. Nhưng lúc nào bà xã phải đi diễn thì mình ở nhà cùng với bác giúp việc làm việc nhà, chăm con”, NSND Quốc Trượng tâm sự.
20 năm hôn nhân viên mãn, có thể nói vợ chồng nghệ sĩ chèo Quốc Trượng là hình mẫu gia đình lý tưởng. Khi nghe hỏi, liệu hai thập kỷ qua anh chị có từng “xô bát xô đũa” không, anh thẳng thắn: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Chỉ có điều là hai vợ chồng cùng ngành, cùng nghề cũng dễ hiểu nhau hơn. Nhưng chuyện nào cũng thế, dù công việc hay gia đình đều có lúc va chạm, song mỗi người nhịn một tí. Vợ nóng tính thì mình né, mình nóng thì vợ cũng né. Thế là hài hòa thôi.
“Các con bây giờ cũng lớn rồi và cả hai đứa đều không có ý định theo nghệ thuật. Tôi tôn trọng các con bởi nghĩ: Thôi không nên theo nghệ thuật, vất vả lắm.
Thực tế là vì các cháu không bộc lộ năng khiếu gì với nghệ thuật. Khi các con đủ lớn thì tôi cũng đã chuyển sang làm lãnh đạo nhưng hai con vẫn thích xem lại vở diễn ngày xưa của bố, đặc biệt là thích chèo lắm.
Không một vở nào tổng duyệt, sơ duyệt ở Nhà hát chèo Quân đội mà các cháu không xem. Nhưng đó là yêu thích thôi chứ thực ra là không có năng khiếu đâu. Thậm chí, tôi còn chưa nghe các con hát karaoke bao giờ. Thế nên vợ chồng tôi không ép con theo mình!”, nghệ sĩ Quốc Trượng từng chia sẻ.