Mười: Lời nguyền trở lại là phần tiếp theo (sequel) của Mười: Truyền Thuyết Về Bức Chân Dung (2007) – phim kinh dị do Việt Nam hợp tác Hàn Quốc sản xuất, Kim Tae Kyeong đạo diễn. Tuy nhiên, khán giả chưa xem phần đầu vẫn có thể hiểu và theo dõi câu chuyện.
Cốt truyện cũ kỹ, rối rắm
Kịch bản phim cũ kỹ, tuân theo mô-típ quen thuộc của phim kinh dị Việt. Nhân vật chính luôn tìm đến một căn nhà, sau đó liên tục gặp những hiện tượng siêu nhiên khó giải thích. Chỉ riêng trong năm nay, có đến 3 tác phẩm sử dụng hướng đi tương tự là Nhà không bán (Hoàng Tuấn Cường đạo diễn), Chuyện ma gần nhà (Trần Hữu Tấn đạo diễn) và Bóng đè (Lê Văn Kiệt đạo diễn).
Ngay từ những phút đầu tiên, phim lật về quá khứ, gợi mở cho người xem lai lịch căn nhà. Đây vốn là nơi họa sĩ nổi tiếng Lê Chánh (Khôi Trần) từng sinh sống, hiện lưu giữ bức chân dung Mười.
Sau cảnh mở màn, phim đưa người xem tiến đến hiện tại. Lúc này, kịch bản đơn giản và dễ đoán. Nhiều chi tiết úp mở về mối quan hệ giữa Linh và Hằng, cho thấy họ từng là bạn thân nhưng không còn thân thiết.
Người dân xung quanh thì liên tục bảo Linh rời xa căn nhà nhưng vì một lý do nào đó, cô quyết định ở lại.
Đan xen giữa cảnh Linh bị hồn ma bóng quế ám ảnh là cảnh Hằng ở một mình, có những biểu hiện tâm thần khó hiểu. Đến gần cuối, nhân vật mới hé lộ sự thật nhưng không tạo được bất ngờ, chưa thể gọi là twist.
Trong khoảng 2/3 thời lượng, câu chuyện về Mười gần như không liên quan nhiều đến nội dung phim. Kịch bản chỉ nhắc đến chứ không đào sâu khai thác số phận ma nữ. Do đó, khán giả có thể mặc định Mười là một vong hồn bất kỳ, không có đặc điểm nổi trội.
|
Hằng (Rima Thanh Vy) - bạn thân của Linh - có những dấu hiệu cho thấy tinh thần bất ổn.
|
Biên kịch tham lam khi lồng ghép các tuyến truyện phụ (subplot) nhưng không đào sâu. Đơn cử là chuyện hai con gái song sinh của họa sĩ Lê Chánh, chuyện tình tay ba giữa Mười và Nguyên (Bình Minh) – người đã có vợ là Hồng (Hồng Ánh). Kết quả, số phận hai người con song sinh gây khó hiểu còn hồn ma Mười thì mờ nhạt.
Đến cuối phim, ê-kíp đuối sức trong việc dẫn dắt số phận Linh, Hằng. Khi đó, Mười mới thực sự xuất hiện để “chữa cháy” và giải quyết tất cả tình huống được cài cắm.
Ngoài ra, quanh quẩn khu rừng Đồng Nai còn có nhiều hồn ma bóng quế khác nhưng họ không được gọi mặt đặt tên. Khi cần thì họ xuất hiện, xong rồi biến mất.
Phong cách đạo diễn còn hạn chế
Tác phẩm là dự án điện ảnh đầu tay của Hằng Trịnh – đạo diễn kiêm sản xuất. Ở lần chào sân, cô chưa thể hiện được phong cách cá nhân rõ nét, vẫn cho thấy sự loạng choạng của một người mới tập làm đạo diễn.
Điểm đáng khen là Hằng Trịnh thể hiện được tính duy mỹ trong việc thiết lập, cân đối cảnh quay. Cô liên tục thay đổi ống kính, tạo được nhiều góc máy lạ để khán giả đỡ nhàm chán.
Đáng tiếc, đạo diễn phủ lên từng khung hình tông màu u tối xuyên suốt, với hai sắc xám và xanh chủ đạo. Cách làm tạo cảm giác lạnh lẽo cần có của phim kinh dị, nhưng khiến tác phẩm trở nên một màu. Đôi lúc, ánh sáng thiết lập chưa tốt nên nhiều cảnh quay còn tối. Người xem không thể nhìn rõ khuôn mặt diễn viên.
|
Nhiều cảnh quay trong phim bị tối quá mức cần thiết.
|
Nhà làm phim vẫn đi vào lối mòn của phim kinh dị Việt khi liên tục sử dụng jump scare. Song, các màn hù dọa được xây dựng khá cũ, không tạo cảm giác sợ hãi hoặc bất ngờ. Thủ pháp quen thuộc là luôn dùng nhạc rùng rợn để báo hiệu, sau đó hồn ma lảng vảng xuất hiện, cuối cùng giải thích bằng giấc mơ hoặc chuyển cảnh đột ngột.
Để thiết lập nỗi sợ, đạo diễn còn sử dụng một số cảnh quay theo phong cách kinh dị cơ thể (body horror), sẵn sàng cho nhân vật gỡ móng tay hay lột da trước ống kính. Ngoài ra, trong phim còn có một cảnh trục vong gợi nhớ tác phẩm kinh điển The Exorcist (1973).
Tuy nhiên, các phân đoạn đều được ê-kíp giới thiệu từ trước trong trailer hoặc clip quảng cáo. Đến khi ghép vào bản hoàn chỉnh, chúng không tạo được sự gay cấn cần thiết. Thậm chí, cảnh trục vong còn có hơi hướm Harry Potter khi nhân vật cầm dụng cụ như chiếc đũa thần, rạch máu để làm lễ tế.
Ở nửa đầu, nhịp phim còn chậm chạp. Các cảnh quay cắt dựng rời rạc nên chưa tạo được cảm giác liền mạch. Đến nửa sau, khi kịch bản rối rắm cũng là lúc đạo diễn bi kịch hóa mọi thứ.
Thay vì gây sợ, phim chuyển hướng sang thể loại melodrama, cài cắm thông điệp về kẻ thứ ba, tình yêu và lòng thù hận, tình người duyên ma,…
Diễn xuất nhạt nhòa
Đảm nhận vai chính Linh, Chi Pu chưa cho thấy diễn xuất mới mẻ. So với Chị chị em em (2019), diễn viên không thể hiện được sự tiến bộ, thậm chí có phần thụt lùi.
Cách xử lý nhân vật của cô còn khá an toàn và dễ đoán. Diễn viên cau mày trong những cảnh cần sợ hãi, trợn mắt trong những cảnh cần tức giận và luôn thể hiện mình là một người ngây thơ, hết lòng vì bạn.
Tương tự, Rima Thanh Vy cũng chưa thể hiện được diễn xuất đa dạng dù nhân vật của cô khá phức tạp, có biểu hiện đa nhân cách.
Nữ diễn viên tạo được cảm giác ghê rợn ở những phân đoạn điên loạn. Song, cách xử lý một màu khiến nhân vật mất dần sức hút ở nửa sau. Đứng cạnh Chi Pu, Rima Thanh Vy vẫn chưa thể đánh bật được bạn diễn dù đối thủ không nặng ký.
Dàn diễn viên tên tuổi như Bình Minh, Đinh Y Nhung, Anh Thư có đất diễn ít ỏi. Tuyến nhân vật cũng được xây dựng mờ nhạt nên không để lại nhiều ấn tượng.
Người đáng khen duy nhất là Hồng Ánh, dù chỉ đóng vài cảnh quay nhưng vẫn cho thấy bản lĩnh diễn xuất kinh nghiệm. Trước đây, nhân vật Hồng cũng là một vai khá lạ trong sự nghiệp nữ diễn viên. Khi xuất hiện trở lại, lập tức Hồng Ánh khiến hai đàn em là Chi Pu và Rima Thanh Vy phải lép vế, hoàn toàn lu mờ.
|
Sự góp mặt của những diễn viên tên tuổi như Hồng Ánh, Đinh Y Nhung cũng không thể cứu được kịch bản nhạt.
|
Cách đây 15 năm, Mười: Truyền Thuyết Về Bức Chân Dung ra mắt khi dòng phim kinh dị Hàn Quốc dần đi vào lối mòn, trong khi Việt Nam lại chưa có nhiều tác phẩm kinh dị đương đại. Do đó, hồn ma áo dài của Mười ít nhiều trở thành hình ảnh lạ với khán giả ngoại quốc, cũng là dấu ấn với điện ảnh Việt.
Ý tưởng thực hiện Mười 2 khá hay, có thể giúp Việt Nam tạo nên thương hiệu kinh dị ăn khách, tương tự Hollywood từng có hàng loạt cái tên như Saw, Insidious, The Conjuring,…
Đáng tiếc, Mười 2 không mang đến bất kỳ điều mới mẻ sau gần hai thập niên. Thậm chí, cốt truyện còn cũ kỹ nếu ra mắt cùng thời điểm phần đầu. Đứa con tinh thần của Hằng Trịnh chỉ như một tác phẩm ăn theo phần trước để câu khách, lôi kéo khán giả ra rạp. Tác phẩm thất bại vì cách làm phim cũ kỹ và kịch bản thiếu sáng tạo, ít chất xám.
Sau hàng loạt cảnh quay rối rắm, phim khép lại bằng một cái kết đơn giản và có phần khiến cưỡng. Hài hước ở chỗ, đạo diễn không còn dùng âm thanh rùng rợn như trước.
Trái lại, cô quyết định kết thúc phim bằng bản nhạc không lời sầu não, có piano da diết và dàn dây làm nền.