Cuốn tự truyện Lột xác của Lâm Khánh Chi (tên trước đây là Lâm Chí Khanh) được xem như nhật ký ghi lại hành trình 40 năm có đủ cả vui buồn, giông bão lẫn nắng ấm mà nữ ca sĩ Lâm Khánh Chi đã đi qua. Công chúng vẫn chỉ biết một Lâm Chí Khanh từ hình ảnh nam ca sĩ nổi tiếng trong những năm 2000 đến một Lâm Khánh Chi sau khi chuyển giới. Ẩn giấu sau hành trình "lột xác" đó là những câu chuyện lần đầu được kể bởi chính Lâm Khánh Chi.
Chúng tôi xin phép được trích một số đoạn tiêu biểu trong cuốn tự truyện này để độc giả hiểu thêm về sự nghiệp và đời sống tinh thần cùng những câu chuyện tình đã qua của nữ ca sĩ chuyển giới này.
Tôi tìm được tình yêu đầu tiên trong thế giới LGBT năm tôi 17 tuổi. Anh ấy tên K.
Chúng tôi gặp nhau ở vũ trường T.N, trò chuyện thấy hợp rồi yêu nhau. Ba K. là bác sĩ, mẹ K. buôn bán bên ngoài, sống với nhau không hạnh phúc nên họ ly dị. K. lang bạt nơi này nơi nọ tìm vui rồi mướn một phòng trọ nhỏ. Nhìn K., thương, tôi nói:
- K. về nhà em ở đi!
- Có ổn không? Anh thấy kỳ kỳ sao đó…
- Ba mẹ biết chuyện em bị vầy rồi, không sao đâu.
- Lỡ bị đuổi thì anh quê lắm.
- Đừng lo, em sẽ giải thích cho ba mẹ hiểu.
Tôi phụ K. dọn đồ trong phòng trọ để chuyển về nhà tôi ở.
Tôi chưa kịp nói gì với ba mẹ thì ba mẹ đã chấp nhận K. như một đứa con của mình. Tôi dù mừng hết sức nhưng vẫn ngạc nhiên sao ba mẹ lại “dễ” đến như vậy. Mẹ tôi giải thích ngắn gọn:
- Miễn con vui, con ở nhà, con như thế nào cũng là con của mẹ. Con sợ ba mẹ mà bỏ nhà đi tìm vui bên ngoài, mẹ còn buồn hơn.
Mẹ lúc nào cũng ủng hộ tôi. Khi ai đó hỏi về tôi, mẹ luôn tự hào: “Khanh nữ tính, dịu dàng, hiền lành từ bé. Nó ngoan ngoãn, vui vẻ nên ai cũng quý”.
Nếu ai đó thắc mắc về giới tính của tôi, mẹ tôi thường giải thích: “Làm người cốt là có đức, có tâm, sống có ích. Con trai hay con gái, hoặc pê đê thì có gì là quan trọng. Tính K. từ nhỏ đã thế chứ có phải do nó đua đòi mà thành pê đê đâu!”.
Mẹ luôn biết tôi cần điều gì: đó là sự yêu thương và thông cảm. Tôi cũng chưa bao giờ phải hỏi những câu như: “Mẹ thực sự chấp nhận con là người như vậy chưa?” hoặc: “Mẹ có thất vọng vì con là pê đê hay không?”.
|
Lâm Chí Khanh trước khi chuyển giới là nam ca sĩ nổi tiếng của những năm 2000 |
Có lẽ ba mẹ tôi đã giấu buồn ở đâu đó mà tôi không biết, nhưng chưa bao giờ tôi phải chịu áp lực từ ba mẹ về chuyện giới tính. Ba mẹ chỉ muốn tôi hiểu rằng ba mẹ tự hào về tôi. Tôi không có lỗi, tôi không làm hại ai và tôi có quyền sống như bao người khác.
Nếu được nói điều gì đó với các bà mẹ, những người mẹ có con như tôi, tôi sẽ nói mẹ à, đừng quá đau khổ vì những chuyện như thế này, hãy bao dung hơn, hãy nhìn mọi việc bình thường hơn, hãy tin rằng chỉ cần được gia đình yêu thương, tụi con sẽ nỗ lực chứng minh khả năng của mình. LBGT không phải là bệnh và cũng không phải lỗi của ai cả. Nếu được xã hội công nhận, họ cũng sẽ có cuộc sống như người bình thường. Khi hiểu được điều đó, mẹ sẽ không còn phải day dứt nữa, mẹ sẽ chấp nhận con mình có chút khác biệt, và rồi lòng sẽ thanh thản hơn.
|
Sau khi chuyển giới, Lâm Chí Khanh trở thành một người phụ nữ gợi cảm |
Về chuyện của tôi với K., chúng tôi yêu nhau, ở bên nhau, cùng nhau làm việc và vui sống như thế trong suốt ba năm. Khi tôi bắt đầu tham gia hát ở một vài quán bar với vai trò ca sĩ trẻ, mở đầu cho một sự nghiệp có tên tuổi về sau này, thì đúng lúc đó, mẹ của K. làm xong giấy giờ định cư Mỹ cho K.
Nghe tin ấy, tôi hụt hẫng vô cùng. Cảm giác chia tay người yêu lần đầu thấm đẫm vào tôi. Nỗi buồn không ngờ dài rộng đến thế. Chúng tôi chia tay, không có nghĩa là đã hết yêu. Chúng tôi vẫn yêu nhau tha thiết nhưng anh phải đi tìm một tương lai tươi sáng hơn, ở một nơi xa tít.
Tôi không thể giữ anh!
Đưa K. ra sân bay, nước mắt tôi như mưa. K. an ủi:
- Khanh đừng khóc nữa, anh xót...
- Ở bên nhau ba năm trời, bây giờ anh đi xa, sao em không khóc được?
- Anh qua đó rồi sẽ bảo lãnh Khanh sang. Anh cũng không sống thiếu Khanh được mà.
- Thiệt không?
- Thiệt...
K. ôm tôi thật chặt rồi bịn rịn buông tôi ra, đi vào phòng cách ly. Nghĩ lại cảm giác lúc đó, tôi vẫn còn thấy sợ, sợ đến nỗi dù tôi đã đi qua rất nhiều mối tình nhưng vẫn không thể nào quên được. Nó ám ảnh tôi, khiến tôi cứ hễ sắp quen ai là lại nghĩ chia tay sẽ thế nào. Tôi nhớ K. đến mức cảm thấy đau, thấy nhói lòng khi nghe một cái tên giống vậy.
Người đời thường nói “xa mặt cách lòng”. Năm đầu tiên ở Mỹ, K. vẫn thường xuyên gọi điện thoại, nhắn tin, viết thư,... cho tôi, nhưng sau đó ít liên lạc dần rồi mất biệt như bóng chim tăm cá.
Tôi nhớ K. đến gầy mòn. Ba tôi thấy vậy xa xót lắm, nói: “Thằng K. sang Mỹ nhiều cái mới lạ thu hút nó, nó xao nhãng con cũng là sự bình thường. Con đau khổ làm chi? Sống là phải vui. Vùi đầu vào yêu mụ mị hết tuổi thanh xuân còn ý nghĩa gì”.
Chuyện tình tôi với K. dừng lại ở đó, dù có thể K. còn yêu tôi và chưa từng nói lời chia tay. Tôi buồn mãi rồi cũng nguôi. K. còn trẻ, làm sao trách K. được.
Trước khi có được tình yêu thật sự với K., tôi đã có hai mối tình đơn phương với P. và T. 19 tuổi, gia tài tình yêu của tôi đã kha khá, dù tất cả đều tan vỡ. Song điều đó không làm tôi mất niềm tin vào tình yêu.
Tình yêu với tôi là một điều thiêng liêng. Tôi vẫn yêu như rút cạn lòng mình. Trái tim nhiều vết sẹo cũng luôn có vẻ đẹp riêng.