Mỗi năm, màn ảnh nhỏ Trung Quốc chứng kiến sự ra đời của hàng trăm tác phẩm từ cổ trang cung đấu - kiếm hiệp cho đến hiện đại. Trong số đó, với nội dung đa dạng cùng cách xây dựng kịch bản sáng tạo, mới mẻ, dòng phim cổ trang dễ hấp dẫn khán giả hơn cả.
Thế nhưng, phim cổ trang không ít lần khiến công chúng ngán ngẩm với loạt "sạn" khó chấp nhận. Sina cho hay so với dòng phim hiện đại, tỷ lệ mắc lỗi của những tác phẩm cổ trang cao gấp 4-5 lần.
|
Phim cổ trang Trung Quốc thường xuyên bị phàn nàn vì dính "sạn".
|
"Những lỗi hậu kỳ vô lý đến mức buồn cười khiến một bộ phim vốn được đánh giá cao về nội dung kịch bản, chất lượng hình ảnh mất điểm trong mắt khán giả. Đây là hệ lụy đến từ sự nghèo nàn về kinh phí và thái độ dễ dãi trong công tác làm phim của nhiều nhà sản xuất điện ảnh Trung Quốc", trang báo bình luận.
Nhặt "sạn" mỏi tay
Trong vòng 3 tháng đầu năm, 29 bộ phim cổ trang do xứ tỷ dân sản xuất lần lượt ra mắt khán giả màn ảnh nhỏ. Thế nhưng, liên tiếp nhiều cái tên trở thành chủ đề bàn tán vì những "hạt sạn to đùng".
Lên sóng cuối tháng 2, Sơn hà lệnh - bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết đam mỹ Thiên nhai khách của tác giả Priest thu hút sự chú ý nhờ kịch bản bám sát nguyên tác và diễn xuất ổn định, tự nhiên của hai nam chính Cung Tuấn và Trương Triết Hạn. Song phim khiến một bộ phận khán giả không hài lòng vì để lộ những lỗi không đáng có.
|
Các tác phẩm cổ trang gần đây của Trung Quốc như Sơn hà lệnh, Thượng dương phú hay Đấu la đại lục liên tục mắc lỗi hậu kỳ.
|
Ở tập 7 của bộ phim, cư dân mạng phát hiện một chiếc flycam "tung tăng" trên đường phố. Trong phân cảnh Ôn Hành Khách (Cung Tuấn đóng) và Chu Tử Thư (Trương Triết Hạn đóng) gặp gỡ, hình ảnh diễn viên quần chúng thản nhiên ngồi nghịch điện thoại lọt vào ống kính máy quay. Khán giả còn tinh ý nhìn ra nam chính Trương Triết Hạn giấu một chiếc quạt chạy bằng pin trong ống tay áo khi lên hình.
Thượng dương phú (Chương Tử Di, Chu Nhất Vi đóng chính) hay Đấu la đại lục (Tiêu Chiến, Ngô Tuyên Nghi đóng chính) lên sóng cùng thời điểm cũng mắc lỗi hậu kỳ tương tự. Trong Thượng dương phú, nhân vật của người đẹp Ngọa hổ tàng long bị lộ khoảnh khắc diện sneaker dưới lớp trang phục cổ trang trước ống kính. Ngay sau đó, nhà sản xuất bộ phim phát thông cáo xin lỗi khán giả và nữ diễn viên chính Chương Tử Di vì công tác hậu kỳ thiếu chuyên nghiệp.
Ngược trở lại thời gian trước đó, một số bộ phim cổ trang nổi bật của màn ảnh Hoa ngữ như Hữu Phỉ, Đại Đường nữ pháp y, Trần Thiên Thiên trong lời đồn, Lưu Ly mỹ nhân sát, Cẩm y chi hạ, Trần Tình Lệnh, Đông cung cũng dính nhiều lỗi hậu kỳ.
Khán giả thường xuyên phát hiện ra túi ni-lông, ống nhựa thoát nước, hộp sữa, xe hơi, quạt chạy bằng pin trên màn hình. Diễn viên trong phim thậm chí còn để lộ quần jean, thắt lưng da và cả hình xăm trước ống kính máy quay.
|
Để lọt nhiều vật dụng hiện đại là "sạn" thường thấy trong nhiều bộ phim cổ trang do Trung Quốc sản xuất.
|
Sina cho hay những vật dụng hiện đại bỗng dưng "xuyên không" về thời cổ đại là "sạn" điển hình nhất trong các bộ phim cổ trang Trung Quốc. Ngoài ra, một số lỗi khác thường thấy đó là lộ diễn viên đóng thế, nhân viên hậu kỳ, bối cảnh "giả trân", hóa trang cẩu thả hay đạo cụ thay đổi chớp nhoáng trong chỉ trong tích tắc trên màn ảnh.
"Việc đòi hỏi một bộ phim hoàn hảo, nói không với 'sạn' là không thể. Thế nhưng, khán giả khó chấp nhận những lỗi hiển nhiên, vô lý đến buồn cười trên màn ảnh. Sự cẩu thả này không chỉ làm giảm chất lượng bộ phim, mà còn đại diện cho thái độ thiếu tôn trọng người thưởng thức của nhà sản xuất", cây viết Đặng Gia Linh của Toutiao gay gắt.
Hời hợt, dễ dãi để theo kịp trào lưu
Theo Tân Hoa Xã, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng phim cổ trang Trung Quốc dính cả rổ "sạn". Trong đó, chi phí đầu tư là yếu tố đầu tiên.
Phim cổ trang là dòng phim lấy bối cảnh thời cổ đại kể về một câu chuyện dựa trên lịch sử có thật hoặc một câu chuyện hư cấu. Mọi chi tiết từ phục trang, đạo cụ cần chỉn chu, tỉ mỉ để tái hiện thành công cuộc sống hoàng tộc cũng như truyền tải lịch sử thời xưa. Chính vì thế, phim cổ trang đòi hỏi chi phí đầu tư cao.
Phim có kinh phí càng thấp, số lượng lỗi dính phải sẽ càng nhiều. Không ít lần những dự án phim truyền hình Trung Quốc gây ra tiếng cười đáng buồn vì thiếu hụt đầu tư.
|
Chi phí đầu tư nghèo nàn khiến nhiều tác phẩm dính cả rổ "sạn" về bối cảnh, phục trang khi lên sóng.
|
Năm 2015, Thái tử phi thăng chức ký trở thành hiện tượng web drama Trung Quốc nhờ nội dung hài hước và diễn xuất nhập tâm của dàn ngôi sao trẻ. Thế nhưng ngay từ khi phát hành trailer, tác phẩm đã bị dân mạng chê cười khi để vương công quý tộc đi giày sandal, mặc trang phục kỳ lạ được mua với giá rẻ bèo trên Taobao.
Các địa điểm quay ngoại cảnh của phim cũng bị giới hạn trong không gian nhỏ hẹp. Phần lớn đạo cụ trong phim đều được làm bằng nhựa, chốn nghỉ ngơi của thái tử phi phải dùng vải che tạm thay vì bình phong gỗ. Hình ảnh "nghèo thê thảm" trong phim khiến Thái tử phi thăng chức ký bị cho là xuyên tạc lịch sử.
Phải đến khi biết được sự thật về chi phí sản xuất hạn hẹp của bộ phim, khán giả mới cảm thông cho rổ "sạn" trong Thái tử phi thăng chức ký.
Song thế sủng phi (2017) cũng là nạn nhân của kinh phí nghèo nàn. Trang phục, đạo cụ bộ phim nhiều lần bị "soi" vì không tái hiện được sự uy nghi, tráng lệ chốn hoàng cung.
Bên cạnh đó, quy mô hoành tráng của một bộ phim cổ trang đặt ra những yêu cầu khắt khe về bối cảnh. Tại Trung Quốc, các nhà làm phim theo đuổi thể loại này cần đến sự trợ giúp lớn từ những phim trường cổ trang nổi tiếng như Hoành Điếm, Vô Tích, Trác Trâu, Nam Hải, Đôn Hoàng, Tượng Sơn…
Thế nhưng, đại đa số phim trường tại Trung Quốc hiện nay đều mở cửa cho khách du lịch đến tham quan. Vì thế, việc vướng người hay các công trình kiến trúc hiện đại là điều không thể tránh khỏi.
|
Khán giả thường xuyên bắt gặp người hay các công trình kiến trúc hiện đại trong phim.
|
Hơn nữa, trong quá trình quay phim, các đạo diễn thường tập trung vào cốt truyện và diễn xuất của diễn viên. Hoàn cảnh này khiến họ không dễ nhận ra những "vật thể lạ" xuất hiện trong khung hình, trừ trường hợp quá rõ ràng.
Lỗi đạo cụ, phục trang thay đổi chớp nhoáng trong một cảnh quay một phần xuất phát từ tính quy mô của dòng phim này. Những dự án phim cổ trang Trung Quốc chỉ riêng đạo cụ và phục sức có đến cả trăm. Vì thế đoàn làm phim và diễn viên thường xuyên nhầm lẫn vật này thành vật kia trong cùng một cảnh quay. Thậm chí, có lúc họ còn quên sử dụng luôn đồ vật đó khi lên hình.
Ngoài ra, hàng loạt phim cổ trang Trung Quốc bị chê bai thậm tệ vì cắt ghép cẩu thả, sử dụng kỹ xảo nghèo nàn, nghiệp dư. Những hình ảnh thô kệch, giả tạo khiến một dự án trở thành trò cười của khán giả.
Thập nhị đàm phát sóng hồi tháng 3 khiến công chúng "cạn lời" vì hiệu ứng "giả trân". Cụ thể, trong phân cảnh hai người cá ngồi trò chuyện với nhau, nhà sản xuất phim quyết định sử dụng kỹ xảo để tăng tính chân thực cho thước phim. Thế nhưng, thành phẩm lại là phần đuôi cá cứng ngắc, màu sắc khó hiểu. Thay vì bơi, người cá lại lướt sóng trên mặt nước.
Khán giả cũng phải lắc đầu ngán ngẩm với kỹ xảo ba xu trong Đại đường minh nguyệt. Ở phân đoạn nhân vật do Hứa Ngụy Châu thủ vai và bạn diễn rơi xuống núi, cả hai người vẫn ngồi yên trên lưng ngựa, tóc và quần áo hoàn toàn không có dấu hiệu bị gió thổi.
Trước đó, Tam thiên nha sát khiến khán giả vừa sợ hãi vừa buồn cười vì tổ hậu đài sử dụng kỹ xảo AI, ghép mặt quá vụng về và cẩu thả. Diễn viên Trương Đình Đình bị nhận xét như "hồn ma". Hay như Trường An Nặc sử dụng kỹ xảo 2D tái hiện binh lính trên chiến trường bị khán giả chê "mỏng như giấy" và "giả đến mức không thể giả hơn".
|
Kỹ xảo vụng về, cẩu thả vô tình biến nhiều tác phẩm trở thành "trò cười" trong mắt khán giả.
|
"Lỗi nhỏ nhưng phản ánh rõ sự hời hợt, dễ dãi của người trong giới. Sự dễ dãi, hời hợt này một phần xuất phát từ tâm lý 'cố đấm ăn xôi', lòng tham làm nhanh, làm nhiều để theo kịp trào lưu thị trường. Và rồi nó trở thành tác nhân tiếp tay cho những dự án nhặt cả rổ chưa hết 'sạn' xuất hiện nhan nhản trên màn ảnh", Sohu bình luận.
"Không có tác phẩm nào hoàn hảo. Thế nhưng một tác phẩm chỉn chu hết mức đại diện cho sự tôn trọng đoàn phim dành cho khán giả. Sự hời hợt chỉ thể hiện thái độ làm việc thiếu chuyên nghiệp, thiếu nghiêm túc của một cái tôi đang vùng vẫy trong nghệ thuật, chứ không khiến đứa con tinh thần được thêm gì hay bản thân có thêm gì. Hãy thay đổi khi khán giả còn chịu lên tiếng", nhà sản xuất Điền Tráng Tráng nhấn mạnh trên China Daily.