Gameshow hẹn hò trên sóng truyền hình bị "ném đá" phản cảm, nhố nhăng

Google News

Ngày càng nhiều gameshow hẹn hò trên sóng truyền hình, cũng đồng nghĩa với việc “diễn” chuyện tình yêu khá ngây ngô và phản cảm khiến không ít khán giả lên tiếng phản ứng.

>>> Mời quý độc giả xem video giới thiệu chương trình "Lựa chọn của trái tim". Nguồn Youtube:
 Lựa chọn của trái tim nhận nhiều phản ứng trái chiều. Ảnh: T.L
Bội thực vì gameshow mai mối
Vì yêu mà đến, Khúc hát se duyên, Lựa chọn của trái tim, Quý cô hoàn hảo, Giai điệu chung đôi... là những chương trình hẹn hò đang chiếm sóng trong “khung giờ vàng” trên truyền hình. Ban đầu, lượng người xem vì tò mò khá cao, một phần do thể loại gameshow hẹn hò này khá mới lạ ở Việt Nam, song càng ngày, nhiều cảnh các nam thanh nữ tú ứng xử kỳ cục và thiếu tôn trọng lẫn nhau càng khiến người xem bực bội.
Quý cô hoàn hảo đang gây bão khi cô dâu chọn mẹ chồng tương lai đã chỉ thẳng vào mặt và buộc người yêu phải chọn một trong hai. Cách nói vô học và khiếm nhã, kèm lời bình phẩm chê bai cả 3 “bà mẹ chồng” của nàng dâu tương lai khiến nhiều khán giả sốc.
Dẫu biết rằng người chơi đang diễn một bối cảnh nhằm đưa ra những lựa chọn của mình trong tình huống gay cấn, kịch tính để thu hút khán giả thì từ kịch bản đến phần biểu cảm của họ đều khó chấp nhận được trên phông nền văn hóa Việt. Ở tập 25 Quý cô hoàn hảo, Thiên Kỳ nhận xét “mẹ chồng” có đôi mắt hình viên đạn chĩa thẳng, ép “chồng” chọn mẹ hoặc vợ. Đáp lại những lời chê của Thiên Kỳ, các “mẹ chồng” khuyên cô nên ứng xử khéo léo, nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, họ cũng tìm cách “dìm hàng” cô “con dâu” bằng những ngôn từ mạt sát không kém.
Chương trình đã nhận được vô số ý kiến phản đối người chơi và cho rằng kịch bản mua vui quá đà và phản cảm.
Tương tự, Lựa chọn của trái tim ngoài việc hóa trang cho các cặp đôi thật xấu xí để họ đi tìm sự đồng điệu về tâm hồn thì cách các cô gái nhận xét đối tượng cũng “sát sàn sạt” như một món hàng, hoặc như những kẻ xoi mói mong tìm ra khuyết điểm của người khác để nêu lý do không phù hợp. Điều này khiến nhiều tập trở nên cực vô duyên. Có những chàng trai bị hết cô này lại cô khác cho ra rìa, lại tiếp tục… đi tìm kiếm một nửa khác, tiếp tục ngồi trên “ghế tuyển” chê bai, bình phẩm cùng lúc 3 cô gái. Và có những lúc, người chơi bị trang điểm thành Thị Nở, Chí Phèo hay các quái vật kinh dị, giọng nói biến dạng, méo mó, biểu cảm xấu xí thấy sợ.
Tình yêu theo cách người chơi đang thể hiện dường như cũng là một vở kịch giả tạo và gượng gạo với bàn tay dàn dựng khá tệ. Có những cặp đôi sau khi chọn nhau, đã không đủ can đảm đi đến chỗ hẹn, vì những gì họ đang phải diễn quá phi lý.
Phô bày cái dở và đi vào ngõ cụt
Sau chương trình Bạn muốn hẹn hò khá thành công do Quyền Linh và Cát Tường dẫn dắt, nhiều chương trình se duyên được dịp nở rộ nhưng vì thiếu sự chân thật lại gượng gạo, vô cảm nên không đủ sức chinh phục người xem.
Giai điệu chung đôi, Khúc hát se duyên tìm người tri kỷ qua giọng hát cũng rơi vào cảnh tương tự, khi khai thác cảnh các cặp đôi giận dỗi, hiểu lầm hoặc những biểu cảm khó hiểu. Đã qua 8 năm phát sóng, Love bus - Hành trình kết nối những trái tim - cũng nhạt dần và không ít người chơi đã tự động bỏ cuộc. Những màn tỏ tình sống sượng, sến sẩm đã khiến nhiều khán giả cho rằng đó là một dạng hài nhảm lên ngôi truyền hình. Thậm chí, có thí sinh vừa tham gia Vì yêu mà đến lại tiếp tục nhảy sang Lựa chọn của trái tim, rồi lại bộc lộ những tính xấu cùng suy nghĩ thiển cận của mình về bạn gái.
Thế nhưng, bất cần chương trình hay hay dở, phản cảm hay ít mang tính giáo dục, các nhà sản xuất vẫn tiếp tục nhập khẩu các phiên bản mới cho các gam show hẹn hò như: Yêu là chọn, Yêu là cưới, Ngôi nhà chung, Ẩm thực kỳ duyên, Chàng trai độc thân...
Cuối cùng thì các chương trình truyền hình hẹn hò chỉ mang mục đích mua vui cho khán giả, trong khi các cặp đôi lại nhận về toàn chỉ trích lẫn “gạch đá” vì hành vi của họ không bình thường và thậm chí, thiếu văn hóa. Và nhiều người còn cho rằng đây là cách các chàng trai, cô gái tự gây chú ý khi lên sóng truyền hình, khi càng gây sốc, càng được nổi tiếng nhanh.
Sau khi hài nhảm bị khán giả quay lưng, đến lượt các talk show phô bày đời tư những người nổi tiếng để câu kéo khán giả thất bại, giờ có gameshow hẹn hò trám vào chỗ trống. Chỉ có điều, sự nhí nhố và nhảm nhí như một “lẩu thập cẩm” này cũng nhanh chóng khiến các chương trình lâm vào ngõ cụt.
Theo Minh Thi/ Lao Động

>> xem thêm

Bình luận(0)