Tác giả Đỗ Mỹ Dung là người em gái của ca sĩ Mỹ Linh. Cô là người phụ nữ hiện đại, yêu đời và luôn giữ tinh thần lạc quan. Nhưng có lạc quan đến mấy, Mỹ Dung cũng khó điềm tĩnh nổi khi biết người chồng chưa tới 40 tuổi của chị mắc bệnh ung thư não – căn bệnh mà bác sĩ chẩn đoán có thể khiến anh chỉ sống được hơn 1 năm nữa.
Hành trình cùng chồng chống lại căn bệnh của tử thần được Mỹ Dung viết trong cuốn tự truyện mà nhạc sĩ Huy Tuấn đặt cái tên là Không thể gục ngã.
|
Tự truyện Không thể gục ngã là viên thuốc tinh thần cho người đang chống lại ung thư. |
Mở đầu sách, tác giả đưa người đọc đến một đời sống trong mơ. Bằng một vài câu ngắn gọn, tác giả kể lại cô lấy chồng – anh Chính – từ khi 19 tuổi. Họ trải qua những năm tháng vất vả, tới nay đã xây dựng sự nghiệp vững chắc. Cả hai cùng sáng lập và xây dựng một chuỗi khách sạn mini và nhà nghỉ cao cấp có tên tuổi, với hơn 30 cơ sở kinh doanh.
Học chị gái Mỹ Linh, Mỹ Dung chuyển nhà lên Sóc Sơn, xây dựng một trang trại trên đồi thông thơ mộng. Cô có ba người con thông minh, đầy tố chất. Thành công trong sự nghiệp, gia đình êm ấm, Mỹ Dung lúc ấy “rất hạnh phúc, thầm cảm ơn cuộc đời đã cho tôi một cuộc sống sung túc, an nhiên và cảm thấy như đang được bù đắp cho những tháng ngày vất vả”.
Nhưng cuộc sống chẳng lường trước được điều gì. Cơn sóng thần ập tới với gia đình Mỹ Dung. Sau tin dữ chồng bị u trong não, cô nhận thêm cú sốc khác: chồng cô bị ung thư não. Trải qua cú sốc mạnh, Mỹ Dung biết mình sẽ trở thành người mạnh mẽ, là chỗ dựa tinh thần cho chồng và các con.
Bằng tình yêu thương và sự quyết đoán, Mỹ Dung luôn đưa ra những quyết định dứt khoát. Cô quyết đưa chồng sang Singapore chữa bệnh, dù lúc đó bác sĩ cảnh báo khối u trong não có thể khiến chồng cô hôn mê bất cứ lúc nào, có thể cả trên máy bay khi chưa tới được bệnh viện.
Sau ca mổ lấy khối u, là những đợt xạ trị và uống hóa chất. Dù bác sĩ nói: “Cô có thể đưa chồng về nước để xạ trị cho đỡ tốn kém”, nhưng không mất một giây để nghĩ, Mỹ Dung chọn cho chồng mình những dịch vụ tốt và bác sĩ đầu ngành.
Giống như một phép màu, bằng tình yêu cho chồng và gia đình, Mỹ Dung cùng chồng chống lại lưỡi hãi tử thần. Ban đầu, bác sĩ tiên đoán chồng cô chỉ sống được khoảng 1,2 tới 1,5 năm nữa, thì thời điểm đó đến nay đã ba năm. Anh Chính chồng cô trải qua một lần mổ não, và uống hóa chất, hiện tại, anh đang duy trì tình trạng sức khỏe ổn định.
Dù tự nhận không có khiếu viết lách, song cuốn sách của Đỗ Mỹ Dung truyền tới người đọc, đặc biệt là người bị ung thư một tinh thần lạc quan, tin yêu vào cuộc sống. Khi viết những dòng trong cuốn sách, hai vợ chồng cô vẫn tiếp tục tranh đấu cho một ước mơ: được sống.
Mỹ Dung viết một chương sách với tên Kinh nghiệm. Nhưng ở đây, cô đưa ra một kinh nghiệm duy nhất cho người bị ung thư, và người thân sống cùng người ung thư: hãy lạc quan.
Cô viết: “Đối với bệnh nhân điều cấm kị nhất chính là luôn coi họ là bệnh nhân. Người nhà bệnh nhân nên nắm rõ điều này. Đừng cư xử với họ theo kiểu họ là bệnh nhân nên yếu đuối, cần bảo vệ, che chở. Điều đó rất nguy hiểm”.
Theo Mỹ Dung, không có căn bệnh nào đáng sợ nếu mình thực sự đủ nghị lực và trí lực để chống lại nó.
Trong buổi ra mắt sách vào 9/9 tại Hà Nội, Mỹ Dung thừa nhận cô không phải nhà văn nên chỉ kể câu chuyện của mình, những gì thực sự đã xảy ra.
Ban đầu, câu chuyện được đưa lên mạng xã hội, cô nhận được nhiều lời chia sẻ, động viên của bạn bè và người thân, và cuối cùng là lời để nghị ra mắt sách. Mỹ Dung bảo, toàn bộ tiền nhuận bút của sách sẽ được đưa vào một quỹ thiện nguyện giúp người bị ung thư.