Ê-kíp Táo quân 2018 có cần xin lỗi cộng đồng LGBT?

Google News

Táo quân 2018 đã gặp "sóng gió" khi 2 tổ chức đại diện cộng đồng LGBT Việt Nam gửi thư ngỏ tới ê-kíp và VTV phản ứng về chuyện đem giới tính nhân vật Bắc Đẩu ra chế giễu. Sau lùm xùm, đơn vị sản xuất có nên xin lỗi?

>>> Mời quý độc giả xem trailer Táo Quân 2018. Nguồn Youtube:
"Kỳ thị" không chỉ một lần?
Sau khi Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) và Trung tâm ICS - Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) gửi thư ngỏ gửi tới ê-kíp thực hiện Táo quân và Đài Truyền hình Việt Nam phản đối việc cộng đồng LGBT bị nhắm tới làm trò cười, đưa thông tin sai lệch, thậm chí xúc phạm với ngôn từ tệ hại trong chương trình thì một lần nữa vấn đề kỳ thị cộng đồng LGBT lại được nhắc đến.
Cụ thể trong thư hai tổ chức này đã chỉ ra nhiều năm liền, cộng đồng LGBT luôn là đối tượng bị chương trình "Gặp nhau cuối năm" sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này.
 Phần chế giễu nhân vật Bắc Đẩu trong Táo quân 2018 đang gây tranh cãi.
Sau khi được đăng tải thư ngỏ, iSEE và ICS được đa số các thành viên LGBT ủng lộ và cả những nghệ sĩ như Hoàng Bách, Lâm Khánh Chi,…
Chia sẻ với báo giới về câu chuyện này, NSND - Đạo diễn Khải Hưng cho hay: "Táo quân ra đời đã 15 năm nay. Hình tượng "cô Đẩu" do nghệ sĩ Công Lý hóa thân cũng được xây dựng ngay từ đầu là người có tính cách đanh đá, chua ngoa nhằm để tạo ra kịch tính trong phần báo cáo của các Táo quân.
Mục đích của chương trình là để phản ánh các vấn đề xã hội dựa trên sự hài hước, vui cười. 15 năm trước đây, trong các lần phát sóng, hình tượng nhân vật đó có bị phản ứng đâu? Có thể bây giờ cộng đồng LGBT phát triển và họ được quan tâm hơn nên mới dẫn đến những chuyện như thế này.
Táo quân không phải là một chương trình mang tính văn hóa truyền thống mà mang tính giải trí đơn thuần. Bởi thế, việc tạo nên một nhân vật như Cô Đẩu là điều hoàn toàn hợp lý để mang lại tiếng cười, sự thú vị cho khán giả".
Dù ủng hộ chương trình, nhưng "cha đẻ" của "Gặp nhau cuối năm" đưa ra "khuyến cáo", một khi đã có số đông khán giả chỉ trích việc sử dụng hình tượng nhân vật Bắc Đẩu với những màn gây cười ấy thì ê-kíp sản xuất chương trình, đạo diễn, biên kịch… cần phải kiểm tra, điều chỉnh sao cho phù hợp hơn.
Sẽ không có lời xin lỗi nào?
Tính đến nay, đã hơn 10 ngày kể từ khi Táo quân 2018 lên sóng truyền hình nhưng trước phản ứng của dư luận và một số tổ chức thì ê-kíp sản xuất chương trình vẫn "im hơi". Những tín hiệu ấy khiến nhiều khán giả hình dung rằng sẽ chẳng có lời xin lỗi nào được đưa ra.
Một trong những tác giả của kịch bản Táo quân 2018 là tác giả Song Hà đã lên tiếng về sự việc. Anh cho rằng công chúng nên có cái nhìn khách quan, đừng làm nghiêm trọng hóa vấn đề.
"Điều Táo quân muốn hướng tới là những câu chuyện, vấn đề trong xã hội chứ không chỉ nhằm vào chế nhạo hay lôi những người LGBT ra làm trò cười. Nếu như cộng đồng LGBT cho rằng việc lôi hình ảnh Bắc Đẩu ra chế nhạo là xúc phạm họ thì những tác phẩm kinh điển như Chí Phèo của nhà văn Nam Cao mô tả Thị Nở xấu xí một cách thậm tệ lại là sự xúc phạm tới phụ nữ hay sao?", anh nói.
Ca sĩ Lâm Khánh Chi là người lên tiếng thẳng thắn chuyện cộng đồng LGBT bị miệt thị. 
Hiện phía Đài Truyền hình Việt Nam và Ban Biên tập Táo quân 2018 vẫn chưa lên tiếng về sự việc. Nhận định về quan điểm của Viện ISEE và Trung tâm ICS khi gửi thư ngỏ bảo vệ cộng đồng LGBT, tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội - cho biết: "Không riêng gì chương trình Táo quân 2018 mà có khá nhiều bộ phim hài, các chương trình hài khác trên truyền hình giới nghệ sĩ thường xuyên đem những khiếm khuyến, sự phân biệt vùng miền ra để chọc cười cho khán giả gây phản cảm. Những năm trước Táo quân còn có những câu đùa rất thô thiển, thậm chí thô tục".
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng nhận định, ê-kíp Táo quân gồm các nhà biên kịch lẫn đạo diễn và nghệ sĩ nên có sự điều chỉnh, đầu tư để không gây phản cảm, tổn thương cho người khác. Đồng quan điểm trên, nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa còn chỉ ra thêm, việc Táo quân sử dụng từ miêu tả Bắc Đẩu "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"... là ngôn từ không chuẩn, xúc phạm đến cộng đồng LGBT.
Là một người đẹp chuyển giới và một nghệ sĩ hiếm hoi lên tiếng về Táo quân bị cho là miệt thị LGBT, ca sĩ Lâm Khánh Chi nhấn mạnh rằng, nếu Táo quân đã cạn ý tưởng, hết mảng miếng và sự sáng tạo thì đây cũng là lúc nên dừng lại.
"Cách đây 20, 30 năm thì người giới tính thứ ba còn lạ lẫm khiến nhiều người tò mò nhưng hiện nay thì lại là một cộng đồng rất đỗi bình thường. Mỗi con người sinh ra có một giới tính khác nhau nên không có gì phải tò mò và càng không đáng bị mang ra làm trò cười", Lâm Khánh Chi nói.
Theo T.Nam/ Gia đình và Xã hội

>> xem thêm

Bình luận(0)