>>>> Mời quý độc giả xem video Mr Cần Trô trong phim Ngày ấy mình đã yêu. Nguồn Youtube: |
|
Ở tuổi 28, Xuân Nghị lần đầu được khán giả chú ý với Đức “Cần trô”, vai diễn phụ chỉ vỏn vẹn 7 phân cảnh trong Ngày ấy mình đã yêu. Trước đó, anh vẫn chăm chỉ với từng vai diễn nhỏ ở sân khấu kịch Hồng Vân và các phim điện ảnh.
Nhắc đến Xuân Nghị, người ta nhớ nhiều đến mối quan hệ đặc biệt giữa anh và các nghệ sĩ gạo cội như Hồng Vân, Hữu Châu, Minh Nhí. Trải lòng về những người thầy đầu tiên, diễn viên Xuân Nghị bộc bạch: “Tôi khi ấy, một đứa trẻ tỉnh lẻ 'một thân một mình' vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ, lần đầu có cái để bấu víu vào, để tin vào tương lai”.
'Ngày nào các trung tâm thẩm mỹ cũng gọi điện mời sửa mắt, mũi'
- Đức Cần Trô được cho là cứu rating "Ngày ấy mình đã yêu", anh nghĩ sao?
- Buổi tối đó khi tôi chia sẻ đoạn video, lượt xem mới hơn 500.000. Đến sáng hôm sau bỗng nhiên rất nhiều người chia sẻ, bình luận tích cực. Là nghệ sĩ mà được yêu thích thì rất vui, nhưng để làm ra sản phẩm được nhiều người đón nhận, phải nói đến công sức của cả ê-kíp. Tôi nghĩ mình may mắn nhiều hơn vì vai diễn cũng chỉ là vai phụ với 7 phân đoạn chứ không nhiều như Nhã Phương, Bảo Thanh.
- Nhiều nghệ sĩ đồng lứa với anh đã rất nổi tiếng nhưng còn anh dù vào nghề đã gần chục năm mà vẫn chật vật, có khi nào anh rơi vào cảm giác chán nản?
- Tôi nghĩ mỗi người có một thời. Có thể may mắn đến với tôi hơi trễ, nhưng tôi thích đi chậm để thấm nhuần từng cột mốc trong nghiệp diễn. Thậm chí những lúc khó khăn đi làm tạp vụ, giữ xe, tôi vẫn nghĩ thời trẻ bươn chải như vậy là bình thường.
|
Xuân Nghị từng làm tạp vụ, ngủ gầm cầu thang trong những ngày đầu tiên theo đuổi nghệ thuật. |
- Sau khi gây sốt trên mạng xã hội với vai diễn Đức Cần Trô, cuộc sống của anh thay đổi thế nào?
- Nhiều nhất là lời mời quảng cáo. Mới đây, tôi được nhận lời đề nghị với mức thù lao mà trước giờ tôi chưa bao giờ nghĩ đến. Điều này cũng khá bất ngờ.
Sau clip chia sẻ sẽ không bao giờ phẫu thuật thẩm mỹ, hàng chục thẩm mỹ viện liên tục liên hệ với tôi. Ngày nào tôi cũng nhận các cuộc điện thoại hỏi: “Em có muốn sửa mặt, sửa mũi gì không?”. Thâm chí có chỗ nha khoa sẵn sàng tài trợ cho tôi gói thẩm mỹ răng trị giá 500 triệu đồng.
Nhưng vì là diễn viên hài nên tôi thích sự uyển chuyển vốn có của cơ mặt. Có người hỏi tôi định tắm trắng không, nhưng tôi nghĩ da ngăm tự nhiên có duyên hơn. Biết đâu khi trắng hơn lại hết cái duyên đó.
‘Thầy Hữu Châu chỉ mặt bảo tôi là truyền nhân’
- Qua những câu chuyện anh từng chia sẻ như được nghệ sĩ Hữu Châu cho tiền ăn, thuyết phục quay lại học khi anh bỏ về quê... Có vẻ như anh được các thầy cô tại sân khấu kịch Hồng Vân ưu ái hơn bạn cùng trang lứa?
- Những ngày đầu tiên học môn Tiếng nói Sân khấu, chúng tôi phải đọc nhiều bài viết để thử giọng theo yêu cầu của thầy Hữu Châu.
Khi tôi đọc xong bài của mình, thầy chỉ thẳng mặt tôi bảo: “Mày giống như thầy ngày xưa. Mày như là truyền nhân của thầy". Những lời nói đó là nguồn động lực rất lớn cho tôi khi ấy. Một đứa trẻ tỉnh lẻ một thân một mình vào Sài Gòn theo đuổi ước mơ lần đầu có cái để bấu víu vào, để tin vào tương lai.
Từ đó tôi nỗ lực hơn. Suốt thời gian dài, tôi đều phải đi học từ 8-9h đến 22h mỗi ngày, rồi ở lại tập bài. Sân khấu đóng cửa thì tôi ra công viên tập cho nhuần nhuyễn để hôm sau trả bài.
- Giữa anh và các thầy cô ở sân khấu kịch có bao giờ mâu thuẫn?
- Trong đêm diễn vở Giờ chết của đạo diễn Xuân Trang, tôi đóng tuyến hài, cô Hồng Vân đóng tuyết chính, là mẹ của kẻ giết người. Trong phân đoạn cuối, cô căng thẳng để chứng minh cho công an và những người hàng xóm là con mình vô tội. Tôi ngẫu hứng quăng một miếng hài, khán giả rất thích thú vỗ tay, nhưng vì vậy mà mọi người quên mất mạch kịch mà cô đang dẫn dắt.
Ngay trên sân khấu, cô dùng cây gậy đạo cụ đánh tôi liên tiếp. Chỉ là cây mút thôi nhưng tôi cũng khá đau. Cô khéo léo dùng tâm lý nhân vật để đánh tôi, nhưng tôi biết đó là đánh thật vì không có trong kịch bản.
Sau buổi diễn, cô vào sân khấu la tôi rất nhiều. Cô cho rằng như vậy là diễn hỗn, làm mất mặt cô. Lúc đó, tôi cho rằng mình đúng vì được khán giả ủng hộ. Tôi cảm giác vừa xấu hổ, vừa tủi thân. Thậm chí tôi giận lại cô.
Nhưng dần dần suy nghĩ lại, miếng hài của tôi là ngẫu hứng, nhưng ngẫu hứng đó được đặt không đúng chỗ. Đó là lần ăn đòn duy nhất từ khi theo học cô. Từ đó về sau tôi tập cách tiết chế để diễn "thuần" hơn.
- NSND Hồng Vân ảnh hưởng tới anh như thế nào trong cuộc sống lẫn lối diễn?
- Trái ngược lại với cách mọi người hay nghĩ, cô Hồng Vân rất hiền. Đối với tôi, cô giống như mẹ.
Ở sân khấu, mọi người cũng gọi cô là mẹ Âu Cơ. Từ chuyện trong nghề đến chuyện đối nhân xử thế, khi không biết nên làm gì, tôi đều hỏi cô. Cô dành nhiều thời gian lắng nghe và chia sẻ chân tình. Cả khi tôi cư xử không tốt, cô cũng la mắng thẳng.
Mong ước 'xa vời' trở thành đạo diễn
- Sân khấu kịch, điện ảnh và truyền hình, đâu sẽ là hướng đi chính của anh trong thời gian tới?
- Chắc chắn là tôi vẫn chọn sân khấu vì đó là “nhà” của mình. Không có sân khấu kịch sẽ không có Xuân Nghị ngày hôm nay.
Tôi diễn sân khấu vì đam mê, vì từ sân khấu tôi có thể khai thác được nhiều tính cách khác nhau. Nhưng nếu tôi dành toàn bộ thời gian và công sức của mình cho sân khấu thì không thể vì thu nhập từ đây khá thấp. Có thể tôi sẽ dung hòa giữa sân khấu, điện ảnh và truyền hình.
Trước mắt, tôi sẽ thu một bài hát bằng giọng Phú Yên ngọng nghịu của mình tặng khán giả yêu quý vai Đức Cần Trô.
- Một nghệ sĩ cần có vai diễn để đời, anh đã bắt đầu tìm kiếm chưa?
- Tôi cũng suy nghĩ nhiều lắm nhưng dù sao mình vẫn còn khá trẻ, cơ hội để chọn những vai diễn ấn tượng vẫn còn. Những vai diễn trước giờ, tôi chưa hài lòng. Tôi muốn nhận vai diễn có sức nặng và lan tỏa hơn nữa, không đơn thuần là chọc cười hay lấy nước mắt khán giả.
Xa hơn, tôi muốn trở thành đạo diễn để có thể làm ra những sản phẩm so sánh được với các nước khác. Tôi xem khá nhiều phim nước ngoài, nhất là của Thái Lan và Hàn Quốc và nhận thấy họ làm chất lượng, kịch bản chặt chẽ.
Tôi tự hỏi vì sao Việt Nam chưa làm được điều đó. Tôi mong nghệ sĩ Việt Nam có thể ngang tầm với nghệ sĩ nước ngoài.