>>> Mời quý độc giả xem video giới thiệu phim Người phán xử. Nguồn Youtube: |
|
Mới đây, cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố đối với bị can Nguyễn Mạnh Hùng (SN 1974, trú phường Thịnh Liệt, quận Đống Đa) để điều tra về tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Nam võ sư vào vai Huy Bá trong bộ phim "Người phán xử" bị cáo buộc về việc lừa hai người có nhu cầu xin việc vào Hải quan sân bay Nội Bài.
Liên quan đến vụ diễn viên "Người phán xử" bị khởi tố tội lừa đảo, trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Quốc Cường – Công ty Luật Tâm Quang chia sẻ, có cơ sở để khởi tố Nguyễn Mạnh Hùng tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Lời khai cho thấy Nguyễn Mạnh Hùng có thể đã chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối. Trong khi biết rõ bản thân không có khả năng nhưng vẫn hứa sẽ xin việc cho hai người vào bộ phận Hải quan sân bay Nội Bài. Nam diễn viên này tạo niềm tin với người bị hại thông qua bản cam kết và những lời hứa hẹn. Nếu đúng như vậy Nguyễn Mạnh Hùng đã cố ý thực hiện hành vi phạm tội".
|
Chân dung Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Công Lý |
Luật sư Nguyễn Quốc Cường cũng cho biết: “Theo khoản 2 điều 174 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, nếu có đủ bằng chứng pháp lý chứng minh hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Nguyễn Mạnh Hùng sẽ bị phạt tù từ 2 đến 7 năm. Tùy theo những tình tiết trong quá trình điều tra của cơ quan Công an cũng như các tình tiết giảm nhẹ”.
Trước đó, theo cơ quan điều tra Nguyễn Mạnh Hùng là thầy giáo võ thuật tự do. Khi gặp người thân của anh D, Hùng đã tự giới thiệu là võ sư dạy võ thuật trong ngành Công an và có khả năng “chạy việc” vào Hải quan sân bay Quốc tế Nội Bài với giá 300 triệu.
Tháng 8/2014, Hùng đã nhận 50 triệu đồng từ anh D và người nhà tại một quán cà phê trong nhà ga sân bay quốc tế Nội Bài với cam kết sau khoảng 2 -3 tháng sẽ có được quyết định tuyển dụng.
Cùng với những điều kiện như trên, vào cuối năm 2014 Hùng tiếp tục viết giấy cam kết với anh T (trú tại Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội) và yêu cầu chuyển trước 70 triệu đồng để có được vị trí làm việc tại Hải quan sân bay Quốc tế Nội Bài. Tuy nhiên sau đó võ sư này đã không thực hiện đúng lời hứa đã viết trong bản cam kết.
Sau nhiều lần liên lạc nhưng không nhận được lời giải thích nào từ Mạnh Hùng, anh T tiếp tục gọi điện nhiều lần để đòi tiền nhưng chỉ nhận được sự khất lần.
Đến tháng 2/2016 Hùng mới trả cho anh T được 18 triệu đồng.
Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Tái phạm nguy hiểm;
đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
c) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
c) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.