Chiều 14/3, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ vở diễn được coi là thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam giữa Công ty Cổ phần Tuần Châu Hà Nội và Công ty Cổ phần Đầu tư Tổng hợp Truyền thông DS do đạo diễn Nguyễn Việt Tú là giám đốc.
Vụ xử tranh chấp bản quyền có nhiều tình tiết phức tạp và kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ mới kết thúc phiên sơ thẩm.
|
Đạo diễn Việt Tú (ngoài cùng bên trái) hầu toà do liên quan đến vụ kiện tranh chấp quyền sở hữu vở diễn. (Ảnh: Trọng Phú) |
Sẵn sàng bàn giao quyền sở hữu vở diễn
Theo đơn khởi kiện, ngày 16/11/2015, Công ty Tuần Châu và Công ty DS đã ký hợp đồng với tổng giá trị hơn 7,3 tỷ đồng. Theo đó, Công ty DS nhận thực hiện tư vấn, thiết kế mỹ thuật, dàn dựng vở diễn thực cảnh "Ngày xưa" (tên khác là "Thuở ấy xứ Đoài").
Tuần Châu khẳng định đã đầu tư xây dựng kịch bản vở diễn, thanh toán cho đạo diễn Việt Tú hơn 7 tỷ đồng và chi gần 6 tỷ đồng cho việc biểu diễn năm 2017 nên có quyền sở hữu. Do vậy, việc đạo diễn Việt Tú tự ý đăng ký bảo hộ quyền tác giả và khai thác sản phẩm "Thuở ấy xứ Đoài"...là không đúng quy định.
Trong quá trình đưa ra biểu diễn thử nghiệm, do có một số ý kiến cho rằng vở diễn còn nhiều thiếu sót, chưa đạt được kỳ vọng nên Công ty Tuần Châu buộc phải thuê đơn vị khác xây dựng chương trình thay thế là vở diễn thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ”.
Trong phiên tòa chiều 14/3, Tuần Châu yêu cầu DS trả lại tác quyền vở diễn và bồi thường hơn 6 tỷ đồng chi phí mà Tuần Châu đã chi để dàn dựng vở diễn thay thế cũng như thuê luật sư giải quyết tranh chấp liên quan đến vở diễn "Ngày xưa".
|
Đạo diễn Việt Tú tại phiên tòa ngày 14/3. |
Về phần mình, đạo diễn Việt Tú khẳng định, "Ngày xưa" là sản phẩm trí tuệ của mình khi anh đã có ý tưởng về vở diễn từ 2009. Việc đăng ký bản quyền là điều bất đắc dĩ khi anh đã hối thúc và hướng dẫn chi tiết Công ty Tuần Châu đăng ký nhưng không nhận được phản hồi. Nếu trong khoảng thời gian đó, có một bên thứ 3 đứng ra đăng ký trước quyền tác giả với một kịch bản tương tự thì Việt Tú có thể bị nghi là “đạo, nhái" và phải bồi thường hợp đồng.
Tại phiên tòa, Việt Tú khẳng định: "Tôi không đến đây để tranh quyền sở hữu với chủ đầu tư. Tôi sẵn sàng chuyển giao lại quyền sở hữu kịch bản vở diễn cho Tuần Châu với điều kiện công ty này phải hoàn thành mọi nghĩa vụ đối với DS. Trong đó phải thanh toán số tiền 7,2 tỉ đồng bao gồm tiền lãi chậm trả, 10% doanh thu bán vé cho các buổi biểu diễn trong suốt năm 2018, chi phí và thiệt hại phát sinh cho DS do các hành vi vi phạm hợp đồng".
Hội nghệ sĩ Sân khấu cho rằng "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh
Theo luật sư của đạo diễn Việt Tú, vào tháng 6/2017, khi hợp đồng giữa hai bên vẫn còn nguyên giá trị, Công ty Tuần Châu đã thuê đơn vị Sen Vàng sáng tác vở diễn mang tên "Tinh hoa Bắc Bộ". Vở diễn này sao chép nội dung cốt lõi, hạ tầng được xây dựng của vở “Ngày xưa”. Việc này đã vi phạm về quy định độc quyền theo hợp đồng, xâm phạm quyền tác giả, sao chép khi chưa có sự đồng ý của tác giả.
Tại phiên tòa, HĐXX cũng đã đưa ra bản đánh giá từ Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (Hội NSSK) để phục vụ việc xét xử vụ án. Chủ tọa phiên tòa cho biết, ngày 3/1/2018, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã thành lập hội đồng thẩm định để xem xét 2 vở thực cảnh “Ngày xưa” và “Tinh hoa Bắc Bộ” dựa trên kịch bản, video quay, bản vẽ, thiết kế 3D, ý tưởng nghiên cứu ban đầu về xây dựng cơ sở hạ tầng…của cả 2 vở.
Trên cơ sở đó, hội đồng thẩm định đưa ra kết luận vở “Tinh hoa Bắc Bộ” có nhiều điểm giống nhau về cơ bản với vở “Ngày xưa”. Trong trường hợp một vở ra đời sau mà có sự giống nhau như vậy thì ở góc độ sân khấu, vở đó không thể coi là sáng tạo nghệ thuật độc lập mà chỉ được coi là vở diễn phái sinh.
Cùng với đó, cũng có 5 bài báo trả lời phỏng vấn của 5 nghệ sĩ tên tuổi của Việt Nam gồm biên đạo múa Trần Ly Ly, đạo diễn Tấn Lộc, đạo diễn Nguyễn Việt Thanh, đạo diễn Hoàng Công Cường và đạo diễn Phạm Hoàng Nam cũng đồng quan điểm với kết luận của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam về vấn đề này.
Với đạo diễn Việt Tú, việc Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam nhận định "Tinh hoa Bắc Bộ" là tác phẩm phái sinh từ vở "Ngày xưa" là kết quả quan trọng nhất mà anh đạt được từ buổi xét xử sơ thẩm chứ không phải vì là đòi tiền bồi thường hay tranh quyền sở hữu. Cái anh cần là sự công nhận của các bên liên quan rằng anh là người đã sáng tạo ra tác phẩm "Ngày xưa" và đạo diễn vở "Tinh hoa Bắc Bộ" đã kế thừa nó.
"Tòa có xử thế nào thì tôi cũng thắng rồi. Chiến thắng lớn nhất đó là kết luận từ hội nghề nghiệp. Đây là chiến thắng không chỉ cho riêng tôi mà cho tất cả nghệ sĩ bởi không ai có thể ăn cắp trắng trợn thành quả lao động của người khác rồi ghi tên mình là tác giả được. Giấc mơ của tôi và các nghệ sĩ Việt Nam là được sáng tạo trong một môi trường nghệ thuật văn minh, được chủ đầu tư tôn trọng sáng tạo nghệ thuật của mình, chống lại toàn bộ sự đạo, nhái và các tác phẩm phái sinh".
Theo đó, đạo diễn Việt Tú cho rằng vụ việc của anh sẽ là một án lệ về văn hóa cần thiết để bảo vệ quyền hợp pháp của tác giả, cũng như tạo ra một môi trường văn minh, lành mạnh cho các tác giả được sáng tác sau này.
Vụ kiện giữa Công ty Tuần Châu và Công ty DS, Hội đồng xét xử sẽ tuyên án vào sáng 20/3 tới./.