Đó đơn giản là thái độ luôn có trong nam ca sĩ nhưng lại chưa có cơ hội để gửi tới khán giả.
Rạng sáng 7/10, Sơn Tùng M-TP phát hành E.P Sky Decade gồm 4 sản phẩm gửi đến khán giả để kỷ niệm 10 năm theo đuổi nghệ thuật. Trong số đó, video intro dài 1 phút 24 giây khiến nam ca sĩ đối mặt nhiều bình luận tiêu cực chỉ sau ít ngày ra mắt.
"Bao lâu, bao lâu, bao nhiêu lâu rồi. Tên anh nằm trên đỉnh cao bao lâu rồi? Tham, sân si bao lâu rồi. Đứng từ xa nhìn ngắm thành công của anh bao nhiêu lâu rồi? Đâm sau lưng anh. Đúng là lũ trẻ ranh. Chẳng có gì hết. Chỉ thế là nhanh. Bước hết vào đây, tấp hết vào đây, làm sao cưng ngăn được ý trời (ám chỉ fandom SKY của nam ca sĩ) đây. Nuốt trôi sao được. Khi cưng nghe tên anh. Nuốt trôi sao được. Khi cưng nghe ai hô vang tên anh, tên anh Sơn Tùng M-TP".
Sau khi nhận nhiều phản ứng từ khán giả, Sơn Tùng M-TP lên tiếng về lời bài hát gây bàn tán. Ca sĩ Thái Bình khẳng định lời bài hát trong video intro chỉ là tuyên ngôn nghệ sĩ, nói lên cái tôi của bản thân.
"Không ai hiểu bạn bằng chính bạn. Không ai có thể sống hộ cuộc đời bạn. Thế nên hãy luôn biết cách chọn người để lắng nghe. Khi bạn lắng nghe đúng người, đúng tần số, đúng nguồn năng lượng tích cực, bạn sẽ dũng cảm và mạnh mẽ hơn gấp trăm nghìn lần", nam ca sĩ chia sẻ.
Dù đã lên tiếng giải thích, mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng Sơn Tùng M-TP đang có tính toán ngày trở lại. Để giải đáp vấn đề này, Tiền Phong có cuộc trò chuyện với chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh.
|
Sơn Tùng cập nhật hình ảnh mới trên trang cá nhân sau vụ ồn ào với anti-fan. Ảnh: @sontungmtp.
|
- Nhiều năm liền gần như bỏ ngoài tai lời chê bai của truyền thông, khán giả, bình luận miệt thị của anti-fan, Sơn Tùng M-TP gần đây lại có màn thách thức, đáp trả, đây có phải là tính toán mới của Sơn Tùng?
- Thực ra trong suốt quá trình hoạt động nghệ thuật, một số sản phẩm của Sơn Tùng cũng có “cài cắm” nội dung gửi đến antifan hay hater. Đây là một phần trong văn hóa hip hop, bắt nguồn từ underground. Ngày nay, các nghệ sĩ hip hop mainstream vẫn sử dụng lời bài hát để nói lên thái độ của mình với đối tượng khán giả không thích họ.
Ca từ trong video intro nằm trong tính toán của Sơn Tùng, chỉ có điều thái độ được đẩy lên cao hơn và rõ ràng hơn các sản phẩm trước. Bản thân Sơn Tùng luôn có thái độ đó trong người, nhưng các sản phẩm pop rất khó để đưa lyric, thái độ đó vào, nên Tùng lựa chọn đưa vào các sản phẩm không quá quan trọng.
- Thách thức khán giả không phải là điều mới mẻ trong showbiz, nhưng lần này Sơn Tùng lại gây chú ý vì cách làm quá khác với hình ảnh trước đây của nam ca sĩ. Tính này liệu có hại cho Sơn Tùng hay không?
- Những nội dung này không là toan tính quá lớn về mặt hình ảnh hay thương hiệu. Đó đơn giản là thái độ luôn có trong Sơn Tùng, nhưng cậu ấy chưa có cơ hội để gửi tới khán giả.
Trong bốn video mà Tùng phát hành để giới thiệu cho chuỗi dự án 10 năm ca hát, có hai ca khúc quen thuộc được làm mới, một video gửi đến fan và một video gửi tới anti-fan. Kỷ niệm 10 năm ca hát là thời điểm thích hợp để Tùng nói toàn bộ những điều nam ca sĩ muốn nói.
|
Nam ca sĩ gốc Thái Bình luôn tạo ra sự chú ý mỗi khi trở lại đường đua âm nhạc. Ảnh: sontungmtp.
|
- Thời gian qua, Sơn Tùng liên tục đối mặt với nhiều chuyện, từ chuyện MV bị phạt, drama với Hải Tú - Thiều Bảo Trâm... Và giữa lúc Kay Trần rời công ty, Sơn Tùng bị khán giả chỉ trích, nam ca sĩ lại đăng video intro nhắc đến anti-fan. Đây có phải là đòn bẩy truyền thông điển hình của showbiz Việt?
- Có thể nói Sơn Tùng luôn nhạy cảm với thị trường âm nhạc và tin tức. Cậu ấy luôn có câu trả lời rất nhanh khi có thông tin hướng về mình. Có thể gọi đây là cách “lướt sóng” dư luận.
Nhìn theo hướng tiêu cực, nghệ sĩ dính càng nhiều tranh cãi, lùm xùm càng ảnh hưởng tới tên tuổi. Nhưng nhìn một cách tích cực, đó lại là cơ hội để nghệ sĩ luôn có “content” trên mạng xã hội. Nhưng “chơi content” cũng là con dao hai lưỡi mà nhiều nghệ sĩ bị ảnh hưởng nặng nề khi dùng cách thức này.
Trong trường hợp của Tùng, không ai dám đưa ra kết luận vì dù sao nam ca sĩ vẫn là ngôi sao được chú ý trên thị trường và có cộng đồng fan lớn mạnh. Điều đó tạo ra những ngoại lệ.
- Thách thức dư luận, đáp trả anti-fan là cách làm quen thuộc ở showbiz quốc tế, nhưng khi làm điều này ở Việt Nam lại dễ xảy ra làn sóng tranh cãi. Anh đánh giá thế nào về tâm lý khán giả Việt trong những năm qua, sự quan tâm của khán giả với phát ngôn của nghệ sĩ?
- Khán giả Việt ngày càng tinh ý, và trên hết, họ không muốn bị nhìn nhận như cộng đồng bị người có ảnh hưởng điều hướng. Vì vậy, trước mỗi phát ngôn của nghệ sĩ, khán giả luôn có nhu cầu bóc tách nội dung trong đó, phân tích dựa trên thông tin các case (trường hợp) trước đó mà họ biết.
Chính vì muốn thể hiện sự hiểu biết và có lập trường, khán giả có xu hướng tạo ra các cộng đồng tẩy chay nghệ sĩ hay tẩy chay sản phẩm. Nếu trước đây họ tẩy chay một cách đơn lẻ, thì hiện tại, rất nhiều các nhóm cộng đồng được lập ra để tẩy chay một nghệ sĩ nào đó.
Vì vậy, việc “chơi content” trên mạng xã hội ngày càng rủi ro và khó đoán. Nghệ sĩ giải trí chịu áp lực phải có “content” để khán giả chú ý, nhưng lại không được đụng chạm quá sâu đến các chủ đề nhạy cảm. Họ đi trên dây và ngày càng bị đòi hỏi khả năng “giữ thăng bằng”.
- Cảm ơn chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh với những chia sẻ trên.