Bộ VH-TT&DL đang lấy ý kiến cho dự thảo Bộ quy tắc (BQT) ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật.
Các nghệ sĩ lẫn chuyên gia pháp luật đồng tình rằng tuy đã có các quy định pháp luật về hoạt động biểu diễn lẫn từ thiện của nghệ sĩ nhưng vẫn cần BQT này để nghệ sĩ tự nhìn lại hành vi của bản thân và có những điều chỉnh phù hợp.
Nghệ sĩ nói về bộ quy tắc ứng xử
NSƯT Phú Quý đồng tình với việc ban hành BQT trong thời điểm này. Theo ông, BQT ứng xử như một quyển sách mà nghệ sĩ nên tìm đọc và nhớ rõ để có ứng xử phù hợp với định hướng của cơ quan nhà nước và xã hội.
“Ngoài việc phải sống và làm việc theo pháp luật như mọi người dân khác thì nghệ sĩ còn là người của công chúng nên cần có những cư xử chuẩn mực. Sự ra đời BQT này có thể giúp nghệ sĩ cẩn trọng hơn trong phát ngôn, hành xử… Dĩ nhiên, đạo đức và cách hành xử của mỗi người còn phải trải qua quá trình trau dồi lâu dài” - NSƯT Phú Quý bày tỏ.
|
NSƯT Phú Quý và nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh: TƯ LIỆU |
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho rằng BQT ứng xử cho nghệ sĩ là hợp lý. “Đáng lẽ BQT này phải ra đời sớm hơn. Đó là khung để nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật, cư xử với khán giả, cư xử với đồng nghiệp…, để nghệ sĩ có thái độ, hành vi, ngôn ngữ tốt trên mạng xã hội và trước truyền thông” - nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói.
Nam nhạc sĩ cũng ủng hộ việc chế tài hay cấm sóng nếu nghệ sĩ vi phạm nghiêm trọng. Bởi nghệ sĩ là người lan tỏa những giá trị cao đẹp thì bản thân nghệ sĩ cũng phải có lối sống đẹp, làm gương cho khán giả. Nhất là những ca sĩ thần tượng, có những khán giả nhỏ tuổi có xu hướng bắt chước hành động của nghệ sĩ. Nếu ca sĩ thần tượng đó có hành vi đúng, ngôn ngữ đúng, cư xử đúng thì sẽ định hướng cho các lớp thanh thiếu niên.
Nam nhạc sĩ cũng cho rằng BQT ứng xử có chế tài thì cũng nên có khen thưởng. Những nghệ sĩ tuân thủ quy tắc giữ hình ảnh, nói năng, ngôn ngữ chuẩn mực cần phải được bảo vệ.
Nhân cái đẹp, dẹp cái xấu
Trong dự thảo BQT ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, Bộ VH-TT&DL nhấn mạnh việc ban hành nhằm khuyến khích, phát huy, lan tỏa các giá trị tốt đẹp theo tinh thần “nhân cái đẹp, dẹp cái xấu”, lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực.
Bộ VH-TT&DL hy vọng sự ra đời của BQT này sẽ góp phần khẳng định vai trò, trách nhiệm của người hoạt động nghệ thuật trong xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Chuẩn mực ứng xử chưa đi vào đặc thù nghề nghiệp
TS Đoàn Thị Phương Diệp (giảng viên, Trưởng Phòng pháp chế Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định nội dung BQT ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật cho thấy người soạn thảo đang muốn ban hành các chuẩn mực về đạo đức cho những người hoạt động nghề nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo TS Phương Diệp, việc ban hành các chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp cho các nghề đặc thù là cần thiết. Việt Nam cũng đã có những chuẩn mực ứng xử nghề nghiệp tương tự, ví dụ như quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam hay BQT đạo đức và ứng xử của thẩm phán…
“Các hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khá đặc thù vì những người hoạt động nghề nghiệp này có tầm ảnh hưởng nhất định tới các chuẩn mực giá trị của xã hội, đặc biệt là ảnh hưởng tới giới trẻ. Vì vậy, việc ban hành các quy tắc ứng xử cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật là điều cần phải có” - TS Đoàn Thị Phương Diệp phân tích.
Trước ý kiến cho rằng các quy tắc trong dự thảo “siết chặt tự do” của nghệ sĩ, TS Phương Diệp cũng chỉ rõ sự tự do chỉ có thể là một sự tự do có khuôn khổ nhất định chứ không phải là sự tự do vô tổ chức.
Các quy tắc ứng xử trong dự thảo đang đặt ra những yêu cầu mà một người bình thường cần phải hành xử chứ không riêng gì nghệ sĩ. Ví dụ yêu cầu về sự trung thực trong hoạt động nghề nghiệp (quảng cáo trung thực, ngôn từ và hành xử trung thực…), đây là những yêu cầu hết sức bình thường.
Về mặt chưa được của dự thảo, TS Phương Diệp nhận định các quy định về chuẩn mực ứng xử chưa đi vào đặc thù nghề nghiệp của người hoạt động nghệ thuật nên có thể khó mang lại sự thay đổi nào đáng kể so với trước khi có BQT này.
Thức tỉnh công chúng
Đồng quan điểm trên, ThS Bạch Thị Nhã Nam (giảng viên Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng cho rằng BQT nên tập trung hướng dẫn chi tiết những chuẩn mực hành vi cần phải có đối với người hoạt động trong từng lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ như quy tắc phát ngôn trước công chúng, quy tắc đạo đức nghề nghiệp của người hoạt động nghệ thuật…
Theo ThS Nhã Nam, BQT ứng xử đặt ra với mục tiêu chính là định hướng hành vi cho nghệ sĩ, giúp người hoạt động nghệ thuật tự nhìn lại hành vi của bản thân và có những điều chỉnh phù hợp theo quy tắc. Do đó, BQT này không đặt ra chế tài, điều này không có nghĩa là khi một cá nhân nghệ sĩ vi phạm thì sẽ không bị xử lý. Thực tế, khi một nghệ sĩ vi phạm các chuẩn mực được BQT nêu ra thì vẫn bị xử lý theo các quy định pháp luật hiện hành.
Các quy tắc ứng xử sẽ được thực thi thông qua chính ý thức của nghệ sĩ. Bởi BQT ứng xử vạch ra cái gì nên làm, cái gì không nên làm, tức là nó tác động nhận thức của nghệ sĩ.
Mặt khác, các hội nghệ sĩ, hiệp hội hành nghề nghệ thuật nên có những hoạt động quản lý, động viên nghệ sĩ trong hoạt động nghệ thuật lẫn tuân thủ quy tắc ứng xử. Cuối cùng là chế tài nghiêm của pháp luật và công chúng khi người làm nghệ thuật có những hành xử không đúng mực.
ThS Nhã Nam đánh giá BQT ứng xử không chỉ hỗ trợ người làm hoạt động nghệ thuật có hành động tốt đẹp hơn, mang nhiều ý nghĩa hơn cho xã hội mà còn là cơ sở để thức tỉnh công chúng.
“Qua quy tắc, công chúng sẽ tự đánh giá hành vi của chính những nghệ sĩ họ hâm mộ. Nếu nghệ sĩ có hành vi lệch chuẩn, công chúng có thể nhận thấy và phê phán” - ThS Nhã Nam bày tỏ.
Sự yêu mến của khán giả là phần thưởng lớn nhất
Mọi ngành nghề, đặc biệt là các nghề có sức ảnh hưởng lớn đến cộng đồng, xã hội thì phải có quy tắc ứng xử riêng là điều tự nhiên.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã ban hành các quy chuẩn của người hoạt động trong các lĩnh vực nghệ thuật riêng biệt như sân khấu, âm nhạc, phim ảnh từ rất sớm. Như vậy, ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại, chúng ta mới bắt đầu nghĩ đến quy tắc ứng xử của người hoạt động nghệ thuật là có phần trễ hơn những quốc gia khác.
Việc ban hành quy tắc ứng xử không phải là “trói buộc” nghệ sĩ hay phân biệt giữa nghệ sĩ với các công dân khác. Cần phải nhìn nhận rằng cơ quan nhà nước đang đánh giá cao vai trò của nghệ sĩ trong xây dựng đời sống tinh thần lẫn vật chất cho xã hội.
Dĩ nhiên, giữ một vai trò lớn cũng đồng nghĩa với nghệ sĩ có trách nhiệm giữ gìn hình ảnh của mình và ứng xử phù hợp trước công chúng.
Ở góc độ khác, khi nghệ sĩ xây dựng được hình ảnh đẹp trong mắt công chúng thì sẽ càng nhận được sự yêu mến hơn của khán giả, đây chính là phần thưởng lớn nhất.
ThS BẠCH THỊ NHÃ NAM, giảng viên
Khoa luật Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM