NSND Bạch Tuyết
NSND Bạch Tuyết sinh năm 1945 tại An Giang. Mẹ sớm qua đời từ thuở bé, bà nhanh chóng phải tự lập, tự đương đầu với những khó khăn trong cuộc sống.
Dù bị gia đình ngăn cấm nhưng từ nhỏ Bạch Tuyết đã tới biểu diễn tại các nhà hàng bằng những bài tân nhạc nổi tiếng thời bấy giờ như: Nắng đẹp miền Nam, Làng tôi, Tiếng còi trong sương đêm... Một lần, khi tới nhà một người bạn chơi, NSND Bạch Tuyết lọt vào mắt xanh soạn giả Điêu Huyền và được ông giới thiệu trên báo chí, đài phát thanh.
Nghệ sĩ nhân dân Bạch Tuyết. (Ảnh: FBNV)
Tại chương trình Phụ nữ quyền năng, nữ nghệ sĩ bày tỏ: "Tôi biết ơn khi sớm tìm thấy cơ hội và thành danh ở tuổi đôi mươi. Có lẽ trời đất thương những người có tuổi thơ không may mắn. Tôi mất mẹ khi chỉ mới 8 tuổi thôi. Sau đó, tôi được đưa vào học ở trường nội trú".
Trong thập niên 70, NSND Bạch Tuyết và danh ca Hùng Cường được mệnh danh là "cặp đôi sóng thần", nổi danh khắp chốn, giúp "bán cháy" vé mọi đêm diễn. Trước đó, bà từng đạt giải thưởng Thanh Tâm năm 1965, nổi tiếng với các vở kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga, Đời cô Lựu, Tuyệt tình ca, Lục Vân Tiên...
Nhờ những cống hiến của mình, Bạch Tuyết được phong danh hiệu NSƯT năm 1988 và danh hiệu NSND năm 2012. Năm 1995, bà bảo vệ luận án Tiến sĩ với đề tài Sự thích nghi của nghệ thuật sân khấu dân tộc cổ truyền của các quốc gia Đông Nam Á và trở thành Tiến sĩ nghệ thuật cải lương đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 1/2024, bà lọt vào danh sách 50 over 50: Asia 2024 của tạp chí Forbes vinh danh 50 người phụ nữ châu Á trên 50 tuổi có tầm ảnh hưởng, đóng góp trong nhiều lĩnh vực như y học, kinh tế, chính trị...
NSƯT Tân Nhàn
NSƯT Tân Nhàn sinh năm 1982 tại huyện Kim Bảng, Hà Nam. Mẹ cô làm công nhân nhưng rất yêu âm nhạc, mê đắm tiếng hát của nghệ sĩ Tân Nhân nên đã đặt tên Tân Nhàn cho con gái.
Nhờ có chị họ là nữ ca sĩ Lan Anh - một giọng hát thính phòng cổ điển xuất sắc tại Việt Nam, Tân Nhàn từ sớm đã được dẫn dắt để theo đuổi đam mê ca hát. Năm 2000, cô lên Hà Nội với sự chỉ dẫn của Lan Anh để thi vào Học viện Âm nhạc Quốc gia, theo đuổi dòng nhạc dân ca.
Nghệ sĩ Ưu tú Tân Nhàn. (Ảnh: FBNV)
Năm 2005, Tân Nhàn đoạt giải Nhất dòng nhạc Dân gian và Giải khán giả truyền hình bình chọn tại cuộc thi Sao Mai. Cô thể hiện vô cùng thành công bài hát Trăng khuyết tại cuộc thi, được nhiều khán giả mến mộ, yêu thích.
Gần 20 năm gắn bó với nghiệp ca hát, NSƯT Tân Nhàn thực hiện nhiều album nhạc riêng và được khán giả đón nhận như: Trăng khuyết, Mưa xuân, Đường tàu mùa xuân, Yếm đào xuống phố, Níu dải lụa đào...
Cô cũng tốt nghiệp chuyên ngành Nhạc thính phòng cổ điển hệ Sau đại học, là giảng viên tại Học viện Âm nhạc Quốc gia. Năm 2019, nữ ca sĩ bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Trong vai trò là giảng viên, Tân Nhàn đã góp sức đào tạo ra những học trò xuất sắc của dòng nhạc Dân gian như: Lại Thị Hương Ly (Giải ba Sao Mai 2017), Nguyễn Thanh Quý (Giải ba Sao Mai 2019), Lan Quỳnh (Giải nhất Sao Mai 2022)…
Chia sẻ với Dân Việt, NSƯT Tân Nhàn từng thổ lộ: "Làm nhà giáo với tôi quan trọng. Nhiều người nói với tôi là nghệ sĩ nổi tiếng thì đi hát kiếm tiền đi, dạy học làm gì cho vất vả, tiền lương được bao nhiêu đâu. Tuy nhiên, tôi muốn được cống hiến cho nghề đào tạo, bởi muốn được định hướng cho sinh viên trên con đường nghệ thuật. Chính vì vậy, tôi luôn phấn đấu nỗ lực để nghiên cứu, học tập, có thể toại nguyện giấc mơ của mình".
NSƯT Phương Nga
NSƯT Phương Nga sinh năm 1978 tại Hà Nội. Từ nhỏ, cô đã sớm bộc lộ năng khiếu và đam mê âm nhạc, sớm xác định mục tiêu theo đuổi nghệ thuật chuyên nghiệp.
Năm 14 tuổi, NSƯT Phương Nga đã theo học âm nhạc tại trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, dưới sự giảng dạy của NSƯT Phan Thu Lan. Năm 2001, Phương Nga thi đỗ bậc Đại học của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và lần lượt được hai nhà giáo hàng đầu về thanh nhạc cổ điển là NSND Lê Dung, NSND Trung Kiên giảng dạy. Trong một cuộc trò chuyện, cô từng bày tỏ niềm biết ơn với những người thầy tài năng, giúp cô phát triển bản thân, rèn luyện kỹ thuật thanh nhạc cổ điển vững chắc.
Nghệ sĩ Ưu tú Phương Nga. (Ảnh: FBNV)
Năm 2001, Liên hoan Tiếng hát truyền hình toàn quốc đổi tên thành Sao Mai. Phương Nga ghi danh và trở thành thí sinh đầu tiên giành giải Nhất của chương trình. Cô được đánh giá thuộc thế hệ vàng của âm nhạc hàn lâm Việt Nam cùng với những giọng ca như Trọng Tấn, Anh Thơ, Lan Anh…
Năm 2002, Phương Nga tham gia Liên hoan Âm nhạc mùa xuân tại Bình Nhưỡng và giành giải Bạc. Về nước, Phương Nga tiếp tục học và tốt nghiệp Nhạc viện. Nhờ thành tích học tập xuất sắc, nữ ca sĩ được giữ lại làm giảng viên tại Nhạc viện. Năm 2017, cô bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ.
Hiện tại, Phương Nga có cuộc sống bình yên, kín tiếng bên người chồng cũng là đồng nghiệp - ca sĩ Đào Nguyên Vũ.