Tàu ngầm hạt nhân đầu tiên chìm
Ngày 10/4/1963, tàu ngầm hạt nhân USS Thresher của Mỹ chìm xuống biển Bắc Đại Tây Dương trong quá trình thử nghiệm lặn sâu ở cách bờ biển phía Đông Boston khoảng 350 km khiến 129 người thiệt mạng. Sự kiện này đã làm chấn động nước Mỹ. Đây là trường hợp chìm tàu ngầm khiến nhiều người thiệt mạng nhất từ trước đến nay.
Theo History Today, chiều ngày 9/4/1963, USS Thresher xuất phát từ quân cảng Portsmouth cùng tàu USS Skylark, một tàu cứu hộ tàu ngầm, để thực hiện nhiều chuyến lặn sâu thử nghiệm..
|
Tàu ngầm USS Thresher của Mỹ. |
Vào lúc 7h47' ngày 10/4/1963, tàu USS Thresher thực hiện chuyến lặn sâu thử nghiệm đầu tiên ở tọa độ 200km thuộc vùng biển phía đông mũi Cape Cod, bang Massachusetts, dưới sự giám sát của tàu USS Skylark.
Thế nhưng, chỉ 20 phút sau, tàu USS Skylark bỗng mất tín hiệu liên lạc với tàu USS Thresher sau khi từ dưới biển sâu phát ra những âm thanh kỳ lạ giống như sự pha trộn tiếng nước biển bị khuấy động cùng tiếng hú của không khí khi bị hút và tiếng nổ mạnh. Tàu ngầm USS Thresher đã bị nạn và bị vỡ thành nhiều mảnh nằm rải rác trên một diện tích hơn 100.000 m2 ở độ sâu 2500m dưới đáy biển.
Kết luận điều tra về vụ tai nạn của tàu USS Thresher cho biết, do thực hiện chuyến lặn thử nghiệm ở tốc độ cao nên nhiều chiếc tán của lớp kim loại giảm áp bên trái tàu ngầm bị bung ra làm nước tràn vào buồng máy. Người trong tàu đã cố gắng bơm nước ra cho tàu nổi lên nhưng áp lực nước quá mạnh đã xé toạc tàu ngầm khiến nó bị chìm nhanh rồi vỡ thành nhiều mảnh khi chạm đáy biển.
Mặc dù vậy, vẫn nhiều người nghi ngờ về kết luận này và một cuộc điều tra độc lập về vụ tàu ngầm mất tích được các chuyên viên cao cấp của Hải quân Mỹ thực hiện năm 1983. Họ kết luận rằng một cuộc thử nghiệm vũ khí bắn chùm tia điện từ (EMI) phát ra từ một tàu chiến hay một tàu ngầm khác, có thể là của nước khác hoặc của chính tàu chiến hoặc tàu ngầm Mỹ đã khiến hệ thống điều khiển điện tử và thông tin liên lạc của chiếc USS Thresher rối loạn và bị phá hủy.
Vì mất phương hướng, tàu USS Thresher quay tròn theo chiều thẳng đứng rồi đâm xuống đáy biển vỡ thành nhiều phần. Điều này cũng phù hợp với báo cáo của tàu ngầm USS Skylark là ngay sau khi mất tín hiệu liên lạc với chiếc USS Thresher, tàu USS Skylark cũng bị gián đoạn thông tin liên lạc với sở chỉ huy trong vòng vài phút.
Mặc dù vậy, những kết luận này vẫn không làm thỏa mãn rất nhiều nghi vấn khác được đặt ra khiến vụ chìm tàu ngầm Thresher vẫn còn là một điều bí ẩn.
Liên Xô mất tàu ngầm K-129
Tháng 3/1968, tàu ngầm K-129 của Liên Xô bị chìm ngoài khơi Thái Bình Dương một cách bất ngờ. The en.wikipedia, giữa tháng 3/1968, cơ quan hải quân Liên Xô ở Kamchatka rất lo lắng vì tàu ngầm K-129 đã bỏ lỡ hai lần liên lạc qua radio. Sang tuần thứ 3 của tháng 3, Hải quân Liên Xô tuyên bố K-129 mất tích và tổ chức tìm kiếm với các phương tiện trên không, bề mặt và dưới nước. Tuy nhiên những nỗ lực tìm kiếm không đạt kết quả nào và Liên Xô sau đó tuyên bố tàu ngầm K-129 đã bị mất.
|
Tàu ngầm K-129 của Liên Xô. |
Tuy nhiên đến tháng 8/1968, tàu sân bay USS Halibut của Mỹ đã xác định được vị trí của xác tàu ngầm K-129 ở phía tây bắc đảo Oahu dưới độ sâu khoảng 4900m. Tình báo Mỹ đã giữ kín điều này và lập kế hoạch trục vớt con tàu này để nghiên cứu các bí mật vũ khí của Liên Xô. Tuy vậy sau đó sự việc bị rò rỉ ra giới truyền thông và cũng do khó thực hiện nên kế hoạch bị đình lại.
Trở lại thời điểm tàu ngầm mất tích, sau khi không tìm được, Liên Xô đưa ra lời giải thích cho sự cố này rằng trong khi tàu đang hoạt động ở chế độ thông hơi, nó bị trượt xuống dưới độ sâu cho phép. Một sự kiện như vậy kết hợp với sự thất bại cơ khí hoặc phản ứng không đúng cách của thủy thủ đoàn có thể khiến tàu bị ngập nước và chìm.
Tuy vậy lời giải thích này không được nhiều người chấp nhận. Thay vào đó, truyền thông và các chuyên gia đã đưa ra thêm 4 thuyết nữa là: Một vụ nổ hydro trong ắc quy khi sạc; một vụ va chạm với tàu ngầm Mỹ; do tên lửa rò rỉ gây ra vụ nổ làm chìm tàu; do thủy thủ vô tình hay hữu ý vi phạm các quy tắc về hoạt động bình thường của tàu ngầm.
|
Một tàu ngầm của Nga. Ảnh minh họa. |
Báo Sputniknews cũng nói rằng tàu ngầm USS Swordfish của Mỹ bị tình nghi là thủ phạm khiến K-129 bị chìm bởi vì sau đó người ta phát hiện ra con tàu này phải đến Nhật sửa chữa các thiệt hại ở kính tiềm vọng và cánh lái. Rất có thể nó đã va chạm với tàu K-129 của Liên Xô. Tuy nhiên năm 1993, Đại sứ Mỹ ở Moscow tuyên bố rằng tình báo Hải quân Mỹ đã tìm kiếm bản ghi của tất cả các tàu ngầm Mỹ hoạt động trong năm 1968 và kết quả là không có tàu Mỹ nào trong phạm vi 300 hải lý gần tàu K-129 khi nó chìm.
Vụ mất tích tàu ngầm của Pháp
Theo en.wikipedia, lúc 7h55 ngày 27/1/1968, tàu ngầm Minerve của Pháp di chuyển ngay dưới mặt biển bằng cách sử dụng ống thở ở cách căn cứ Toulon 25 hải lý (46 km). Con tàu đã đột ngột bị mất liên lạc và mất tích trong vùng biển có độ sâu trung bình từ 1000 đến 2000m.
Hải quân Pháp đã huy động nhiều tàu, bao gồm cả tàu sân bay Clemenceau và tàu lặn SP-350 để tìm kiếm nhưng không thấy gì và hoạt động tìm kiếm đã bị dừng lại vào ngày 2/2. Đến năm 1969 hoạt động tìm kiếm tiếp tục với tàu lặn Archimede và tàu khảo sát Mizar của Mỹ nhưng cũng không thấy dấu vết nào của tàu ngầm Minerve. Cho đến tận ngày nay người ta vẫn chưa có manh mối nào về tàu ngầm này nên đương nhiên cũng chẳng thể có lời giải thích nào cho nguyên nhân mất tích của nó.
Vì sao tàu ngầm dễ mất tích?
Trên quả địa cầu này, nếu có nơi nào con người còn ít hiểu biết nhất thì đó là đại dương bao la. Tàu ngầm là phương tiện duy nhất hoạt động trong lòng đại dương. Khi lặn tàu sẽ chịu áp lực của nước ở khắp xung quanh cho nên chỉ một lỗ thủng nhỏ trên thân cũng có thể khiến nó trở thành “quan tài sắt” dưới đáy biển ngay lập tức.
Hồi Chiến tranh thế giới 2, trong điều kiện chiến tranh, đã có rất nhiều tàu ngầm bị chìm, bị mất tích. Theo Wikipedia, chỉ riêng Anh và Mỹ đã có hơn 100 tàu ngầm bị chìm. Tuy nhiên lúc đó là chiến tranh, người ta không có điều kiện để tìm kiếm và điều tra. Mặt khác hoàn toàn có cơ sở để tin rằng tàu có thể đã bất ngờ bị trúng bom, thủy lôi hoặc ngư lôi nên chìm mà không kịp đánh tín hiệu về căn cứ.
|
Minh họa tàu ngầm 361 của Trung Quốc - một con tàu bị chìm năm 2003. |
Cho đến sau Chiến tranh thế giới 2, các tàu ngầm đã được cải tiến sâu rộng hơn với kỹ thuật hiện đại hơn rất nhiều. Các tàu ngầm lại hoạt động trong thời bình với những phương tiện hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn rất hiện đại khác.Tuy nhiên, vẫn có nhiều vụ tàu ngầm bị mất tích một cách bí ẩn như một số vụ đã nói ở trên.
Thông thường các vụ chìm tàu ngầm thường được gắn với nguyên do như: bị nước tràn vào, do vũ khí mang trên tàu bị sự cố phát nổ hoặc do chính hệ thống ắc quy nạp điện của tàu phát nổ khi tiếp xúc với nước biển.
Tiến sĩ John P. Craven, cựu Giám đốc khoa học của Văn phòng Dự án đặc biệt của Hải quân Mỹ khi viết về vụ chìm tàu K-129 đã nhận xét: “Tôi chưa bao giờ nhìn thấy hoặc nghe nói về một thảm họa tàu ngầm nào mà không đi kèm với quan điểm cho rằng ắc quy nổ tung và bắt đầu tất cả... Các nhà điều tra kiểm tra những thiệt hại trong khoang chứa ắc quy luôn đổ lỗi cho vụ nổ ắc quy khiến tàu chìm cho đến khi họ biết rằng ắc quy sạc đầy bất ngờ tiếp xúc với nước biển sẽ phát nổ. Đó là kết quả tất yếu của một vụ đắm tàu chứ gần như không bao giờ là nguyên nhân của vụ đắm tàu”.
Nói chung do hoạt động trong một môi trường đặc thù là lòng biển – là nơi mà hiểu biết của con người còn nhiều hạn chế, cho nên tàu ngầm có rất nhiều rủi ro. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể trở thành thảm họa. Mặt khác, một khi đã bị nạn và chìm xuống, việc tìm kiếm là không dễ chút nào bởi vì biển thì rộng bao la, các dòng biển luôn vận động không ngừng nên có thể chìm ở chỗ này mà lại nằm ở một nơi rất xa vị trí chìm. Bởi lý do đó, khi các tàu ngầm bị chìm thường phải mất rất nhiều thời gian mới tìm thấy vị trí hoặc dấu tích. Nó có thể là hàng vài tháng sau như vụ tàu USS Thresher hoặc vài chục năm như vụ tàu ngầm INS Dakar của Israel và thậm chí là mãi mãi không thấy thì cũng là điều dễ hiểu.