Cuộc hành quân vĩ đại
Đầu năm 1967, sau 2 năm trực tiếp vào Việt Nam tham chiến, quân viễn chinh Mỹ mở một cuộc hành quân lớn nhất với mục đích tiêu diệt chủ lực quân giải phóng và các cơ quan đầu não của cách mạng miền Nam. Cuộc hành quân này trong sử sách nước ta thường ghi là chiến dịch Gian-Xơn-Xity (Juncition City).
Nói về quy mô hay bất kỳ một khía cạnh nào, đây cũng là cuộc hành quân lớn nhất của lính Mỹ trong
chiến tranh Việt Nam. Theo số liệu của
Wikipedia, người Mỹ huy động vào cuộc hành quân này tới 35.000 quân. Trong đó, chỉ có 5.000 quân của quân đội Sài Gòn còn 30.000 quân Mỹ.
|
Cuộc hành quân Juncition City. Ảnh: Life.
|
Ngoài số lượng quân lớn, cuộc hành quân này còn được sự yểm trợ tối đa của B-52, trực thăng, pháo binh và các phương tiện hiện đại khác mà quân Mỹ đang sử dụng. Trong ngày đầu tiên của cuộc hành quân (22/2/1967) quân Mỹ đã thực hiện một cuộc đột kích bằng không vận với quy mô chưa từng thấy. 240 chiếc trực thăng ầm ầm bay trên bầu trời Tây Ninh để đổ lữ đoàn 1 và 2 của sư đoàn 1 “anh cả đỏ” xuống Sóc Mới, Rùm Đuôn ở giáp biên giới Campuchia để khóa chặt biên giới không cho quân ta có lối chạy sang Campuchia.
Trong khi đó ở hướng Cà Tum, lữ đoàn không vận 173 được các máy bay C-130 thả dù xuống. Đây cũng là trận nhảy dù lớn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Sau các cuộc đổ bộ bằng không quân, một lữ đoàn của sư 25 cùng một trung đoàn thiết giáp theo đường số 4 tiến lên Đồng Pan hợp với lữ 173 tại Cà Tum tạo nên bức tường phía Đông của cuộc hành quân. Có thể nói trong cuộc hành quân này, quân Mỹ đã sử dụng tổng hợp mọi chiến thuật: trực thăng vận, thiết xa vận, nhảy dù… với những phương tiện chiến tranh hiện đại nhất của họ.
Về mặt mưu lược, các tướng lĩnh Mỹ và
quân đội Sài Gòn cũng đã hao tâm tổn trí nghĩ một kế hoạch rất chu đáo. Nhìn tổng thể, cuộc hành quân Gian-Xơn-Xity này là một cuộc vây ráp. Quân Mỹ tiến đánh nhiều hướng bằng bộ binh và B-52 rải thảm nhưng để chừa ra một mũi không đánh nhằm dồn quân ta chạy vào đó. Họ dự định đó sẽ là điểm kết thúc chiến dịch. Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng như thế nên sĩ quan quân đội Sài Gòn thì tâm đắc bảo đó là cuộc hành quân vĩ đại còn bộ sậu của tướng
Westmoreland thì tự tin trận này sẽ “đánh gãy xương sống Việt Cộng”.
Tuy nhiên, trong hơn 1 tháng tiến hành chiến dịch, quân Mỹ không tìm được một lực lượng chủ lực nào đáng kể để tiêu diệt. Nhưng ở bất kỳ nơi nào cũng thấy xuất hiện du kích đối phương bắn tỉa rồi lẩn trốn mất hút. Các căn cứ mà Mỹ lọt được vào thì chỉ tìm thấy những thứ mà quân giải phóng chưa kịp đem đi. Đến khi lính Mỹ đã mỏi mệt thì quân giải phóng mở những cuộc tập kích làm tiêu hao lực lượng lớn của địch. Bị thương vong nhiều cộng với dịch bệnh phát sinh do ở trong rừng nhiệt đới, ngày 15/4/1967 quân Mỹ phải kết thúc chiến dịch mà không đạt được một mục tiêu nào. “Cuộc hành quân vĩ đại” đã trở thành một thất bại thảm hại.
Tin tức bị lộ như thế nào?
Chiến dịch Gian-Xơn-Xity sở dĩ thất bại là vì phía ta ngay từ đầu đã nắm đường đi nước bước của Mỹ như lòng bàn tay. Vì sao Trung ương cục miền Nam lại biết trước kế hoạch của Mỹ? Câu chuyện sau đây tóm lược từ hồi ký
Tôi đi làm tình báo của
đại tá tình báo Đinh Thị Vân sẽ giải đáp.
|
Bản đồ cuộc hành quân Juncition City. Ảnh: Wikipedia.
|
Một hôm Phiệt đến nhà Thọ chơi. Lúc này Thọ đã là đại tá làm việc ở trung tâm hành quân, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Trong câu chuyện về chính trị thời cuộc, Thọ ca cẩm: “Tụi nó ghê thiệt, bao nhiêu năm bom đạn như thế mà nó cứ lỳ ra. Bọn tuyên truyền cứ nói láo là Việt cộng nó chích thuốc nên mới dũng cảm như thế. Nó có chích gì đâu. Làm như vậy chỉ có lợi cho nó thôi. Báo chí tuyên truyền, có ít thì xít ra nhiều, ngán thấy mồ”.
Nghe vậy, Phiệt cũng vờ hưởng ứng: “Phải tìm trúng hang ổ mà diệt thì mới ăn thua”. Thọ đáp: “Thì cũng phải như thế nhưng không dễ dàng đâu. Ngay như B-52 rải thảm đó, tin tình báo cộng với trinh sát trên không rõ ràng mười mươi là có một trung đoàn chính quy Bắc Việt ở tọa độ đó, vậy mà cuối cùng 1 tấn bom không đổi được một Việt Cộng”. Đúng lúc đó thì có 2 sĩ quan xin vào làm việc. Thọ bảo Phiệt vào phòng ngủ nằm nghỉ chờ Thọ làm việc xong lại nói chuyện tiếp.
Phòng khách nhà Thọ nằm sát với phòng ngủ cho nên Phiệt nằm trong nghe rõ mồn một tiếng nói chuyện ở ngoài. Phiệt nằm xuống giường với lấy tập sách trên mặt bàn xem vờ như không quan tâm đến nội dung câu chuyện công việc của Thọ để tránh bị để ý. Nhưng vừa đọc vài dòng thì tập sách khiến Phiệt lập tức không quan tâm đến câu chuyện ở ngoài phòng khách.
Thì ra anh đã vô tình gặp một tài liệu tuyệt mật. Đó là một tài liệu bằng tiếng Anh được chụp lại từ bản đánh máy dày chừng 20 trang. Đầu đề ghi là “Phiên họp với cố vấn của Bộ Tổng tham mưu và đại tướng Cao Văn Viên để đệ trình lên Tổng thống”. Tài liệu phác ra một chiến dịch nhằm tiêu diệt Trung ương cục miền Nam và quân giải phóng. Quy mô chiến dịch với 4 vạn quân.
Phiệt đọc ngấu nghiến được 12 trang thì đã nghe ở bên ngoài tiếng khách chào ra về rồi tiếng giày lộp cộp. Anh phải ngưng đọc nhưng đã kịp nhớ được các nét chính về hướng chính hướng phụ, hướng nghi binh ở đâu, khu vực B-52 rải thảm ở chỗ nào, những mũi nào tiến quân, mũi nào bỏ trống để làm mồi nhử đối phương...
Sau buổi gặp, Phiệt về tìm ngay chỉ huy là bà Đinh Thị Vân báo cáo. Qua đường dây liên lạc bí mật, tin quý giá này đã đến bàn làm việc các đồng chí ở Trung ương cục miền Nam. Sau đó, Phiệt còn quay lại tìm cách khai thác thêm Thọ những chỗ anh chưa đọc hết. Thế rồi trong lúc say máu quân sự, Thọ đã tiết lộ cho Phiệt về cuộc hành quân mà Thọ gọi là vĩ đại. Những thông tin đó đã bổ sung thêm những chỗ mà Phiệt chưa đọc kịp. Xong xuôi Thọ dặn đi dặn lại rằng không được nói với ai, kể cả vợ. Tuy nhiên Thọ “quên” không dặn Phiệt là không được nói với đối phương.
|
Đại tá tình báo Đinh Thị Vân, người nắm giữ mạng lưới tình báo đã lấy được kế hoạch cuộc hành quân Juncition City. Ảnh: Internet.
|
Đó là điểm mấu chốt khiến cho cuộc hành quân Gian-Xơn-Xity được Mỹ dày công xây dựng vẫn bị thất bại thảm hại. Trong khi cuộc hành quân đã nhìn rõ thất bại, Phiệt đến nhà Thọ chơi dùng thông tin trên đài BBC gợi chuyện thì Thọ than thở: “Chúng nó như ma ấy. Không biết lực lượng chính ở chỗ nào mà nơi nào mình thọc vào đều bị đánh, không tiến lên được mấy. Cái nơi tưởng sẽ không có chuyện gì như ở Bầu Hai Vũng thì quân đồng minh lại mất ngót một lữ. Lạ quá!”
Thọ không biết rằng từ chiến khu, Trung ương cục miền Nam gửi điện vào Sài Gòn nhắn với bà Đinh Thị Vân rằng: “Đ 16 được thưởng huân chương”. Đ 16 chính là bí số của Đinh Thế Phiệt.
Về điệp viên Đ 16, tên thật là Đinh Thế Phiệt từng học trường võ bị Thủ Đức rồi ra làm sĩ quan ở sư đoàn 1 VNCH – đơn vị phòng thủ nam vĩ tuyến 17. Phiệt đã được đại tá tình báo Đinh Thị Vân của ta xây dựng thành cơ sở tình báo cho cách mạng.
Chính Phiệt là đầu mối quan trọng giúp đại tá Vân nắm bắt được hệ thống phòng thủ của quân đội Diệm phía nam sông Bến Hải năm 1959. Sau đó do để cho lính dưới quyền đánh nhau với đàn em của
Ngô Đình Cẩn trong một hội chợ nên Phiệt bị ra tòa án binh và bị loại ngũ.
Mặc dù vậy, Phiệt còn quan hệ thân thiết với nhiều sĩ quan của sư đoàn 1. Trong số đó thân nhất với Thọ vốn là chỉ huy trực tiếp của Phiệt. Vài năm sau Thọ đi Mỹ học rồi về làm đến đại tá trong trung tâm hành quân của Bộ Tổng tham mưu quân đội VNCH. Đó chính là căn nguyên để đưa đến chiến công tình báo của bí số Đ 16.