Bạn đọc Nguyễn Đức Hồng ở Hà Tĩnh hỏi: Nói về người say rượu, người ta hay dùng từ “chân nam đá chân xiêu”. Vậy ý nghĩa, nguồn gốc của câu thành ngữ này như thế nào?
|
Ảnh minh họa. |
PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam, cho hay, trong từ điển Đại Nam quốc âm tự vị của Huỳnh Tịnh Paulus Của (1895) đã giải nghĩa rất cụ thể như "đăm" là tay mặt (tay phải), chiêu là tay tả (tay trái). Như vậy đăm/chiêu là tổ hợp trái nghĩa có nghĩa là phải/trái. Ta còn có thể thấy dấu ấn từ cổ này lưu giữ trong các sáng tác dân gian xưa: Tay chiêu đập niêu không vỡ, đánh vợ không đau, bẻ cau không đứt (tục ngữ); Gà kia mày gáy chiêu đăm/Để chúa tao nằm, tao ngủ chút nao (ca dao)...
Xem ra, nguyên gốc của thành ngữ trên phải là “chân đăm đá chân chiêu” mới đúng. Mấu chốt ở đây là ở từ “xiêu”, vốn gắn liền với nghiêng ngả, xiêu vẹo. Nó hoàn toàn phù hợp dùng để chỉ dáng điệu của ai đó hoặc say xỉn, hoặc vội vàng tất tưởi, vụng về... mà đi đứng không ngay ngắn, vững vàng. Anh chàng say “tít cung thang” đó đã “góp phần” làm cho dân gian nói lệch câu thành ngữ độc đáo này.