Khi bàn về thói ngụy biện của người Việt, nhà văn Trịnh Thanh Phong, tác giả cuốn tiểu thuyết "Ma làng" cho rằng, không phải ngẫu nhiên mà trong dân gian sáng tạo nên hình tượng chú Cuội với thành ngữ "nói dối như Cuội". Nói dối ở đâu cũng thấy, đến mức "nói thật đã là lương thiện rồi".
Ngụy biện phổ biến ở cả quan chức
Nhà văn Trịnh Thanh Phong cho rằng, bảo người Việt có tính ngụy biện thì chẳng sai chút nào. Vậy nên mới có chú Cuội, mới có câu "nói dối như Cuội". Ở đâu cũng thấy sự ngụy biện. Làm đường bị sập thì đổ cho trời mưa nhiều thay vì thừa nhận sự yếu kém của đơn vị thi công; đi họp muộn thì đổ cho tắc đường mà đáng ra phải đi sớm hơn; hứa với dân làm việc này, việc nọ nhưng rồi lại "quên", khi được hỏi thì vòng vo; lỗi của cá nhân khi quản lý, điều hành không tốt lại đổ cho lỗi của tập thể... Đến mức, người ta đã quen với những câu ngụy biện, chấp nhận nó như một lẽ đương nhiên, dù thực lòng chẳng ai tin vào những lời nói đó.
Dưới góc độ tâm lý và nghiên cứu con người, GS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học lý giải: Ngụy biện, bao biện thuộc cơ chế tự vệ của con người. Vậy nên dân tộc nào cũng có. Sự nói dối nhiều khi chỉ để được việc, tránh cho mình những rắc rối không cần thiết và có thể chấp nhận. Song có những lời nói dối, bao biện không chỉ đánh mất thanh danh của cá nhân mà còn gây nguy hại cho cộng đồng.
Cũng theo ông Nghị, qua việc kiểm chứng thực tế thì rõ ràng người Việt nói dối, bao biện rất nhiều, phổ biến từ đứa trẻ mẫu giáo cho đến người lớn tuổi, từ dân thường đến quan chức. Khi các mối quan hệ xã hội càng lớn, sự tự ý thức về bản thân càng cao thì người ta nói dối, ngụy biện càng nhiều.
|
Sự nói dối nhiều khi chỉ để được việc, tránh cho mình những rắc rối không cần thiết và có thể chấp nhận. |
"Ai cho tôi sống thật?"
Giải đáp cho câu hỏi: Vì sao người ta ngụy biện?, PGS.TS Văn Giá cho rằng, đó là vì họ không thể sống thật với chính mình. Sống trong xã hội bây giờ, người ta luôn phải đặt câu hỏi: "Ai cho tôi sống thật?", vì sống thật thì chỉ thiệt thân. Câu "thật thà ăn cháo, láo nháo ăn cơm" đã khái quát rõ nét về thực trạng này.
Trong một xã hội mà sự nói dối lên ngôi, con người có xu hướng tìm mọi cách để đổ lỗi cho người khác, cho các yếu tố khách quan thì hệ quả là xã hội đó luôn thiếu đi sự minh bạch, trung thực. Ở đó, con người sống với nhau nhưng luôn phải dè chừng nhau, cảnh giác nhau.
Lý giải cho việc người Việt khó có thể sống thật với mình, ông Giá nói đó là do xã hội chuộng hình thức. Vì thế mà "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại". "Người sống thật là mình luôn luôn phải húc đầu vào thành trì của những tư tưởng cũ. Đáng ra, một xã hội bình thường thì con người sống thật là mình mới là bình thường chứ. Đằng này có người bảo, chỉ cần sống đúng là mình cũng được coi là người dũng cảm. Đó là xã hội bất bình thường. Xã hội của ta đang không bình thường", ông nhấn mạnh.
Cũng chính từ việc không dám sống thật là mình, không dám đối đầu với những chuyện không hay mà người ta phải chiều lòng người khác, chiều lòng cấp trên, sinh ra thói xu nịnh. Ngược lại, những người muốn bảo toàn danh tiết thì lại có xu hướng sống thúc thủ, co lại, ngại bộc lộ.
Ngụy biện vì không có niềm tin tôn giáo
Nhà văn Tạ Duy Anh thì lý giải việc người Việt nói dối, ngụy biện ở hai góc độ. Thứ nhất, đó là do thói quen nói dối. Thứ hai là do không tự tin vào bản thân mình; không đủ khả năng, tự tin để sống với sự thật, vì nếu sống với sự thật thì có khi gây hại cho chính bản thân.
"Sở dĩ người Việt nói dối là vì họ không có niềm tin tôn giáo nghiêm túc. Giả sử đạo Thiên chúa, đạo Hồi, đạo độc thần thì người ta rất sợ nói dối vì họ luôn có ý nghĩ là có một nhân vật im lặng biết hết những việc họ làm, những điều họ nói. Còn dân tộc đa thần giáo thì họ không chịu trách nhiệm về lời nói dối, không sợ bị ai kiểm soát cả", theo nhà văn Tạ Duy Anh.
Cũng theo nhà văn, ngụy biện không phải là phẩm chất riêng biệt mà là hệ quả của những tính cách khác. Từ sự xuề xòa, cẩu thả, làm ăn gian dối, chậm phát triển thì tự ti rồi sinh ra ngại mở cửa, bế quan tỏa cảng, không dám nhìn ra bên ngoài, không dám trung thực nên mới sinh ra ngụy biện để làm đẹp lòng người khác theo kiểu "lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau".
Luật pháp dung dưỡng cho thói ngụy biện
GS Phạm Thành Nghị thì thẳng thắn: Người Việt nói dối, ngụy biện cũng là từ môi trường xã hội mà ra. Nếu xã hội không chấp nhận sự bao biện, nói dối thì nó sẽ không có đất để tồn tại. Đằng này, những người có quyền phán xét cũng ưa bao biện thì không thể mong một xã hội trung thực và minh bạch được.
Chẳng hạn, con cái đến lớp đánh bạn, đáng ra cha mẹ phải nhìn thẳng vào sự thật để xin lỗi thầy cô, xin lỗi cha mẹ và chính học sinh bị đánh thì đằng này, nhiều cha mẹ lại bao biện rằng con tôi ở nhà ngoan lắm, con anh chị cũng phải như thế nào mới để con tôi đánh cho... Như thế, nó sẽ tiêm nhiễm cho đứa trẻ cách để mỗi khi chúng mắc lỗi, chúng sẽ tìm lý do để khỏa lấp lỗi lầm. Hoặc khi cơ quan có vấn đề sai phạm, thủ trưởng sẽ vòng vo, không dám nhận trách nhiệm cá nhân mà đổ cho cơ chế, cho tập thể...
Cũng theo ông Nghị, chính luật pháp chưa nghiêm minh cũng khiến cho thói ngụy biện được "sinh sôi". Ở đâu cũng thấy ngụy biện, ngay cả với giới chức lãnh đạo. Có những điều họ nói, dân biết họ sai rành rành, không đủ thuyết phục, song nhờ thế mà nhiều người thoát tội, không bị xử lý trách nhiệm. Vậy nên, thấy người ta nói dối được thì mình cũng nói dối được, miễn là ấm được tấm thân, không bị mất chức. "Ở xã hội sòng phẳng, con người sống và hành xử theo luật pháp thì chắc chắn sẽ không có chuyện nói dối, ngụy biện tràn lan. Ai sai đến đâu thì xử đến đó, không làm được việc thì xin từ chức chứ không có chuyện vòng vo như ở ta", ông Nghị nói.
Ở một góc độ khác, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Viện phó Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, chính thời bao cấp cũng làm cho thói ngụy biện của người Việt có cơ hội duy trì và phát triển. Vì thời đó, tinh thần tập thể, công việc tập thể nên trách nhiệm cũng của tập thể. Đáng tiếc là những suy nghĩ, quan niệm đó vẫn còn ảnh hưởng đến ngày nay, khi chúng ta đã xóa bỏ bao cấp được gần 30 năm.
Để tiến tới xây dựng một xã hội trong sạch, minh bạch, theo GS Phạm Thành Nghị, cần phải tạo ra cơ chế để con người dám sống thật là mình. Muốn vậy, luật pháp phải thật nghiêm, xử lý những người nói dối, ngụy biện mà gây ảnh hưởng lớn cho cộng đồng thật đích đáng. Phải làm sao để người ta cảm thấy nói dối là một nỗi xấu hổ, là tự đánh mất phẩm giá cá nhân, tức là phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, "dù cho đó là một việc làm không hề đơn giản", theo ông Nghị.
(Còn nữa)
"Suy cho cùng, việc người Việt nói dối, ngụy biện là do cấp trên, những người quản lý, lãnh đạo xã hội không gương mẫu. Dưới nói dối trên, trên nói dối dưới; trên không ra trên, dưới không ra dưới. Thế nên chả tội gì người ta không nói dối, không ngụy biện, vì tâm lý một mình mình trung thực thì cũng chẳng thay đổi được xã hội này".
Nhà văn Trịnh Thanh Phong