Theo luật Sterile Cockpit (hay còn gọi là luật im lặng trong khoang lái, trong quá trình cất cánh và hạ cánh - trước khi máy bay đạt độ cao 3.000 m khi bay lên và sau khi đã xuống độ cao 3.000 m), phi công phải hoàn toàn tập trung vào “các hoạt động điều khiển thiết yếu” và “tránh trò chuyện không cần thiết”. Trong khoảng thời gian này, tổ phục vụ cũng không được phép làm phiền phi công, trừ khi có những vấn đề liên quan tới an toàn chuyến bay hoặc an toàn của con người trên chuyến bay.
|
Phi công cần tập trung cao độ, tránh trò chuyện không cần thiết trong những giai đoạn quan trọng. Ảnh: The Verge. |
“Quy trình tránh chuyện phiếm giúp tăng độ tập trung của thành viên tổ bay đối với những hoạt động điều khiển cần thiết vào lúc họ cần tập trung cao độ”. Điều luật này được áp dụng với tất cả cơ quan hàng không trong liên minh châu Âu, Cục hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cục hàng không dân dụng Liên hiệp Anh (CAA).
Nguồn gốc của Sterile Cockpit
Quy định này hình thành ở Mỹ vào năm 1974, sau thảm họa xảy ra với chuyến bay số hiệu 212 của hãng Eastern Air Lines. Máy bay rơi khi cách đường băng ở sân bay Charlotte Douglas không xa do sương mù dày đặc, khiến 72 người thiệt mạng.
Tuy nhiên, các thanh tra tìm ra nguyên nhân vụ tai nạn một phần là do “tổ bay không chú ý trong những thời điểm quyết định khi hạ cánh do quy định lỏng lẻo trong buồng lái”. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (NTSB), trong quá trình hạ cánh, các phi công đã trò chuyện về những chủ đề không cần thiết, từ chính trị tới xe cũ. Điều này khiến họ sao nhãng và không kiểm tra các thiết bị một cách cẩn thận trong khi cần tới chúng để hạ cánh an toàn.
Bên cạnh đó, khi các phi công định hướng sân bay Charlotte bằng mắt, họ bị mất tập trung khi cố xác định tháp của công viên giải trí Carowinds gần đó. Trong quá trình hạ cánh, cơ trưởng không đọc các thông số độ cao cần thiết.
Bảy năm sau, FAA đưa ra luật Sterile Cockpit khi có lo ngại rằng sự phát triển của hệ thống lái tự động cùng độ thoải mái trong khoang lái tạo ra môi trường làm việc trong đó phi công dễ mất tập trung và nói chuyện phiếm.
Theo điều luật mà mọi hãng hàng không phải thực hiện này, phi công bị cấm thực hiện “bất cứ nhiệm vụ nào khác trong những giai đoạn quan trọng của chuyến bay, trừ những nhiệm vụ cần thiết để đảm bảo an toàn cho máy bay”. Ví dụ cho những hoạt động không cần thiết là gọi cung cấp cho nhà bếp, xác nhận nối chuyến cho hành khách, hay quảng cáo cho hãng hàng không.
Điều luật này cũng cấm thành viên tổ bay hay phi công tham gia “ăn uống, các cuộc trò chuyện không cần thiết, liên lạc không cần thiết giữa cabin và khoang lái, và đọc thông báo không liên quan tới quy trình vận hành máy bay”. Luật Sterile Cockpit được áp dụng khi máy bay ở độ cao dưới 3.000 m, trong quá trình đi trên đường băng, cất cánh và hạ cánh.
Trong tình huống khẩn cấp ở cabin
Đây là một nhược điểm của luật Sterile Cockpit. Đã có những trường hợp thành viên phi hành đoàn không xác định rõ khi nào được phép lên tiếng. FAA nhận định: “Sự chần chừ hay ngần ngại của tiếp viên trong việc liên lạc với phi công để trao đổi thông tin quan trọng do hiểu sai về luật Sterile Cockpit có thể còn nghiêm trọng hơn cả sự sao nhãng không cần thiết tạo ra khi phạm luật”.
|
Luật im lặng trong khoang lái được áp dụng từ năm 1981. Ảnh: Aviationweek. |
Năm 1995, một tiếp viên hàng không thấy chốt cửa máy bay bung ra ngay sau khi cất cánh, nhưng đã không báo cho phi công vì luật giữ im lặng này. Để tránh hiểu lầm, hãng Japan Airlines đã liệt kê những trường hợp đội tiếp viên cần liên hệ với khoang lái khi ở độ cao dưới 3.000 m, gồm hỏa hoạn, có khói trong cabin, bất thường về độ cao của máy bay trong cất cánh và hạ cánh, xuất hiện âm thanh hay rung động lạ, rò rỉ nhiên liệu hay bất cứ chất lỏng gì.