Thí nghiệm bệnh giang mai
Năm 1932, Dịch vụ Y tế công cộng Mỹ phối hợp với viện Tuskegee thực hiện nghiên cứu về sự phát triển tự nhiên của bệnh giang mai khi không được điều trị. Theo đó, 600 nam giới người Mỹ gốc Phi ở vùng nông thôn Alabama đã trở thành đối tượng của
thí nghiệm phi đạo đức trên. Trong số đó có 399 người mắc bệnh giang mai từ trước.
Mặc dù nói với bệnh nhân là họ đang được điều trị nhưng thực chất họ không được bác sĩ chữa trị. Cụ thể, các bác sĩ không hề chữa trị hoặc chữa trị sai phương pháp cho các bệnh nhân mắc bệnh giang mai nhằm mục đích quan sát sự tiến triển của bệnh giang mai gây tử vong cho con người như thế nào. Thêm vào đó, các bệnh nhân không tìm đến các cơ sở chữa bệnh khác để điều trị bệnh khi không thấy tình hình sức khỏe cải thiện.
Ngay cả sau năm 1940, khi penicilin được sử dụng để điều trị bệnh giang mai thì các đối tượng tham gia thí nghiệm trên cũng không được các bác sĩ cho sử dụng. Mãi đến năm 1972, thí nghiệm phi nhân tính, vô đạo đức trên mới bị phát giác và gây ra sự phẫn nộ lớn trong dư luận. Khi đó, thí nghiệm về bệnh giang mai trên mới khép lại.
Thí nghiệm lưu lượng máu ở trẻ sơ sinh
Vào những năm 1960, Khoa Nhi thuộc ĐH California đã tiến hành một
nghiên cứu về lưu lượng máu và huyết áp của trẻ sơ sinh trong độ tuổi từ 1 giờ đến 3 ngày tuổi thay đổi như thế nào. Các nhà khoa học đã sử dụng phương pháp kinh hoàng đối với 113 trẻ sơ sinh.
Theo đó, các bác sĩ dùng một ống thông đường tiểu đưa vào từ động mạch rốn của mỗi đứa trẻ vào đến động mạch chủ. Sau đó, bàn chân của các trẻ sơ sinh sẽ được đặt trong nước đá lạnh khiến thân nhiệt của các đối tượng giảm nhanh. Sau đó, các chuyên gia tiến hành đo áp suất ở động mạch chủ. Trong số đó còn có 50 đối tượng bị cắt bao quy đầu và được đặt nghiêng cơ thể khiến máu dồn lên phía đầu để các chuyên gia quan sát lưu lượng máu và huyết áp của trẻ sơ sinh thay đổi như thế nào.
Iốt phóng xạ ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh
Ủy ban Năng lượng nguyên tử Mỹ (AEC) là cơ quan đứng đằng sau thí nghiệm phi đạo đức này. Trong số những thí nghiệm đó có hai thí nghiệm được tiến hành năm 1953 tại Đại học Iowa. Tại đây, trẻ sơ sinh và phụ nữ mang thai bị phơi nhiễm Iốt phóng xạ.
Nghiên cứu đầu tiên liên quan đến phụ nữ mang thai tiếp xúc với Iốt phóng xạ. Nghiên cứu thứ hai nhắm đến mục tiêu là nghiên cứu phôi thai không phát triển bị ảnh hưởng như thế nào khi tiếp xúc với Iốt phóng xạ. Các nhà khoa học đã nghiên cứu ảnh hưởng của Iode phóng xạ đối với 25 trẻ sơ sinh nhằm đo lượng Iốt phóng xạ tích lũy trong tuyến giáp của nhóm đối tượng này thay đổi thế nào. Đến năm 1974, thí nghiệm trên của AEC bị bãi bỏ sau khi nghiên cứu phi nhân tính trên bị phát giác và dư luận chỉ trích nặng nề.