Những tục “hành xác” lạ lùng của người Việt

Google News

(Kiến Thức) – Rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa, cưa răng, xăm cằm... là một số tục lệ kỳ lạ các dân tộc ít người ở Việt Nam còn giữ được đến ngày nay.

Cưa răng, xăm mình để... chống độc

Trong dãy núi Trường Sơn hùng vĩ, đến nay, một bộ phận người dân tộc thiểu số Pacô vẫn còn giữ được cách chống độc và làm đẹp kỳ bí là cưa răng, xăm mình.

Ông Hồ Xuân Hạnh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hồng Trung, huyện A Lưới – một người con của dân tộc Pacô kể lại, nét văn hóa này có được là nhờ tục lệ đi Sim. Khi những đôi trai gái ngồi tâm sự với nhau, những cô gái thường e thẹn cắn móng tay hoặc bị gai rừng cào xước. Họ thường dùng lá cây sát vào đó, khi vết thương lành thì dưới da có màu sắc đẹp và không bị phai mờ.

Từ đó, mọi người nghĩ đến những hình vẽ đẹp hoặc hình biểu trưng về sức mạnh tâm linh... rồi kết hợp với tục cưa răng làm đẹp trước đây để cho vẻ đẹp thêm hoàn mỹ. Theo thời gian, các hình vẽ ngoài việc làm đẹp còn mang ý nghĩ phân biệt nam nữ, thứ bậc, tâm linh, chữa bệnh và chống độc.

Khi đến tuổi trưởng thành, muốn thu hút được sự chú ý của trai gái, mọi người thường cưa răng cho ngắn lại. Việc cưa răng thường kéo dài khoảng một tuần hoặc lâu hơn nữa tùy vào thể trạng của mỗi người. Bởi, việc cưa răng thường rất đau, ảnh hưởng đến thần kinh và sức khỏe, do đó, mỗi ngày chỉ được phép làm một ít, khi thấy mệt trong người là phải dừng lại ngay.

 Ông Hồ Xuân Hạnh - một người con của dân tộc Pacô kể về tục lệ xăm mình, cưa răng chống độc.

Sau khi cưa răng xong sẽ dùng kim, vật sắc hoặc gai nhọn để vẽ lên người những hình mình thích, hoặc thấy phù hợp như: rắn, rết, hổ, báo...

Theo những người dân nơi đây, việc xăm bằng loại mực kỳ bí kia ngoài để làm đẹp, đây cũng được coi như liều thuốc chống độc hết sức hiệu quả. Ông Hồ Xuân Hạnh kể, ông đã từng bị rắn độc cắn, mọi người cứ tưởng không qua được vì người sốt li bì. Tuy nhiên, một thời gian sau thì tự nhiên khỏi. Điều lạ là, không phải mình ông thoát chết vì rắn độc cắn, mà rất nhiều người ở đây, khi xăm mình, bị rắn rết cắn đều không làm sao.

Theo lý giải của ông Hạnh và người dân nơi đây thì loại lá cây “Aluông” có chất giải độc. Không chỉ rắn rết mà bất kỳ loại độc nào, “Aluông” cũng đều khắc chế được.

Xét về mặt văn hóa, tục cưa răng, xăm mình của người Pacô trên dãy núi Trường sơn đã góp phần vào kho tàng văn hóa Việt thêm phong phú hơn.

Phong tục rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa của người Hoa

Năm nào cũng vậy, cứ đến lễ Vu Lan, khách thập phương lại đô xô đến Trà Vinh để xem phong tục có một không hai: một người thường rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa, tắm dầu sôi ùng ục trước mắt vạn khách thập phương.

Theo tín ngưỡng của người dân, sở dĩ một người bình thường có thể làm được những việc "phi phàm" như thế là do "hồn" Ông Bổn nhập vào! Việc Ông Bổn hiện về nhập vào xác người phàm là một tập tục, một tín ngưỡng từ xa xưa của người Hoa để lại.

Ông Hứa Minh, một thành viên trong ban quản trị Chùa Vạn Niên Phong Cung ở thị trấn Cầu Kè, huyện Cầu Kè, Trà Vinh kể lại: “Mỗi năm, Ông Bổn đều "về" chùa một lần vào đúng dịp lễ Vu Lan. Ông về bằng cách "nhập" vào cơ thể của bất kỳ người dân nào mà không ai được biết trước. Người được Ông Bổn "nhập xác" vùng dậy, bước lên trước hương án, rạch lưỡi, nhả máu, vẽ bùa”.

 Rạch lưỡi lấy máu vẽ bùa của người Hoa trước sự chứng kiến của nhiều du khách.

Những người dân nơi đây còn kể lại, trong các nghi lễ trước đây còn có màn rước kiệu đao. Khi Ông Bổn đã "nhập xác", ban trị sự phải đóng kiệu đao, rước Ông đi quanh làng, xóm.

Ngoài nghi thức trên, trước đây, các Ông Bổn còn đòi... tắm dầu sôi. Trước khi nghi thức bắt đầu, ban trị sự chùa chuẩn bị một vạc dầu lớn bằng gang và những bó lá tre để các Ông dùng tưới dầu lên cơ thể. Quá trình tắm dầu diễn ra công khai, trước sự chứng kiến và kiểm nghiệm của du khách. Thậm chí, chính quyền địa phương cũng có ghi hình cẩn thận.

Nhúng tay trần vào vạc dầu sôi rồi múc dầu lên vuốt tóc, người xem được chứng kiến những đường dầu nóng bốc khói nghi ngút chảy từ trên đầu Ông Bổn xuống hai vai. Ông Phạm Ngọc Sử, Phó trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Cầu Kè công nhận, khi xuống xác minh, xem cảnh tắm dầu và bị dầu bắn vào người nhưng tôi chỉ thấy ấm ấm chứ không có cảm giác nóng.

Tuy nhiên, nghi thức này không thường xuyên tổ chức mà chỉ diễn ra theo yêu cầu của các Ông. Về nghi thức này, ông Minh kể: "Mỗi khi muốn tắm dầu, các Ông thường về báo trước để chúng tôi chuẩn bị”.

Tục xăm cằm kỳ quái của bộ tộc Mảng Lai Châu

Tục xăm cằm độc đáo là một trong những nét văn hóa cổ xưa và đặc sắc của người dân tộc Mảng ở huyện Sìn Hồ và Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Theo đó, thanh niên dân tộc Mảng khi đến tuổi trưởng thành (từ 12 - 18 tuổi) đều được các cao niên có uy tín hay bố mẹ nhắc nhở và tổ chức xăm cằm theo một nghi lễ chứa đựng nhiều bí ẩn.

 Tục xăm cằm kỳ quái của người Mảng ở Lai Châu.

Người dân trong vùng thường kể lại truyền thuyết về thần Chông Gô Chươi Lụa để giải thích cho tục lệ xăm cằm. Theo truyền thuyết, ở bản mảng có đôi vợ chồng trẻ chịu thương chịu khó và sống rất hạnh phúc. Tuy vậy, người vợ bất ngờ thay đổi tính nết, lười biếng sau khi sinh con khiến người chồng buồn bực. Thần Chông Gô Chươi Lụa chỉ anh chồng cách khâu miệng vợ lại để bớt chua ngoa và lười biếng.

Không nỡ khâu miệng vợ, anh chồng dùng kim châm thành từng lỗ xung quanh miệng vợ, sau đó anh lấy lá cây chàm dùng để nhuộm vải giã nát bôi lên những vết kim châm giả làm những vết chỉ đen. Cô vợ sau đó có hiền ngoan, chịu thương chịu khó trở lại và đôi vợ chồng sống với nhau rất yên ấm.

Theo thời gian cùng với những quan niệm về tâm linh của người Mảng, tục xăm cằm đã trở thành nét văn hóa độc đáo và là nghi lễ không thể thiếu đối với mỗi thanh niên, nam nữ người dân tộc Mảng khi đến tuổi trưởng thành.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU:
Tiểu Phong (tổng hợp)

Bình luận(0)