Những mỹ nhân thông minh kiệt xuất trong cung đình Việt (2)

Google News

(Kiến Thức) Trong xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, việc những người phụ nữ thành đạt trên con đường học thuật và được triều đình trọng dụng quả là điều hiếm thấy.

Nguyễn Thị Lộ, người phụ nữ đầu tiên được phong Lễ Nghi Học Sĩ

Nguyễn Thị Lộ (1400-1442), quê làng Hải Hồ, một làng nghề dệt chiếu nổi tiếng, ngày nay thuộc xã Tân Lễ huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình. Nhờ tư chất thông minh hơn người, lại được cha cho đi học đầy đủ nên Thị Lộ đã thông hiểu các kinh sách từ rất sớm và rất giỏi thơ phú. Không những vậy, bà còn nổi tiếng vì nhan sắc xinh đẹp của mình.

Tuy vậy, cuộc đời của Thị Lộ không mấy yên ả. Sau khi cha mất, bà phải đi bán chiếu kiếm sống và cùng mẹ tần tảo nuôi dạy các em. Trong một lần lên kinh thành bán chiếu, bà đã gặp Nguyễn Trãi, người sau đó trở thành người bạn đời của bà.

Căm phẫn ách cai trị của nhà Minh, Thị Lộ đã theo Nguyễn Trãi tham gia quân khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi. Tại đây, Nguyễn Trãi lã một lãnh đạo quan trọng của nghĩa quân và Thị Lộ là trợ thủ đắc lực cho ông mọi công việc.

Từ thời ở Lam Sơn, Thị Lộ đã làm thày dạy con em thủ lĩnh và nghĩa quân. Sau khi khởi nghĩa thắng lợi và Lê Lợi lên ngôi vua, bà đã được tuyển vào cung, phong làm Lễ nghi học sĩ. Bà là người phụ nữ đầu tiên nẵm giữ chức vụ này trong lịch sử Việt Nam.

Ở cương vị Lễ nghi học sĩ, bà đã soạn thảo và cho chẩn chỉnh nhiều phong tục từ trong cung ra đến ngoài triều, xin chỉ dụ vua cho mở mang nền học vấn dân tộc khuyến khích phụ nữ học chữ thánh hiền.

Không chỉ là một nhà giáo, Nguyễn Thị Lộ còn là một nhà thơ xuất chúng. Tiếc rằng, văn thơ của bà đã thất truyền gần hết, chỉ còn lại mấy vần thơ xướng hoạ khi gặp Nguyễn Trãi. Dù vậy tên tuổi của bà đã gắn liền với nền văn học nước nhà từ thời ấy.

Về cuối đời, một bi kịch thảm khốc đã xảy ra với Thị Lộ. Bà là tội nhân chủ chốt trong vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng của triều đình Hậu Lê, với cái chết bí ẩn của vua Lê Thái Tông. Vụ án đó đã khiến bà chết thảm cùng Nguyễn Trãi và ba đời gia quyến của ông.


Nguyễn Thị Duệ giả trai thi đỗ tiến sĩ

Nguyễn Thị Duệ ( cuối thế kỉ 16, đầu thế kỉ 17) quê ở tổng Kiệt Đặc, thuộc huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương ngày nay. Vừa thông minh lại có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” nên mới hơn 10 tuổi bà đã được nhiều nhà quyền quí đến xin hỏi cưới, nhưng gia đình bà không chấp thuận một ai.

Năm 1592, chúa Trịnh đem quân đánh chiếm Thăng Long, buộc nhà Mạc phải chạy lên Cao Bằng. Nguyễn Thị Duệ cùng gia đình cũng đi theo nhà Mạc.

Dù phải dạt lên miền núi, nhà Mạc vẫn tổ chức các khoa thi tiến sĩ. Nguyễn Thị Duệ rất ham học và cũng muốn được thi thố, nhưng luật lệ phong kiến không cho phụ nữ được tham gia thi cử. Vì vậy bà đã phải giả trai để được làm sĩ tử.

Vào khoa thi tiến sĩ năm 1594, Nguyễn Thị Duệ ăn vận như nam giới và mang tên giả là Nguyễn Du đi thi. Kết quả là bà đã đỗ đầu khi tuổi mới đôi mươi. Khi mở tiệc chiêu đãi các tân khoa, vua Mạc Kính Cung thấy vị tiến sĩ trẻ có dung nhan khác lạ nên dò hỏi, khiến chuyện giả trai của Nguyễn Thị Duệ bị lộ. Tuy vậy, bà không bị phạt và còn được vua khen ngợi. Sau sự kện này, vua Mạc đã mời bà vào cung để dạy học cho các phi tần, rồi tuyển làm phi.

Năm 1625, quân Lê - Trịnh tiến lên Cao Bằng truy kích nhà Mạc. Nguyễn Thị Duệ cùng tàn quân Mạc vào rừng ẩn náu, bị quân lính đối phương bắt được. Số phận lại một lần nữa mỉm cười với Thị Duệ khi vua Lê và chúa Trịnh coi trọng học vấn của bà và để bà trông coi việc dạy học trong cung vua phủ chúa.

Khi làm việc cho triều đình, Thị Duệ rất quan tâm đến việc thi cử, bồi dưỡng nhân tài. Trong phần lớn ở các kỳ thi đình, thi hội, bài thi đều qua tay bà chấm. Bà thường xuyên cùng các bậc túc nho giảng dạy, ôn luyện cho các sĩ tử. Bà còn xin triều đình cấp ruộng tốt, cho canh tác lấy hoa lợi để giúp đỡ các học trò nghèo chăm chỉ.

Năm 70 tuổi, Nguyễn Thị Duệ xin về quê nhà nghỉ ngơi. Bà được hưởng nhiều bổng lộc, nhưng chỉ dùng một ít để chi tiêu, còn lại dành hết cho việc công ích và giúp người nghèo. Bà mất khi đã hơn 80 tuổi và được người dân địa phương lập đền thờ, tôn bà làm phúc thần.

Bên cạnh học vấn, Nguyễn Thị Duệ cũng được biết đến tài văn thơ. Tuy vậy, những tác phẩm của bà ngày nay hầu hết đã bị thất lạc.

Bà Huyện Thanh Quan khiến vua Tự Đức phục lăn

Bà Huyện Thanh Quan (1805? -1848?) tên thật là Nguyễn Thị Hinh, người làng Nghi Tàm, Hà Nội ngày nay. Bà là vợ ông Lưu Nghi (1804 -1847), người đỗ cử nhân năm 1821 và làm tri huyện Thanh Quan (nay là huyện Thái Ninh, tỉnh Thái Bình) nên người đời thường gọi bà là "Bà huyện Thanh Quan".

Bà là người thông tuệ, đặc biệt say mê văn chương và xem đó là một thú tiêu khiển thanh tao nhất. Nhờ tài văn chương của mình, vào năm 1839, Bà huyện Thanh Quan đã được vua Tự Đức mời vào cung và phong chức Cung trung Giáo tập để dạy cho các cung nhân học. Khi ở Huế, bà giao thiệp rộng rãi và để lại ấn tượng sâu sắc với nhiều kẻ sĩ.

Vua Tự Đức vốn yêu thích văn chương và rất nể phục Bà huyện Thanh Quan nên thường làm thơ cho bà hoạ lại. Bà thường hoạ rất tài nên lại càng được vua quý trọng.

Theo giai thoại, vua Tự Đức yêu cầu bà đề thơ vào một cái chén cổ, có bức hoạ sơn thuỷ. Bà đã ứng khẩu bằng hai câu: “In như thảo mộc trời Nam lại / Đem cả sơn hà đất Bắc sang”.

Về đại ý có nghĩa là: Loại trà để pha là loại trà quý của Đại Việt, phải dùng loại chén sứ quý nổi tiếng của Trung Hoa (có vẽ hình núi sông) mới xứng tầm.

Sau khi chồng mất vào năm 1947, Bà huyện Thanh Quan xin phép về quê nghỉ hưu và đưa các con nhỏ từ kinh thành Huế về sống tại quê nhà ở làng Nghi Tàm.

Những tác phẩm bằng chữ Nôm của Bà huyện Thanh Quan ngày nay chỉ lưu lại được những bài thơ thất ngôn như Thăng Long hoài cổ, Chùa Trấn Bắc, Đền Trấn Võ, Qua đèo Ngang, Cảnh thu, Nhớ nhà, Cảnh chiều hôm... Các bài thơ của bà đều biểu thị lòng yêu mến phong cảnh thiên nhiên và tâm trạng bi ai trước những đổi thay của thế sự.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU


Hoàng Phương

Bình luận(0)