Phát xít Đức gọi họ là “phù thủy bóng đêm” bởi cách họ tắt động cơ máy bay rồi lặng lẽ sà xuống trước khi thả bom cũng như bởi tiếng rú từ chiếc phi cơ mà họ điều khiển khiến chúng tưởng tượng đến tiếng chổi bay của phù thủy. Những phi công này đã rải 23.000 tấn bom, góp phần đuổi quân phát xít Đức quay trở lại Berlin.
Những “phù thủy bóng đêm” đó là các nữ phi công của trung đoàn đánh bom đêm số 588 thuộc Hồng quân Liên Xô. Đối với kẻ địch, họ là những “phù thủy” đáng sợ nhất, bất kỳ kẻ nào có thể hạ được “một phù thủy” sẽ được phát xít Đức trao thưởng lớn.
|
Máy bay Polikarpov của các nữ phi công.
|
Đó là vào năm 1941, khi phát xít Đức bắt đầu nhắm đến Liên Xô, Moskva đã kêu gọi nữ giới tham gia lực lượng không quân. Rất nhiều cô gái trong độ tuổi 19, 20 đã tình nguyện xin được đứng trong hàng ngũ nữ phi công. Cũng trong năm đó, nhà lãnh đạo Josef Stalin đã ký sắc lệnh thành lập ba trung đoàn không quân gồm toàn nữ giới.
Các nữ phi công trẻ này điều khiển những chiếc máy bay gỗ và vải bạt mỏng manh Polikarpov PO - 2 để đối chọi lại với quân địch được trang bị đầy đủ trong chiến trận được coi là khốc liệt nhất Chiến tranh thế giới thứ hai. Nếu bị trúng đạn, chiếc máy bay của họ sẽ bốc cháy như tờ giấy.
|
Nhận mệnh lệnh trước khi ra trận.
|
Trong những nữ phi công đầu tiên đó có cô gái Nadezhda Popova 19 tuổi, người sau này trở thành một trong những anh hùng lực lượng Xô viết được ca ngợi nhiều nhất. “Phù thủy bóng đêm” Popova sau này tuy tóc đã bạc, mắt đã mờ nhưng vẫn không hề đánh mất ý chí sắt thép khi kể lại quãng thời gian chiến đấu oai hùng: “Đó là cuộc chiến nguy hiểm nhưng chúng tôi không có thời gian để sợ hãi”.
Nhiệm vụ của các “phù thủy bóng đêm” luôn đầy rẫy hiểm nguy và nhiều áp lực. Tổng thể 40 chiếc máy bay, mỗi chiếc có 2 nữ phi công, sẽ bay 8 lần hoặc nhiều hơn trong một đêm. Bà Popova thậm chí có thời điểm đã xuất kích đến 18 lần một đêm (vào thời điểm đó mỗi chiếc máy bay chỉ có thể thả 2 quả bom trong một lần xuất kích).
|
Giây phút thư giãn của các nữ “phù thủy”. |
Điều phi thường và đáng ngưỡng mộ ở những nữ “phù thủy” này là họ chỉ lái máy bay trong đêm và họ không hề đem theo dù. Máy bay của các “phù thủy” cũng không có radar, súng, radio mà chỉ có la bàn và bản đồ. Nếu bị trúng đạn, những chiếc “chổi bay” của nữ “phù thủy” sẽ bốc cháy như tờ giấy.
Với vô số khó khăn và nguy hiểm, các nữ “phù thủy” chưa bao giờ chùn bước. Trung úy Galina Brok - Beltsova, nay đã 85 tuổi, một trong những “phù thủy” năm nào, nhớ lại: “Chúng tôi có một nhiệm vụ lớn trước mặt, đó là tiêu diệt quân thù”. “Chúng tôi có thể ngủ ở bất cứ địa điểm nào tìm thấy, kể cả là những cái hố trên mặt đất, trong lều và hang. Chúng tôi ra quân vào ban đêm, sau khi quân Đức bắt đầu ngủ và đánh bom chúng”, bà Beltsova hồi tưởng.
Sự gan dạ không phải là yếu tố duy nhất khiến các nữ “phù thủy” thành công mà yếu tố quan trọng nhất là họ có chiến thuật chiến đấu vô cùng thông minh. Các nữ “phù thủy” thường bay trong đội hình 3 máy bay với 2 máy bay luôn hoạt động như chim mồi thu hút sự chú ý của phát xít Đức. Sau một thời điểm nhất định, 2 máy bay sẽ đột nhiên tách ra những hướng khác nhau và nhanh chóng di chuyển khi chiếc còn lại thả bom.
Amy Goopaster Strebe, nhà sử học và là tác giả cuốn sách Flying for Her Country (tạm dịch: Bay vì đất nước của cô ấy), nhận định: “Có lẽ những nữ phi công này đều mang trong người niềm khao khát được khám phá và tự do. Chính điều này đã dẫn họ đến với lực lượng không quân”.
Quãng thời gian chiến đấu của các nữ “phù thủy” luôn đầy ắp kỷ niệm. Họ mặc đồng phục “kế thừa” từ những nam phi công. Máy bay của họ có buồng lái “lộ thiên”, vì vậy khuôn mặt của các nữ phi công thường “đóng băng” trong đêm giá lạnh. Popova nhớ lại: “Vào mùa đông, đôi bàn chân của chúng tôi như đông cứng trong ủng nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục”.
Một lần, sau chuyến bay tiêu diệt địch thành công, nữ “phù thủy” Popova đã đếm được 42 lỗ đạn trên thân chiếc máy bay bé nhỏ của mình. Tấm bản đồ trên máy bay cũng bị trúng đạn và thậm chí đạn còn sượt qua mũ phi công của bà.
Liên Xô là nước đầu tiên cho phép phi công nữ lái máy bay và thả bom nên các nữ “phù thủy” đôi khi cũng gặp khó khăn trong vấn đề phân biệt giới tính. Bà Brok - Beltsova hồi tưởng lại: “Các đồng nghiệp nam nghĩ chúng tôi quá trẻ, ngây thơ và không có khả năng chiến đấu với quân thù nhưng khi đã cùng ở trên một chiến hào, chúng tôi đã chứng tỏ được bản thân mình”.
Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều nữ “phù thủy” năm nào vẫn gắn bó với bầu trời, trở thành phi công lái máy bay thử nghiệm. Những người khác làm việc tại các trang trại hoặc nhà máy. Nhưng có một điểm chung là họ đều coi quãng thời gian chiến đấu là phần đời đặc biệt nhất của mình.
Bà Popova từng bộc bạch: “Đôi khi tôi nhìn vào bóng tối và nhắm mắt lại, tôi vẫn có thể tưởng tượng lại mình là cô gái trẻ bên trong buồng lái máy bay và tôi đã tự hỏi bản thân rằng: Popova, sao cô có thể làm được việc đó?”.