Chẳng biết có phải ngẫu nhiên không nhưng trong lịch sử Việt Nam, rất nhiều sự kiện liên quan đến vận mệnh của dân tộc ta đều rơi vào năm Thân.
Giáp Thân 1284 hội nghị Diên Hồng
Năm Giáp Thân 1284, quân Nguyên đóng sát biên giới uy hiếp, phao tin là mượn đường đánh Chiêm Thành nhưng thực chất là âm mưu xâm lược nước ta. Trước tình thế nguy hiểm đó, triều đình nhà Trần ngoài việc chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu đã lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến Việt Nam, mở một cuộc “hội nghị dân chủ” để trưng cầu dân ý. Đó là hội nghị họp các phụ lão uy tín trong nước về điện Diên Hồng để triều đình hỏi kế đánh giặc.
|
Tranh minh họa hội nghị Diên Hồng. |
Bối cảnh của sự việc, theo "Việt Nam sử lược" của Trần Trọng Kim là năm 1282, vua Nguyên sai Sài Thung đem theo 1.000 quân dẫn Trần Di Ái về nước ta định lập làm vua bù nhìn nhưng bị quân Trần chặn đánh khiến Sài Thung bị thương. Vua Nguyên lấy cớ đó sai con là Thoát Hoan cùng Toa Đô, Ô Mã Nhi dẫn 50 vạn quân phao tin là mượn đường sang đánh Chiêm Thành nhưng âm mưu xâm lược nước ta.
Năm 1283, vua Trần Nhân Tông phong Hưng Đạo Vương làm tiết chế thống lĩnh mọi lực lượng quân đội để chống Nguyên. Tháng 8 năm Giáp Thân 1284, Hưng Đạo Vương truyền hịch cho các vương hầu hội quân tại bến Đông Bộ Đầu để kiểm duyệt. Tổng cộng quân thủy bộ có 20 vạn người. Sau khi duyệt binh đã chia quân cho các tướng đi chống giữ những nơi hiểm yếu.
Một mặt điều binh khiển tướng như vậy nhưng mặt khác triều đình cũng thực hiện chính sách động viên toàn dân đánh giặc. Sử chép rằng triều đình đã ra lệnh nếu có giặc đến thì nhân dân phải hết sức chống đánh, nếu không chống được thì cho rút vào rừng chứ không được đầu hàng. Để toàn dân thấm nhuần nhiệm vụ chống giặc cứu nước, các vua Trần đã triệu tập về kinh các vị phụ lão cao niên uy tín trong cả nước về Thăng Long để hỏi ý kiến.
Theo "Đại Việt sử ký toàn thư": “(tháng 12 năm Giáp Thân) Thượng hoàng triệu phụ lão trong nước họp ở thềm điện Diên Hồng, ban yến và hỏi kế đánh giặc. Các phụ lão đều nói “đánh”, muôn người cùng hô một tiếng, như bật ra từ một cửa miệng”.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong kiến, triều đình đã họp dân để bàn chủ trương chiến lược khi đất nước lâm nguy. Nó biểu hiện cho tư tưởng chiến tranh nhân dân của ông cha ta.
Sử thần Ngô Sĩ Liên thì bàn: Giặc Hồ vào cướp nước là nạn lớn nhất của đất nước. Hai vua hiệp mưu, bầy tôi họp bàn há lại không có kế sách gì chống giặc mà phải đợi đến ban yến hỏi kế ở các phụ lão hay sao? Là vì Thánh Tông muốn làm thế để xét lòng thành ủng hộ của dân chúng, để dân chúng nghe theo lời dụ hỏi mà cảm kích hăng hái lên thôi. Đó là giữ được cái nghĩa người xưa nuôi người già để xin lời hay vậy”.
Mậu Thân 1788 hành quân thần tốc đánh quân Thanh
Những ngày cuối năm Mậu Thân 1788, vận mệnh đất nước, sự tồn vong của dân tộc Việt lại bị nguy ngập khi nhà Thanh cử mấy chục vạn quân do Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị cầm đầu sang xâm lược nước ta. Sở dĩ quân Thanh kéo sang là do vua Lê Chiêu Thống cầu nhà Thanh phái quân sang giúp.
Từ bao đời, các thế lực phương Bắc luôn nhòm ngó phương Nam ta không lúc nào quên ý đồ biến nước ta thành quận huyện của chúng. Bởi vậy lần này vua Càn Long nhà Thanh điều mấy chục vạn quân sang cũng không phải chỉ có ý tốt là giúp vua Lê Chiêu Thống. Dân tộc Việt sẽ giữ được độc lập hay lại quay về kiếp nô lệ của phương Bắc? Lịch sử đã giao sứ mệnh trả lời câu hỏi đó vào tay người anh hùng Nguyễn Huệ.
|
Tranh minh họa. |
Lúc đó Nguyễn Huệ đang đóng ở Phú Xuân, chỉ có các tùy tướng của ông như Ngô Văn Sở, Ngô Thì Nhậm... là ở trấn thủ miền Bắc. Ngô Văn Sở gặp thế quân Thanh quá lớn đã theo kế của Ngô Thì Nhậm, vừa đánh vừa rút dần cả quân thủy quân bộ về Biện Sơn và Tam Điệp rồi cho người chạy vào cấp báo với Nguyễn Huệ.
Nguyễn Huệ được tin đã quyết định lên ngôi hoàng đế để danh chính ngôn thuận lãnh đạo nhân dân ta kháng chiến chống quân Thanh. Trong chiếu lên ngôi, ông đã đọc mấy lời hịch mà đến hôm nay âm hưởng của nó vẫn còn hào hùng trong mỗi dịp lễ hội Đống Đa. Đó là mấy lời hiệu triệu: Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng, đánh cho nó không còn manh giáp, đánh cho nó biết nước Nam anh hùng là có chủ.
Ngay sau khi lên ngôi ông hành quân rất thần tốc ra bắc. Ra đến Nghệ An ông tuyển thêm vài vạn binh sỹ rồi lại ngày đi đêm nghỉ thần tốc tiến ra hội quân ở Tam Điệp với các tướng. Cho đến những ngày giáp tết Kỷ Dậu 1789, đại quân của Nguyễn Huệ đã áp sát quân Thanh chuẩn bị chiến dịch tiến công chớp nhoáng nhưng quân Thanh chưa hề hay biết. Sau đó chỉ trong mấy ngày tết Kỷ Dậu, Nguyễn Huệ đã tổ chức một chiến dịch đại phá quân Thanh cực kỳ thần tốc và vào được Thăng Long đúng ngày mùng 7 tết.
Mậu Thân 1968 đánh bại ý chí Mỹ
Năm 1968, khi lực lượng quân Mỹ đã đổ lực lượng đến mức độ lớn nhất vào Việt Nam, quân dân ta đã bất thần giáng cho chúng một đòn bất ngờ vào dịp tết Mậu Thân và sau đó suốt trong năm 1968 lại tiếp tục tổ chức các đợt tiến công tiếp theo.
Theo từ điển mở Wikipedia, đến cuối năm 1967, tổng số quân chiến đấu Mỹ có mặt ở miền Nam Việt Nam lên tới 480.000 người và 68.000 quân của các nước phụ thuộc Mỹ. Đó là chưa kể khoảng hơn 200.000 quân khác đóng ở các căn cứ quân sự trên đất Thái Lan, Nhật Bản, Philippine cùng Hạm đội 7, Hạm đội 6 ngoài biển Đông.
|
Tòa Đại sứ Mỹ sau khi bị đặc công ta tấn công trong tết Mậu Thân. |
Về phía ta, Bộ Chính trị xác định ta không thể giành thắng lợi quyết định trước Mỹ bằng cách đánh quân sự thông thường nên phải tìm cách đánh khác để đánh bại ý chí tiếp tục chiến tranh của Mỹ. Bởi vậy, đúng vào ngày tết Mậu Thân 1968, quân dân ta đã đồng loạt tiến công 6 thành phố, 44 thị xã cùng hàng trăm quận lị ở khắp miền Nam.
Bên cạnh quy mô rộng khắp, quân dân ta còn táo bạo đánh vào các mục tiêu đầu não nhất của địch như tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, Dinh Độc Lập, Đài Phát thanh, trụ sở Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn... Cuộc Tổng tiến công nổi dậy xuân 1968 của quân dân ta tuy không phải trận quết chiến chiến lược đánh bại Mỹ nhưng đã làm nhụt ý chí chiến tranh của Mỹ khiến chính quyền Mỹ thì nản lòng dần còn nhân dân Mỹ thì ngày càng phản đối cuộc chiến quyết liệt hơn. Bởi vậy cuộc Tổng tiến công Mậu Thân, tuy sự thiệt hại của ta cũng rất nặng nề nhưng vẫn tạo ra một sự thay đổi rất quan trọng trong sự nghiệp giải phóng đất nước của quân dân ta.