Dân quân du kích là một bộ phận của QĐND Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh 30 năm giải phóng dân tộc (1945-1975), bên cạnh bộ đội chính quy, dân quân du kích có những đóng góp to lớn. Đặc biệt, trong chiến đấu, họ là “cha đẻ” của những lối đánh chưa từng ghi trong từ điển quân sự. Dưới đây là một vài mẩu chuyện chiến đấu tiêu biểu của du kích. Bài viết có sử dụng tư liệu của sách Mưu và kế của Nxb Quân đội nhân dân.
Gánh lá han diệt địch
Đầu năm 1954, để phối hợp với Điện Biên Phủ, du kích khu vực Kỳ Nha, Nha Xuyên, Xuân Phố (Thái Bình) quyết định vây đồn Cầu Sắt cạnh quốc lộ 39 để ghìm chân và thu hút máy bay địch về khu vực này.
Ban đầu du kích đào công sự vây đồn và bắn tỉa nhưng địch trong đồn có hỏa lực rất mạnh. Chúng lại gọi pháo từ thị xã bắn về rồi xung phong đánh ra giải tỏa nên du kích phải rút đi.
Vây không lợi thì ta tìm cách khác. Nhận thấy đồn nằm cạnh một con sông đào, toàn bộ nguồn nước sinh hoạt của bọn lính đều phụ thuộc hết vào con sông này, du kích quyết định triệt nguồn nước để bức địch phải rút.
|
Dùng nồi đất giả làm mìn lừa địch. Ảnh tư liệu.
|
Đông đảo nhân dân xung quanh đã được huy động để đắp đập chặn 2 đầu khúc sông và tát cạn. Bọn địch vô cùng hoảng hốt khi thấy nước sông cạn sạch cứ như là có con rồng trên trời xuống hút hết vậy. Nhưng khi chúng đi dọc theo bờ sông thì chúng đã phát hiện ra nguyên nhân. Chỉ sau vài loạt pháo bắn, các đập chắn mà nhân dân và du kích khổ công đắp chặn đã tan hoang.
Chính vào lúc này, du kích lại nghĩ ra một mẹo khác. Chỉ trong một đêm họ gánh hơn 600 gánh lá han đến thả xuống khúc sông gần đồn địch. Mấy ngày thiếu nước, nay có nước về, lính trong đồn thi nhau tắm giặt nhưng chúng không biết rằng nước sông đã bị nhiễm nhựa lá han.
Bởi thế, những tên tắm giặt xong bị ngứa rộp hết người. Không những thế, người dân còn vứt nhiều thứ xú uế xuống khúc sông này. Chỉ ít ngày sau, quá nửa bọn địch trong đồn đã bị nhiễm bệnh phù thũng và gần chục tên đã bị chết vì bệnh kiết lỵ.
Mang bưởi nhử địch
Thời kháng chiến chống Pháp, quân Pháp đóng ở Hải Dương rất thích ăn hoa quả trong vườn của dân. Bởi thế, mỗi lần đi càn là chúng xục vào vườn ra sức cướp bóc hoa quả. Du kích huyện Cẩm Giàng biết được thói xấu của chúng liền nghĩ cách để trừng trị bọn địch.
|
Du kích Nam bộ với súng đại liên thu được của Pháp. Ảnh tư liệu.
|
Một sáng có toán lính từ Cẩm Giàng đi về hướng tỉnh lỵ Hải Dương. Đang đi chúng thấy phía trước có một phụ nữ gánh bưởi hấp tấp chạy. Có lẽ chị ta sợ đám lính bắt gặp sẽ lấy hết bưởi. Nhưng không kịp nữa, bọn lính đã nhìn thấy chị và đuổi theo. Chị kia chạy càng nhanh hơn nên bưởi trong gánh bắt đầu rơi ra đường.
Bọn địch theo sau vừa nhặt bưởi vừa cười hô hố. Khi chúng đuổi đến gần, chị kia hốt hoảng vứt cả gánh bưởi rồi chạy vào một xóm ở gần đấy. Chỉ giây lát, đám lính cũng chạy tới nơi và tranh nhau những quả bưởi.
Đang lúc lộn xộn ấy, bỗng có một tiếng nổ dữ dội phát ra ngay chỗ đám lính đang nhặt bưởi. Bốn tên địch bị chết tại chỗ cùng gần 10 tên khác bị thương. Cả đám nháo nhác hoảng loạn. Khi hoàn hồn, chúng bắn mấy loạt đạn vu vơ vào trong xóm rồi thu xác đồng bọn về.
Thì ra biết tính ham ăn của địch, du kích huyện Cẩm Giàng đã bố trí để đánh chúng. Đêm trước, họ bí mật gài mìn trên con đường địch đi qua. Sáng hôm sau, đợi khi đám lính bắt đầu đi thì họ cho một nữ du kích gánh một gánh bưởi đi trước chúng rồi giả vờ chạy dụ địch đến chỗ gài mìn thì quăng gánh bưởi. Thật là một cách đánh mưu trí.
Tài đánh mìn của du kích đường 5
Đường quốc lộ 5 trong thời chống Pháp là con đường nguy hiểm đối với giặc Pháp. Hàng chục hàng trăm vụ dính mìn đã khiến quân Pháp gọi đây là “con đường máu”. Người gây ra nỗi kinh hoàng cho quân Pháp không ai khác là những du kích đường 5 nổi tiếng về tài đánh mìn.
Sau nhiều lần bị phục kích, Pháp bắt đầu đề phòng nên chúng thường cho lính dò mìn đi trước mỗi khi có đoàn xe quan trọng đi qua. Một số mìn của du kích đã bị chúng gỡ được. Không chịu bó tay, nhân dân ta lại nghĩ ra cách tinh vi hơn để lừa chúng.
Họ đào thật nhiều lỗ chôn mìn và đặt vào đấy toàn mìn giả. Để gây chú ý, mỗi chỗ đặt mìn họ cắm một cái biển to như biển chỉ đường và ghi bằng tiếng Pháp “attention aux mines” nghĩa là “có mìn, cần chú ý đề phòng”.
Lần đầu tiên trông thấy biển, bọn địch đi trên xe phải dừng lại tổ chức lực lượng đi dò và gỡ mìn. Nhưng dò mãi mà chỉ lôi lên toàn mìn giả khiến chúng rất bực dọc. Sau vài ba lần như vậy, bọn địch cho đây chỉ là trò lừa của du kích để làm chậm bước bọn chúng nên chẳng ngó ngàng gì đến các tấm biển nữa.
Nhận thấy thời cơ đã đến, nhân dân ta mới đánh thật. Vào một buổi sáng có hơn 40 tên đi trên một chiếc xe “cam-nhông” từ Hải Phòng về Hà Nội. Đi được chừng 20 km thì chúng gặp một chiếc biển báo có mìn cắm sát lề đường.
Tên lái xe bực tức dừng lại rồi hầm hầm đi xuống giật phăng cái biển ném đi. Bất thình lình một tiếng nổ dữ dội phát ra. Chiếc xe bật ngửa về phía sau rồi lăn xuống ruộng. Toàn bộ địch ngồi trên xe bị chết và bị thương. Thì ra du kích đã chôn mìn ngay cạnh cái biển và lấy dây nối kíp nổ với cái biển. Khi tên lái xe nhổ biển ném đi đã kích nổ quả mìn.