Ngày tiếp quản thủ đô qua hồi ký Tướng Giáp

Google News

(Kiến Thức) - Trong ngày trở về Thủ đô, nơi đầu tiên tướng Giáp đến thăm là nhà máy đèn Yên Phụ, nơi cắt điện làm hiệu lệnh tiến công 9 năm trước. 

Quân ta vào thành
Ngày 9/10/1954, một số đơn vị của đại đoàn 308 vào trước tiếp quản các công sở, nhà máy, từ tay quân Pháp. Thành phố đang bị đặt dưới lệnh giới nghiêm, không một bóng người. Các ngôi nhà, cửa đều đóng kín.
Khi một đơn vị tới Cầu Giấy làm thủ tục bàn giao, những chiếc xe bọc thép của quân Pháp chưa kịp quay đầu thì từ ngôi nhà tranh xiêu vẹo bên đường đã xuất hiện một lá cờ đỏ sao vàng và những tiếng hô không biết từ đâu nổi lên: “Hồ Chủ tịch muôn năm!... Hoan nghênh các anh bộ đội trở về giải phóng Thủ đô”…
 Các chiến sĩ Việt Minh tiến vào thành phố dưới cơn mưa mùa thu lất phất. Ảnh: Life. 
Sau đó bà con ùa ra, xúm xít quanh các chiến sĩ tủi tủi mừng mừng. Chỉ trong giây lát, cả dãy phố nghèo ở ngoại ô đã đỏ rực màu cờ. Tại nhà máy đèn Hà Nội, anh chị em công nhân đứng xếp hàng trước cửa với những bó hoa trên tay. Họ đã trải chiếu nằm tại sở mấy ngày qua không cho quân địch tháo dỡ máy móc đem đi.
Tại ga Hàng Cỏ, anh chị em vui vẻ cho biết vừa sửa xong một chiếc đầu tàu thật tốt, bảo đảm cho chuyến tàu đầu tiên xuất phát đúng giờ chào mừng bộ đội trở về.
Quân Pháp lui dần qua cầu Long Biên chấm dứt sự có mặt gần 100 năm ở thành Hoàng Diệu.
Sáng 10/10/1954, trời mưa nhưng đường phố rất sạch sẽ. Cổng chào đã được dựng lên ở khắp nơi. Tàu điện từ ngoại ô đi vào chật ních người dân ngoại thành. Tất cả mọi người dồn ra hai bên đường chờ đón giờ phút lịch sử, đoàn quân chiến thắng trở về.
 Đoàn quân chiến thắng đi qua rạp Đại Nam ở phố Huế. Ảnh: Life. 
Đại đoàn 308 là đơn vị được giao nhiệm vụ tiếp quản thủ đô. Đơn vị đã chia 3 ngả tiến vào thành phố. Ở phía Tây, Trung đoàn Thủ đô xuất phát từ “Quần Ngựa” theo đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông… vào đóng quân trong “thành cổ Hà Nội”. Trung đoàn 36 và 88 xuất phát từ phía Nam tiến qua Bạch Mai, phố Huế… vòng quanh hồ Hoàn Kiếm rồi trở lại theo đường Trần Hưng Đạo vào đóng quân ở khu vực “Đồn Thủy” và “Đấu Xảo”.
Bộ phận thứ 3 là đoàn cơ giới và pháo binh cùng với Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ đi từ sân bay Bạch Mai vào ngã tư Vọng sang ngã tư Trung Hiền rồi theo đường Bạch Mai, phố Huế ra bờ hồ, đi tiếp qua Hàng Đào, Hàng Ngang, chợ Đồng Xuân, Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu rồi vào đóng trong “Thành cổ Hà Nội” từ hướng cửa Bắc.
Cũng theo hồi ký của tướng Giáp mà ta biết được anh hùng Nguyễn Quốc Trị, Trung đoàn trưởng Trung đoàn Thủ đô là người được vinh dự dẫn đầu đơn vị bộ binh vào tiếp quản Thủ đô.
Sau đơn vị bộ binh là đến đoàn xe bộ binh cơ giới, pháo binh. Những chiến sĩ nhỏ nhắn, giản dị và hiền lành làm nhiều người ngạc nhiên vì họ vừa chiến thắng những tên lính Pháp cao to dữ tợn, vũ trang đầy người.
Trong khắp thành Hà Nội, đâu đâu cũng từng bừng nhộn nhịp. Phố Hàng Bông, Hàng Đào rộn ràng tiếng trống múa sư tử, múa lân. Người dân đốt pháo chào mừng bộ đội, xác pháo đỏ hồng rải trên đường phố như những cánh hoa đào.
Tướng Giáp trong ngày 10/10 lịch sử
Tháng 12/1946, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong vai trò Tổng Tư lệnh quân đội Quốc gia Việt Nam đã chỉ huy cuộc toàn quốc kháng chiến đánh quân Pháp trên khắp cả nước đồng thời theo dõi sát sao tình hình mặt trận Hà Nội. Sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, với đường lối đúng đắn của Đảng và Bác Hồ và tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi mang lại ngày trở về Thủ đô vinh quang.
 Cuốn "Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Vinabook.com. 
Ngày 10/10 khi quân ta tiến về giải phóng Thủ đô, tướng Giáp hãy còn ở phía sau. Sáng 11/10, tướng Giáp cùng các ông Lê Văn Lương, Xuân Thủy, Tố Hữu về tới Hà Nội. Trong hồi ký, tướng Giáp viết: “Thủ đô vẫn giống như những ngày Cách mạng tháng Tám khi Bác và chúng tôi từ chiến khu trở về. Rợp trời cờ đỏ. Những đường phố vào Thu lác đác lá vàng. Những ngôi nhà kín đáo nấp dưới vòm cây. Hàng liễu rủ quanh Hồ Gươm nước vẫn xanh ngắt. Chỉ khác với hồi tháng 12/1946 là không còn những chiếc xe nhà binh, những chiếc mô tô Pháp gầm rú trên đường phố, không còn tiếng giày đinh của những tên lính mũ đỏ nện trên vỉa hè”.
Việc đầu tiên tướng Giáp làm là đi thăm nhà máy điện Yên Phụ, nơi mà các công nhân đã cắt điện để làm hiệu lệnh tấn công trong tối ngày 19/12/1946. Ông viết: “Tôi siết chặt tay những người thợ quần áo đầy muội than đã phá máy làm tắt nguồn điện của Hà Nội, thay hiệu lệnh tiến công đêm 19/12/1946, hôm nay lại đấu tranh kiên cường với địch bảo vệ máy giữ lại nguồn ánh sáng cho Thủ đô”.
Đại tướng cũng lưu tâm tìm Liễu Trang – ngôi nhà nhỏ mà Thường vụ Trung ương Đảng vẫn họp trước khi rời Hà Nội. Ngôi nhà nằm trong khu Ngã Tư Sở nhưng sau 9 năm mọi thứ đã khác xưa và không còn dấu vết.
Trong đời hoạt động cách mạng, tướng Giáp đã có nhiều kỷ niệm về các chuyến ra đi và trở về Thủ đô. Chẳng hạn chuyến chia tay bà Nguyễn Thị Quang Thái cùng con gái ở Hồ Tây để cùng với Thủ tướng Phạm Văn Đồng vượt biên sang Trung Quốc gặp Bác Hồ. Rồi lần trở về thì là lúc Cách mạng tháng Tám thành công rực rỡ vào tháng 8/1945.
Những ngày này, trong không khí kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô, nhân dân Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung lại ngậm ngùi tưởng nhớ tướng Giáp vì ngày 4/10 cũng là ngày giỗ đầu của Đại tướng.
* Bài viết có sử dụng tư liệu trong cuốn “Điện Biên Phủ - Điểm hẹn lịch sử” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Khánh Nam

>> xem thêm

Bình luận(3)

Minh Hiền

Hải Yến

Hình ảnh của bác Giáp sẽ mãi hiện diện trong tim của mỗi con người Việt Nam.

Minh Hiền

Lê gia bảo

Bác là 1 tấm gương để mọi con người của Việt Nam noi theo.

Minh Hiền

nguyễn văn

Bác Giáp lúc nào cũng ở tinh thần như vậy. Cảm ơn Bác một người con của đất Việt.