Ly kỳ chuyện công chúa Mỵ Châu từng lỡ một mối duyên tình

Google News

Ngoài những tình tiết trong truyền thuyết “thành Ốc, nỏ thần”; “ngọc trai, lông ngỗng”, có nhiều huyền tích về công chúa Mỵ Châu mà ít ai được biết.

Mỵ Châu không phải là con độc nhất của An Dương Vương
Các nguồn sử liệu khi viết về An Dương Vương và nhà Thục nước Âu Lạc chỉ nhắc đến công chúa Mỵ Châu, điều này khiến dân gian tưởng rằng đây là người con duy nhất của An Dương Vương. Thực ra, dựa vào một số bản ngọc phả, thần tích có thấy nhắc đến những người con khác của An Dương Vương, điều thú vị ở chỗ những người con này đều là nữ.
Ảnh minh họa. 
Trong các tài liệu như sách Tây Hồ chí, Thần tích làng Hương Bài, thần tích làng Hương Nghĩa (nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội)… có nhắc đến người con gái cả của An Dương Vương là công chúa Quỳnh Anh (được gả cho tướng quân Võ Quốc), ngoài ra còn có các nàng công chúa khác là công chúa Phượng Minh (được gả cho tướng quân Cao Tứ, em của Cao Lỗ), công chúa Phương Dung…
Hay như theo truyền thuyết ở Kẻ Bọn (nay thuộc xã Châu Hạnh, huyện Qùy Châu, Nghệ An), khi chưa làm vua, An Dương Vương được một chúa mường giúp sức, tuyển binh, cấp lương cho để mưu việc. Vì thế sau này để trả ơn, nhà vua đã gả một người con gái cho chúa mường.
Như vậy công chúa Mỵ Châu còn có một số chị em, nhưng câu chuyện về họ mờ nhạt trước cả sắc đẹp lẫn số phận bi thương của nàng.
Một mối duyên tình không trọn vẹn
Dã sử kể rằng, vì chỉ có con gái nên An Dương Vương thực hiện kế sách “nhằm bọn quần hùng, tầm trang giai tế” (trong đám quần hùng, tìm lấy rể quý), tuyển chọn cho nội triều những trang tuấn kiệt anh hào, thừa dũng đủ tài phụ giúp xung quanh vua chủ, góp sức chung lưng bảo vệ trường tồn nhà nước Âu Lạc.
Những người con gái của mình, An Dương Vương đều lựa chọn gả cho các tướng lĩnh có tài, có đức và hết mực trung thành. Về phần công chúa Mỵ Châu, nhà vua rất yêu quý nên còn cân nhắc tìm chàng rể thật xứng đáng. Công chúa Quỳnh Anh, với vai trò là chị cả, rất mực chu toàn với việc nội cung, trong lòng nàng cũng mong muốn em gái có được tấm chồng tương xứng.
Người mà Quỳnh Anh để ý đến, muốn tác hợp duyên tình cho em gái là một vị tướng tên gọi Hùng Nam, tuổi trẻ tài cao, dung mạo tuấn tú. Trong triều cũng có nhiều người tán đồng cho rằng, nếu Hùng Nam trở thành chồng của công chúa Mỵ Châu thì đức vua An Dương Vương sẽ có thêm một chàng rể giúp cho vương triều thêm vững vàng, dài lâu.
Đồng cảm với chị mình, trong khung mắt xanh của Mỵ Châu dường như cũng đã vương động cái mẫu hình tuấn tú của viên tướng trẻ ấy. Song sự đời xưa nay thường vẫn bị trời xanh kia đùa dai mượn cớ để mà bỡn cợt khách phàm trần. Cho dù cuộc tình giữa công chúa Mỵ Châu kiều diễm với trang tuấn kiệt Hùng Nam, nhận được sự đồng thuận từ cả ba bề bốn phía, trong nội ngoại triều.
Nhưng tiếc rằng duyên phận éo le, bởi An Dương Vương lại đồng ý gả công chúa cho Trọng Thủy, con trai của Triệu Đà vua nước Nam Việt. Vì vua mong muốn gạt bỏ chiến tranh, kết tình hòa hiếu giữa hai nước mặc dù có rất nhiều đại thần can gián, khuyên vua chớ mắc mưu gian của giặc.
Thế là, viên ngọc trắng trong xứ Âu Lạc liền bị đẩy xô vào cái “dớp” oan khiên “hồng nhan bạc phận”, Mỵ Châu trở thành con bài cho những toan tính chính trị. Và cũng từ đấy, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin ở người con gái đang còn ngây thơ trong trắng, chiếc bẫy duyên tình được giăng mắc sẵn liền sập xuống.
Dù đã hàng ngàn năm trôi qua, người ta vẫn còn phải tốn nhiều giấy bút để đánh giá sao cho thật đúng về nàng, là nạn nhân hay kẻ tội đồ, là người đáng thương hay đáng giận!.
Theo Báo Phụ Nữ

Bình luận(0)