Lý giải thú vị: Tính cách có "phiên bản hai" không?

Google News

(Kiến Thức) - Thừa nhận tính cách có yếu tố di truyền nên theo các chuyên gia, không thể có được những đứa trẻ sinh ra "như một tờ giấy trắng". 

Vậy cơ sở di truyền này thế nào? Liệu có tìm được người mang tính cách trùng lặp với nhau? Cha mẹ có thể can thiệp ra sao vào việc xây dựng, hình thành tính cách cho trẻ?
Cách nhận biết 
các kiểu thần kinh
TS Nguyễn Hồng Thuận, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chỉ ra rằng, theo cơ chế di truyền (gene) thì chỉ những gene trội hoặc hai gene lặn đi cùng nhau mới biểu hiện ra ngoài tính trạng. Chẳng hạn, nếu người cha mang gene trội mà đứa trẻ được mang gene trội đó sẽ có khả năng mang nét tính cách của cha. Nhưng nếu người cha mang gene lặn, kết hợp với gene lặn của mẹ, đứa trẻ sẽ mang nét tính cách của hai gene lặn ấy, nên có thể tính cách đó không giống với cha mẹ. Do đó, nếu đứa trẻ mang nét tính cách của cha mẹ thì đó là điều dễ hiểu vì yếu tố di truyền. Nhưng nếu không thì điều đó cũng chẳng có gì lạ!
Cũng theo TS Nguyễn Hồng Thuận, về mặt di truyền, tính cách chịu ảnh hưởng nhiều của cấu tạo kiểu thần kinh. Tâm lý học thường chia thành các nhóm điển hình: Thần kinh mạnh và cân bằng, thần kinh mạnh nhưng không cân bằng, thần kinh yếu và cân bằng, thần kinh yếu và không cân bằng. Với những người có kiểu thần kinh không cân bằng, trong điều kiện thuận lợi thì không có vấn đề gì đáng ngại. Nhưng, nếu trong môi trường không thuận lợi, hoặc có tác động mạnh thì họ dễ có những chao đảo, rối loạn về tâm trí và hành vi, khó có thể lấy lại cân bằng trong cuộc sống nên sẽ dễ bị tổn thương hơn.
Vậy làm thế nào để nhận biết được các kiểu thần kinh này? Theo TS Nguyễn Hồng Thuận, không khó để cha mẹ nhận ra kiểu thần kinh của con mình. Ngay ở trường, giáo viên cũng dễ dàng nhận biết được điều này, thông qua phản ứng, hành động của trẻ. 
Chẳng hạn, với kiểu thần kinh mạnh và cân bằng là những người có tính tình cứng rắn, mạnh mẽ nhưng biết kiềm chế bản thân. Ngược lại, những người hay nóng nảy, cáu giận, có những phản ứng thái quá, làm trầm trọng hóa vấn đề lên... là người có kiểu thần kinh mạnh nhưng không cân bằng. Còn với những người mang kiểu thần kinh yếu, họ thường rụt rè, nhút nhát, mềm yếu. Với những người cân bằng được thì họ sẽ nhận ra những điều đó mà khắc phục dần, còn những người không cân bằng sẽ trở nên tự ti, thu mình lại...
GS Phạm Thành Nghị, Viện Tâm lý học phân tích thêm: Với những người có cường độ thần kinh mạnh, tốc độ nhanh, chuyển từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại nhanh thì tính cách vui vẻ, sống động, giao thiệp rộng, nói nhiều, lạc quan, dễ kết bạn; tâm hồn nghệ sĩ, giàu trí tưởng tượng. Người có cường độ thần kinh mạnh, tốc độ nhanh, chuyển từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại vừa phải thì thường bột phát, nhiệt tình, nóng nảy. Với những người có cường độ thần kinh vừa phải, tốc độ vừa phải, chuyển từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại khá chậm thì thường khá kín đáo, suy nghĩ kỹ trước khi hành động, không sôi động, giữ kín chuyện trong lòng, tâm lý ổn định, ôn hòa. Cuối cùng là những người có cường độ thần kinh yếu, tốc độ chậm, chuyển từ hưng phấn sang ức chế và ngược lại rất chậm thường hướng nội, thận trọng đến mức nghi ngờ, dễ bị tổn thương, trầm cảm và xúc động, ít giao thiệp.
 Ảnh minh họa.
Tính cách có "phiên bản hai" không?
Do có 4 kiểu thần kinh điển hình nên liệu xác suất tìm được "phiên bản hai" giống hệt tính cách của một người nào đó có lớn không? Liệu có trường hợp nào như thế?
TS Nguyễn Hồng Thuận phân tích: Dù chia làm 4 nhóm kiểu thần kinh di truyền, nhưng biểu hiện cụ thể của mỗi kiểu thần kinh trong những cá thể, hoàn cảnh, tình huống cụ thể không bao giờ giống nhau. Chẳng hạn, với hai người cùng có kiểu thần kinh mạnh nhưng không cân bằng nên hay nóng giận, song sự nóng giận ở mỗi người lại có mức độ khác nhau, cách phản ứng khác nhau. Có thể có người la hét, đập phá, nhưng có người lại chọn việc im lặng hoặc bỏ đi...
Sở dĩ có điều này vì yếu tố gene di truyền chỉ đóng một phần vai trò trong việc hình thành tính cách, người ta còn chịu tác động của môi trường sống, sự giáo dục, sự tự ý thức và sự trải nghiệm của bản thân. Những yếu tố này lại không bao giờ có chuyện trùng hợp, ngay cả khi trẻ có sống chung một môi trường, chơi chung nhóm bạn, học chung một lớp... Do vậy, trên thực tế sẽ không bao giờ tìm được phiên bản hai giống hệt tính cách của một người nào đó. 
Làm gì khi trẻ quá hiếu động/quá rụt rè?
Theo TS Nguyễn Hồng Thuận, do có 4 kiểu thần kinh nên cha mẹ cần nhận biết, hiểu để có cách can thiệp nhằm xây dựng tính cách cho trẻ như mong muốn của cha mẹ.
Bà Thuận gợi ý: Với mỗi một kiểu thần kinh thì cần có những kiểu tác động riêng biệt, điều đó lý giải vì sao cần có các hình thức giáo dục cá biệt hóa. Cụ thể: Với kiểu thần kinh mạnh và cân bằng, yếu và cân bằng thì không có gì đáng ngại. Nhưng đối với hai kiểu thần kinh còn lại (mạnh nhưng không cân bằng, yếu nhưng không cân bằng) thì cần phải có những cách thức tác động riêng biệt. 
Chẳng hạn, nếu trẻ quá hiếu động, mạnh mẽ, hay nóng giận, hay đánh bạn thì cha mẹ cần phải phân tích cho con biết làm như thế con sẽ được gì, mất gì. Từ đó, chúng nhận ra rằng những hậu quả chúng nhận được sẽ rất xấu. Với trẻ này, việc áp dụng đòn roi không đúng cách còn gây tác dụng ngược; chúng cần được vỗ về, động viên, chia sẻ để dần "mềm" tính của mình hơn.
Thực tế, có những trẻ ở nhà hoặc gặp người quen thì hoạt bát, hay nói, vui vẻ nhưng khi gặp người lạ thì "cứng" lại, thu mình, thường im lặng và có ánh nhìn dò xét. Đó là do bản năng "phòng vệ" của trẻ quá lớn, trẻ cảm thấy không thật sự "an toàn". Bản năng này là hoàn toàn tự nhiên, tuy vậy mức độ thể hiện lại tùy thuộc ở từng người. Nếu cha mẹ không kịp thời can thiệp, lớn lên trẻ sẽ càng thu mình, không dám tiếp xúc với người lạ, cơ hội đến với trẻ sẽ bị hạn chế.
Trong trường hợp này, cha mẹ không còn cách nào khác là cần hướng trẻ đến việc tích cực tham gia các hoạt động, tạo cho trẻ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người lạ như cho đi chơi cùng với cơ quan của cha mẹ, đi chơi công viên... Dần dần, bản năng "phòng vệ" của trẻ sẽ hạn chế bớt khi trẻ nhận ra không phải ai lạ cũng không an toàn với mình, từ đó trẻ có thể giao tiếp với người lạ.
(còn nữa)
"Vai trò của cha mẹ trong việc tạo lập tính cách cho trẻ là quá lớn vì họ có rất nhiều ưu thế. Thứ nhất, cha mẹ là người sinh ra trẻ, chịu trách nhiệm về trẻ từ khi chúng sinh ra đến khi trưởng thành, điều đó đã được pháp luật quy định. Thứ hai, tình máu mủ tạo nên ràng buộc rất lớn. Thứ ba, thời gian đứa trẻ được tiếp xúc, sống với cha mẹ là lớn nhất nên gần gũi cha mẹ nhất. Hơn nữa, các hoạt động chung trong gia đình rất phong phú và đa dạng (sinh hoạt chung, thói quen hằng ngày, giao tiếp giữa các thành viên...) cũng đều có tác động tới trẻ. Như vậy, đứa trẻ có mang tính tốt mà cha mẹ mong muốn hay không phần lớn là do cha mẹ".
TS Nguyễn Hồng Thuận
Thanh Thủy

Bình luận(10)

Minh Hiền

nam quân

tác giả cũng nói trong bài rồi còn gì các bạn, không có ai là hoàn toàn giống nhau đâu, tuy nhiên việc phát hiện không có đứa trẻ nào sinh ra là 1 tờ giấy khá thú vị đấy chứ

Minh Hiền

mai hoa

mỗi người sinh ra đều là duy nhất, điều đó là hiển nhiên ko thể khác được. có chăng chỉ là sự hao hao thôi

Minh Hiền

huy

tôi thấy tôi chả giống ai hxhx một mình một kiểu

Minh Hiền

huy

thì có cái gì tuyệt đối đâu bạn, có người giống có người ko mà

Minh Hiền

nam vân

chết thật, thế mình bây giờ như nào thì sau này sinh con ra nó cũng tựa tựa như thế à?

Minh Hiền

việt

haha dự là bác trên có 1 gia đình siêu bựa =)))

Minh Hiền

hoàng

em thấy cả nhà cùng bựa lại vui ấy chứ :)) chúc mừng bác nhé

Minh Hiền

hồng phương

cần phải quan tâm trẻ nhỏ sát sao để có hướng giáo dục nuôi dưỡng hợp lý không phải trẻ nào cũng áp dụng 1 cách giáo dục

Minh Hiền

lợi

mình cũng thế! :v mọi người bảo tính mình cứ im im ko khác j papa cả :v

Minh Hiền

bình

thảo nào mình thấy mình giống bố mình ghê!! ko nói ngoại hình mà lời ăn tiếng nói luôn ấy :v =)))