Không có "đứa con của trời"
Theo từ điển tiếng Việt (Viện Ngôn ngữ học - 2000, Hoàng Phê chủ biên), tính cách là "tổng thể nói chung những đặc điểm tâm lí ổn định trong cách xử sự của một người, biểu hiện thái độ điển hình của người đó trong những hoàn cảnh điển hình". Nói cách khác, tính cách là từ được sử dụng để miêu tả cách thức suy nghĩ, biểu đạt những đặc điểm của cảm xúc, hành vi ứng xử trong xã hội của mỗi cá thể riêng biệt. Nó là một tổ hợp nhất quán được hình thành và thay đổi theo thời gian lớn lên của từng người trong cuộc sống.
Trên thực tế, dân gian vẫn có câu "cha mẹ sinh con, trời sinh tính". Vậy tính cách có phải do trời sinh, liệu có những "đứa con của trời" như thế?
Theo TS. Nguyễn Hồng Thuận, Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam thì câu nói dân gian này phần nào phản ánh thực tế việc những đứa trẻ sinh ra, lớn lên không mang tính cách của cha mẹ, ông bà, thậm chí trái ngược hoàn toàn. Tuy nhiên, câu nói mang tính tổng kết theo kinh nghiệm ấy không hoàn toàn đúng. "Bởi con cái sinh ra đương nhiên được thừa hưởng bộ gen của cha mẹ, đây là điều không thể phủ nhận. Song, cần hiểu rằng, tính cách (là thuộc tính của nhân cách) của đứa trẻ từ khi hình thành đến khi đã ổn định thì trải qua những giai đoạn nhất định. Quá trình sống ấy có tác động đến tính cách của trẻ. Ngay đến khi trưởng thành, dù tính cách đã tạm thời ổn định song nó vẫn tiếp tục được hoàn thiện", bà Thuận nhấn mạnh.
Cùng chung quan điểm, TS Nguyễn Văn Lượt, Khoa Tâm lý học, Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng: "Trước tiên, cần phải khẳng định tâm lý của con người nói chung, tính cách nói riêng không phải do ông trời nào sinh ra hết mà là kết quả của quá trình mỗi cá nhân lĩnh hội, tiếp thu kinh nghiệm xã hội - lịch sử của loài người, cha ông, những thế hệ đi trước chuyển thành cái riêng của mình. Di truyền đóng góp vai trò nền tảng, không phải là yếu tố tác động lớn đến tính cách con người. Nói thế để thấy, tính cách của mỗi người là "sản phẩm" của chính người đó tạo ra trong quá trình sống của mình. Đặc biệt, đối với trẻ em thì hoạt động, giao tiếp của trẻ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè là yếu tố có vai trò cực kỳ quan trọng, quyết định tính cách của trẻ".
Như vậy, việc nói rằng "cha mẹ sinh con, trời sinh tính" chỉ đúng một phần. Nói một cách hình ảnh, nếu coi việc những đứa trẻ không mang tính cách của cha mẹ, thậm chí "rạch giời rơi xuống" do "trời sinh" như những "đứa con của trời" thì đó là điều không có thật, vì tính cách có yếu tố di truyền!
|
"Cha mẹ sinh con, trời sinh tính" liệu có đúng? |
Tính cách hình thành như thế nào?
TS Nguyễn Hồng Thuận phân tích: Tính cách không phải ngẫu nhiên mà có. Nếu xem xét ở góc độ tâm - sinh lý, có 4 nhóm yếu tố tác động đến tính cách con người.
Thứ nhất là về tư chất (cha mẹ dành cho nên sinh ra đã có), nói khác đi chính là yếu tố di truyền. Thứ hai là môi trường, hoàn cảnh sống, điều kiện sống cũng tác động đến trẻ. Đứa trẻ sinh ra trong môi trường mà đủ đầy về vật chất, được cha mẹ quan tâm, yêu thương hết mực sẽ khác với đứa trẻ sinh ra trong gia đình khá giả nhưng cha mẹ chỉ mải kiếm tiền, ít được quan tâm, dạy dỗ... Thứ ba là yếu tố giáo dục nên mới sinh ra trường học. Nếu giáo dục đúng cách, đúng hướng thì sẽ giúp phát triển nhân cách của đứa trẻ. Do vậy, giáo dục phải làm sao để phát triển nhân cách trẻ một cách toàn diện. Thứ tư là bản thân mỗi cá nhân biết tự điều chỉnh, tự giáo dục mình.
Vậy đâu là yếu tố tác động chính đến tính cách con người? Tại sao có trẻ hoàn toàn mang tính cách hoặc của cha/hoặc của mẹ nhưng lại có đứa trẻ chẳng mang tính ai trong gia đình? TS Nguyễn Hồng Thuận thừa nhận, cha mẹ nào cũng mong muốn con cái có được những đức tính tốt của cha mẹ hoặc những đức tính mà cha mẹ muốn hướng tới cho con. Tuy nhiên, nhiều khi việc cha mẹ muốn với thực tế lại quá khác xa nhau, vì tính cách không phải được hình thành từ ý muốn chủ quan của một ai đó mà nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đã vừa chỉ ra ở trên.
Trẻ có phải "tờ giấy trắng"?
Nhiều người quan niệm: Đứa trẻ sinh ra như một tờ giấy trắng, người lớn "viết" lên đó cái gì (thông qua những việc làm, hành động, cách ứng xử, lời nói...) thì đứa trẻ sẽ phản chiếu lại. TS Nguyễn Hồng Thuận cho rằng, nói như thế cũng chỉ đúng một phần.
Theo bà Thuận, qua nhiều giai đoạn phát triển của khoa học, có những trường phái đã tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, khi nói rằng "đứa trẻ sinh ra như tờ giấy trắng". Đó là cách nghĩ hơi cực đoan và không hoàn toàn như vậy vì mỗi đứa trẻ sinh ra đã có một phần nền tảng mà cha mẹ truyền cho rồi. Trong quá trình lớn lên của đứa trẻ, những yếu tố từ bên ngoài (môi trường sống, sự giáo dục, sự tự ý thức) cũng tác động vào đứa trẻ, dần dần xây dựng tính cách cho chúng.
Vậy đâu là yếu tố tác động lớn nhất đến việc hình thành tính cách của trẻ? TS Nguyễn Văn Lượt cho rằng, tính cách của con người, bên cạnh một số ít yếu tố bẩm sinh thì bị chi phối nhiều hơn bởi yếu tố môi trường, văn hóa, giáo dục. Do vậy, tính cách của con người không mang tính bất biến mà có thể thay đổi trong quá trình sống dưới ảnh hưởng và tác động của giáo dục và môi trường sống.
Rõ ràng, không thể tìm được đứa trẻ như "tờ giấy trắng". Cũng không thể có được những đứa trẻ mang tính cách như mong muốn của người lớn, nếu như không có những tác động tích cực lên chúng. Nhưng điều mà nhiều người quan tâm là nếu tính cách có di truyền thì cơ chế của nó sẽ là gì? Làm cách nào để có thể giúp trẻ hội tụ được những đức tính tốt? Đâu là thời điểm thích hợp để tác động lên tính cách đứa trẻ?
(còn nữa)
"Nhiều khi, chúng ta vẫn hay nghe câu "con hư tại mẹ". Nó xuất phát từ xã hội truyền thống, khi mà sự phân công lao động mặc nhiên coi việc chăm sóc và giáo dục con cái là trách nhiệm của người phụ nữ trong gia đình. Ngày nay, quan niệm như thế là không phù hợp và cũng không mang tính khoa học. Do tính cách được hình thành trên cả bốn yếu tố nên nếu quá coi trọng yếu tố nào đó mà quên đi những yếu tố khác thì đều không tránh khỏi sai lầm".
TS Nguyễn Hồng Thuận