Tháng 11/1969, hơn một năm từ khi vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai diễn ra, báo chí Mỹ mới đồng loạt đưa tin về sự việc cùng những hình ảnh nạn nhân bị giết hại kinh hoàng. Vụ thảm sát ở thôn Mỹ Lai diễn ra dưới thời tổng thống Lyndon Johnson nhưng người kế nhiệm Richard Nixon phải nỗ lực giảm thiểu hậu quả vì sự việc có thể tác động đến uy tín của chính quyền mới.
Theo New York Post, tổng thống Nixon đã thành lập một "nhóm chuyên trách Mỹ Lai" gồm các chuyên viên quân sự, chính trị và tuyên truyền. Những cộng sự thân tín của tổng thống Nixon gồm chánh văn phòng Nhà Trắng khi đó, ông H.R. Bob Halderman; liên lạc viên với quốc hội, Franklyn Lyn Nofziger; cố vấn an ninh quốc gia Henry Kissinger...
|
3 nhân vật tâm điểm trong các phiên tòa xét xử vụ thảm sát Mỹ Lai: (từ trái qua): "Người hùng" Hugh Thompson, Tổng thống Richard Nixon và trung úy William Calley, quân nhân duy nhất bị kết tội giết hại thường dân ở thôn Mỹ Lai. Ảnh: New York Post. |
Những tài liệu lưu trữ trong thư viện cho thấy
Nhà Trắng âm mưu che đậy sự thật vụ thảm sát Mỹ Lai đối với dư luận Mỹ, đồng thời phá hoại các phiên tòa quân sự muốn luận tội những binh sĩ trực tiếp giết hại người dân Việt Nam. Phần lớn các tài liệu đều là ghi chú chép tay về nội dung cuộc họp giữa tổng thống Nixon với ông Halderman, theo trang CBS News.
Một tài liệu do Halderman ghi chép vội trong cuộc họp ngày 1/12/1969 (tức gần 2 năm sau vụ thảm sát Mỹ Lai) vạch ra danh sách những việc cần làm để đối phó với thảm họa truyền thông lớn nhất bấy giờ của chính quyền Nixon.
Một trong những chỉ đạo đầu tiên của Nixon là giảm thiểu tổn hại đối với uy tín quân đội. Nội dung Nixon đề cập gồm "các thủ đoạn bẩn thỉu" và "làm mất uy tín các nhân chứng" để "tiếp tục giải quyết sự cố". "Chúng ta có thể nhờ cậy một hoặc hai thượng nghị sĩ", ông Nixon nói.
"Các ghi chú của Halderman là một bằng chứng quan trọng cho thấy tổng thống Nixon đã can thiệp vào phiên tòa truy cứu tội ác chiến tranh của binh sĩ Mỹ", Ken Hughes, nhà nghiên cứu tại Đại học Virginia, nhận định.
|
Ghi ghép tay về chỉ đạo của tổng thống Nixon để che đậy sự thật vụ thảm sát ở Mỹ Lai, đề cập đến "các thủ đoạn bẩn" và "hạ uy tín nhân chứng". Ảnh: CBS. |
Thủ đoạn bẩn thỉu
Mendel Rivers, chủ tịch Ủy ban quân lực tại Hạ viện Mỹ khi đó, là một trong những đồng minh thân thiết của tổng thống Nixon. Ông là người phản đối kịch liệt việc truy tội binh sĩ Mỹ trong vụ thảm sát Mỹ Lai.
Rivers đã thành lập một tiểu ban điều tra trực thuộc ủy ban do chính ông phụ trách. Việc thành lập ủy ban nhằm điều tra độc lập những cáo buộc tội trạng "diệt chủng" mà lính Mỹ gây ra. Tuy nhiên, mục đích thực sự chính là ngầm phá hoại các phiên tòa quân sự muốn kết tội các bị cáo.
Quân đội cũng tự tiến hành điều tra riêng, họ không ngừng phàn nàn về sự can thiệp không phù hợp từ quốc hội.
Theo New York Post, tiểu ban của ông Rivers đã sử dụng quyền hạn để thu giữ toàn bộ lời khai từ các binh sĩ biết về vụ thảm sát, sau đó bí mật giấu nhẹm các bằng chứng quan trọng này. Họ không chia sẻ bằng chứng với giới công tố và các luật sư.
Một trường hợp đã không thể tiếp tục xét xử vì sự can thiệp của tiểu ban. Đại tá William Eckhardt, một trong những công tố viên của tòa án quân sự, nói: "Hebert và Rivers cho rằng các phiên tòa quân sự gây phương hại đến lợi ích của Mỹ. Do vậy họ nỗ lực phá hoại chúng".
Bộ trưởng Lục quân bấy giờ, ông Stanley Resor, hoàn toàn biết rõ về những hành động của ông Rivers. Stanley phản đối mạnh mẽ rằng họ đang phá hoại hệ thống tư pháp của quân đội.
Khi chắc chắn Rivers sẽ tiếp tục can thiệp vào những phiên tòa sắp tới, ông Stanley viết 3 lá thư gửi F. Edward Hebert, đồng chủ tịch tiểu ban điều tra với Rivers, để yêu cầu Hebert tạm ngưng các phiên điều trần đến khi những phiên tòa của quân đội kết thúc. Hebert hiển nhiên không đáp lại đề nghị này.
Đây là tình tiết gây tranh cãi trong giới nghiên cứu sử tại Mỹ, rằng liệu hành động này có phải là "thủ đoạn bẩn thỉu" mà Nixon đề cập với Halderman trong cuộc họp cuối năm 1969 hay không. Nhà sử học Ken Hughes cho rằng, bối cảnh lịch sử khi đó khiến những nghi vấn trở nên thuyết phục. Ông Ken nhận định vụ thảm sát Mỹ Lai là "mối đe dọa chính trị đối với Nixon".
Làm giảm uy tín nhân chứng
Theo các chuyên gia sử học, "nhân chứng" mà Nixon muốn nhắm tới là hai quân nhân Hugh Thompson và Larry Colburn. Họ là hai thành viên còn sống sau nhiệm vụ trinh sát từ một trực thăng Mỹ, cũng là nhân chứng của toàn bộ quá trình thảm sát ở thôn Mỹ Lai vào tháng 3/1968.
Nếu không nhờ nỗ lực giải cứu người dân Việt Nam của các phi công Mỹ, số nạn nhân thiệt mạng có thể còn cao hơn nhiều. Khi về nước, Thompson và Colburn đều kể rằng họ vô cùng kinh hoàng khi chứng kiến những đồng đội giết hại thường dân không tấc sắt trong tay. Năm 1998, 30 năm sau vụ thảm sát, chính phủ Mỹ mới ghi nhận công lao của các phi công.
Tuy nhiên, trong những ngày đầu về nước, Thompson và Colburn không xuất hiện như những người hùng. Trang CBS cho biết chính phủ Mỹ rêu rao về họ như những kẻ phản bội.
Một trong những "đòn" mà Rivers nhằm vào nhân chứng Thompson là cố gắng quy tội ngược cho ông. Theo đại tá Eckhardt, Rivers cố gắng hạ uy tín Thompson bằng việc bắt ông phải ra hầu tòa quân sự vì cáo buộc ông đe dọa đến tính mạng của đồng đội khi cố gắng ngăn chặn chiến dịch của lính Mỹ.
Ông Trent Angers, tác giả cuốn "Những anh hùng bị lãng quên trong vụ Mỹ Lai", cho biết ông Rivers và Hebert tiếp tục ém nhẹm lời khai của Thompson để phá hoại phiên tòa.
Một trong những thủ đoạn của Rivers và Hebert là gây sức ép lên Thompson để buộc ông phải thừa nhận việc chỉ đạo chiến sĩ pháo thủ nhằm vào mục tiêu là một lính Mỹ để ngăn cản anh ta giết người dân tại Mỹ Lai. Tuy nhiên, Thompson đã chứng tỏ ông là một "nhân chứng chuyên nghiệp" khi liên tục khẳng định quan điểm chống lại việc thảm sát người dân.
Sau khi những phiên tòa quân sự kết thúc, duy nhất trung úy William Calley phải nhận hình phạt vì tội giết hại 22 thường dân. Hơn 20 bị cáo còn lại được trắng án. Mức án của Calley là tù chung thân, nhưng nhờ sự can thiệp của tổng thống Nixon nên ông này chỉ phải chịu 3 năm giam lỏng tại gia.
Vào thời điểm trung úy William Calley bị kết tội, tỷ lệ ủng hộ của Nixon cũng giảm tới 10 điểm.
Hai phi công Thompson và Colburn vẫn duy trì liên lạc và mối quan hệ bạn bè sau khi về nước. Thompson qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2006. Ông Colburn đã ở bên Thompson trong những phút cuối. Colburn không hối hận vì đã giúp đỡ những người Việt bị thương do hành động của đồng đội, dù ông phải đối mặt với nhiều khó khăn khi trở về quê hương.