Hẳn rất nhiều người trong chúng ta biết câu “trước vành móng ngựa” để nói về kẻ xấu bị pháp luật xử lý. Nhưng có lẽ ít người biết điển tích này bắt nguồn từ nền văn hóa La Mã.
Nguồn gốc La Mã
Không phải đến bây giờ, báo giới mới đi tìm mật mã văn hóa ẩn chứa sau câu thành ngữ “trước vành móng ngựa”. Việc này đã được các nhà nghiên cứu văn hóa, giới khoa học tìm kiếm suốt hàng thập kỷ. Đó là một “hành trình” đầy thú vị, giống như những nhà thám hiểm khám phá ra vùng đất mới, hang động mới...
Cố GS.TS Hoàng Văn Hành trong cuốn sách “kể chuyện thành ngữ, tục ngữ” xuất bản năm 1988 kể lại câu chuyện về nguồn gốc của câu thành ngữ “trước vành móng ngựa”. Theo đó, vành móng ngựa là biểu tượng cho tòa án nói riêng và pháp luật nói chung. Vì vậy, khi nói “trước vành móng ngựa” là nói đến trước tòa án, trước pháp luật và phải chịu sự phán xét, định đoạt của pháp luật.
Nhưng “vành móng ngựa” có liên quan gì đến pháp luật và tòa án? Câu chuyện này bắt nguồn từ thời kỳ La Mã. Lúc đó, Nhà nước thường xử tội phạm nhân mắc án tử bằng cách, buộc chặt chân tay phạm nhân bằng dây, mỗi chân, tay hoặc cả đầu được buộc nối với một con ngựa, sau đó, quân lính sẽ thúc ngựa phi nước đại khiến các bộ phận của phạm nhân bị xé toạc. Người ta thường gọi hình thức này là “tứ mã phanh thây” hoặc “ngũ mã phanh thây”. Ngoài việc dùng ngựa phanh thây thì còn hình thức khác là phạm nhân bị trói chặt sau đó binh lính dùng ngựa hoặc voi giày xéo lên thân thể của phạm nhân cho đến chết. Cách xử tội bằng phanh thây, voi giày, ngựa xéo này thể hiện sự nghiêm minh và cực kỳ hà khắc của pháp luật.
Hình phạt phạm nhân mắc án tử bằng hình thức phanh thây, voi giày, ngựa xéo này đã gây nên nỗi khiếp đảm cho công chúng. Tuy vậy, sự man rợ này vẫn được duy trì trong một thời gian rất dài, về sau dưới sự tiến bộ của xã hội, sự đấu tranh vì quyền con người nên hình thức xử phạt phạm nhân này đã bị bãi bỏ. Nhưng vì phải giữ tính răn đe của pháp luật nên người ta vẫn giữ lại hình tượng móng ngựa bằng một chiếc vành móng ngựa nhằm đề cao tinh thần nghiêm minh của luật pháp.
|
Ảnh minh họa. |
Tại sao Việt Nam lại sử dụng “vành móng ngựa”
Đến nay, mặc dù có nhiều công trình nghiên cứu về thành ngữ, tục ngữ Việt Nam, nhưng vẫn chưa nhiều tài liệu xác định lý do tại sao Việt Nam lại sử dụng câu thành ngữ có dấu tích La Mã và câu này du nhập vào Việt Nam từ khi nào?...
Trong một tài liệu chia sẻ trên mạng internet liên quan đến câu thành ngữ này, PGS.TS Phạm Văn Tình, Viện Từ điển Bách khoa thư Việt Nam thừa nhận: Đúng là hình phạt “tứ mã phanh thây” có nguồn gốc La Mã, sau đó, nhà nước phong kiến trên khắp thế giới cũng dung nạp hình thức xét xử này để hành hình kẻ phạm tội, Việt Nam cũng nằm trong số đó. Chẳng hạn như khi Nguyễn Ánh đánh bại quân Tây Sơn thì cũng áp dụng hình phạt “tứ mã phanh thây” này đối với anh em, quan tướng của Nguyễn Huệ. Tuy nhiên, hình phạt này được các tập đoàn phong kiến Việt Nam dung nạp từ thời điểm nào thì không thấy được nhắc đến...
PGS.TS Phạm Văn Hảo, Viện Ngôn ngữ học Việt Nam suy đoán: Có hai hướng nghiên cứu về thành ngữ “trước vành móng ngựa”. Thứ nhất, nguồn gốc câu thành ngữ này mang tính bản địa. Nghĩa là trước đây, nhà nước phong kiến Việt Nam cũng có sử dụng đến hình thức “tứ mã phanh thây” để thi hành án đối với người mắc tội chết.
Có thể hình thức này quá ghê rợn nên về sau, nhà nước đã biểu tượng hóa hình phạt này bằng cũi, vành móng ngựa để thể hiện uy quyền, sự nghiêm minh của pháp luật... và như vậy, hình ảnh “vành móng ngựa”: là sự phát triển tự thân mang tính bản địa. Ở hướng nghiên cứu thứ hai là sự tiếp xúc văn hóa. Có thể đó là chiếc vành móng ngựa mang dấu ấn văn hóa La Mã thật, nhưng nó lại được khúc xạ thông qua người Pháp. Cụ thể, từ khi Alexandre de Rhodes truyền bá tư tưởng văn hóa phương Tây vào Việt Nam (1651) thì đã mang theo hình ảnh “trước vành móng ngựa” theo.
Nhưng có lẽ hình ảnh này trở nên phổ dụng từ khi thực dân Pháp chính thức áp đặt bộ máy thống trị tại Việt Nam. Họ sử dụng vành móng ngựa trong một số vụ xét xử người phạm tội, từ đó, nó được dùng rộng rãi, phổ biến... Hiện không chỉ có Việt Nam mà gần như tất cả các nước trên thế giới đều có sử dụng chiếc vành công lý này, cho nên đâu là chủ nhân của nó thì còn phải làm rõ. Mặt khác, giả sử La Mã là nơi sản sinh ra hình phạt “tữ mã phanh thây” nhưng không có nghĩa đó là nơi sản sinh ra chiếc “vành móng ngựa”...
Một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, thành ngữ “trước vành móng ngựa” có dấu ấn phương tây nhiều hơn, nó được người Việt Nam dùng từ khoảng cuối thế kỷ XVIII, khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam và áp đặt các hình thức cai trị của mình lên thuộc địa. Hình thức xét xử này dần được phổ biến rộng rãi, khắp nơi khiến dân chúng ai cũng biết. Từ đó, dân gian mới sáng tác ra câu thành ngữ “trước vành móng ngựa” để chỉ một người vi phạm pháp luật bị đem ra xét xử. Ra “trước vành móng ngựa” có nghĩa là ra pháp luật, bị pháp luật trừng trị, cho nên nhắc đến vành móng ngựa người ta nghĩ ngay đến tòa án, đến pháp luật, đến chuyện tù tội...
“Hiện trong giới nghiên cứu đồng tình quan điểm biểu tượng vành móng ngựa có nguồn gốc từ hình phạt “tứ mã phanh thây” có từ thời La Mã, hình phạt này sau đó lan ra nhiều quốc gia nhằm thể hiện uy quyền, sức mạnh của pháp luật. Tuy nhiên, thời gian biến chuyển từ hình phạt dùng ngựa sang dùng vành móng ngựa là khi nào? Năm nào? Thế kỷ nào? thì hiện vẫn còn mơ hồ và chưa thể khẳng định”.
PGS.TS Phạm Văn Hảo (Viện Ngôn ngữ học Việt Nam)