Mặc dù con người có thể nhờ vào việc chăm sóc sức khỏe để sống lâu hơn so với bình thường, nhưng tuổi thọ của con người khó có thể thay đổi một cách đáng kể. Vì vậy, có những người tò mò về giới hạn thọ mệnh của con người, sinh mệnh của con người có thể kéo dài thêm bao lâu? Thông qua việc tra cứu tư liệu lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng trong lịch sử cổ đại Trung Quốc, người sống thọ nhất được biết đến là "Thái Lam Công", ông đã sống từ thời nhà Đường cho đến thời nhà Nguyên.
Theo "Vĩnh Thái Huyện Chí:", Trần Tuấn tự là Khắc Minh, ngụ tại thôn Thang Tuyền, huyện Vĩnh Gia Sơn, tỉnh Phúc Kiến (nay là thôn Thang Trình, xã Ngộ Đông, huyện Vĩnh Thái). Ông sinh năm 881, triều đại nhà Đường và qua đời vào năm 1324, triều đại nhà Nguyên, thọ tới 443 tuổi. Một thời gian ông đến Giang Tây để hành nghề y, sau đó đến thôn Thang Tuyền có núi non, có suối nước nóng khắp nơi nên ông quyết định sẽ coi nơi đây là nhà của mình.
Trần Tuấn là người trung thực và luôn sẵn sàng giúp đỡ bà con xóm làng. Người dân địa phương tôn kính ông vì tính cách hiền lành và tốt bụng của ông. Ông sống rất giản dị, mỗi ngày ăn ba bữa, đồ ăn rất đơn giản. Khi ông già đi, cơ thể ông dần suy yếu, cơ thể teo lại. Đến khi ông vượt quá 400 tuổi, thân hình ông ngày càng teo nhỏ, trông giống như một đứa trẻ sơ sinh. Điều này khiến mọi người liên tưởng đến câu chuyện "cải lão hoàn đồng" mà dân gian thường kể, toàn bộ trọng lượng của ông chưa đến 5kg.
Khi Trần Tuấn di chuyển khó khăn, người dân đã dùng tre gai đan thành chiếc giỏ cho ông, mọi người thay phiên nhau chăm sóc và mang ông ra vào nhà. Và vì thế, ông còn được gọi là Thái Lam Công (ông giỏ trúc). Dân làng lúc bấy giờ cảm thấy Trần Tuấn sống lâu như vậy rất nên xem ông như một "bảo vật" quý hiếm, thậm chí có người còn coi ông như người bị "thần" nhập.
Hàng ngày, hàng xóm thường đem ông đi cùng khi làm việc ngoài trời để không để ông cảm thấy cô đơn. Vì ông đã rụng hết răng nên không thể ăn được, lúc ông đói, những người phụ nữ sẽ cho ông uống sữa như trẻ sơ sinh.
Khi Trần Tuấn qua đời ở tuổi 443, dân làng đương thời đã đặt bức tượng của ông trong miếu Thang Tuyền để tưởng niệm. Ông còn được người đời gọi là "Tiểu Bành Tổ" (theo truyền thuyết, Bành Tổ sống hơn 800 năm). Câu chuyện cuộc đời của Trần Tuấn được khắc trên một tấm gỗ và được lưu giữ cho đến thời đại nhà Thanh.
Vậy bí quyết trường thọ của Trần Tuấn là gì? Hậu thế đoán rằng nó có liên quan đến việc ông tắm suối nước nóng. Tại di tích ngôi nhà cũ của Trần Tuấn, có một suối nước nóng với chất lượng nước rất tốt, nhiệt độ nước cao lên đến 73°C, và có thể ông đã sống thọ nhờ việc tắm suối nước nóng. Nhưng người ta lại thích tin vào truyền thuyết dân gian hơn.
Theo truyền thuyết, có một tiểu quỷ đã làm đứt sợi dây cột của quyển sổ sinh tử. Trong lúc hoảng loạn, nó đã xé một tờ giấy ra từ quyển sổ sinh tử và nắn thành sợi dây thay thế. Tờ giấy mà nó vừa xé ra chính là nơi ghi chép thời gian sinh tử của Trần Tuấn. Vì vậy, Diêm Vương không thể tìm thấy tên Trần Tuấn nên ông đã nhiều lần thoát chết. Thế nhưng Diêm Vương rất nghiêm túc, để tìm ra người "lọt lưới" này, ông đã sai hai tiểu quỷ biến thành 2 đứa trẻ nhỏ, mang theo một chiếc giỏ than đen đến suối nước nóng để rửa. Trần Tuấn thấy thích thú và lại gần hỏi, tiểu quỷ trả lời: "Đang rửa than đen thành than trắng." Trần Tuấn cười to và nói: "Ta sống đã được 443 năm rồi mà chưa từng thấy ai có thể rửa than đen thành than trắng cả". Tuy nhiên, vào buổi trưa cùng ngày, Trần Tuấn đã qua đời.
Về phần tại sao Trần Tuấn lại sống lâu đến như vậy vẫn được giải thích, để lại cho hậu thế câu chuyện truyền kỳ bí ẩn này. Tuy nhiên, Trần Tuấn đã cho chúng ta niềm tin rằng sự trường thọ không chỉ là một truyền thuyết.