Những ngày lang thang ở vùng rừng rú hoang rậm Điện Biên Đông (Điện Biên), tôi được nghe nhiều câu chuyện kỳ bí về ma quỷ. Vùng đất Điện Biên Đông núi cao, rừng rậm, sắc tộc đa dạng, nơi có những dân tộc ít người nhất Việt Nam, như Lào, Xinh Mun, Khơ Mú… và có lẽ cũng là nơi có nhiều "ma" nhất nước.
Từ gốc cây, ngọn cỏ, hòn đá, con suối, góc núi… đều gắn với con ma nào đó. Nào là ma gà, ma núi, ma sông, ma suối, ma cây, ma ngũ hải, ma xó... Thậm chí, là ma cà rồng, thứ ma tưởng như chỉ có ở phương Tây xa xôi, cũng hiện diện ở đất này, từng gây nên bao chuyện tang tóc, nghi kỵ.
Nhưng, kinh dị, kỳ quái hơn, là khi "ma xó" nhập vào thanh kiếm, khiến thanh kiếm dựng đứng bằng mũi không đổ, thì còn khó tin hơn… Chuyện thật quái lạ, không thể tin nổi, nhưng tôi cứ lần dò, hỏi đường, tìm đến "vương quốc người Lào", để gặp ông thầy cúng kỳ quái ấy, với thanh kiếm ma ám, gieo rắc nỗi hoài nghi, và nỗi sợ hãi với cư dân vùng đất sơn cùng thủy tận này.
|
Tháp Mường Luân. |
Đường đèo dốc ngược, quanh co đến cả trăm km từ TP. Điện Biên Phủ, mới đến xã Mường Luân. Ngôi tháp cổ xây dựng từ khoảng thế kỷ 15-16, cao bằng ngọn cây, hơi nghiêng mình soi bóng xuống dòng sông Mã.
Dòng sông Mã chảy qua Thanh Hóa hùng vĩ như vậy, hoặc qua Sơn La dữ dằn, mà ở đây chỉ nhỉnh hơn con suối. Những tảng đá lô nhô giữa sông, những bãi cát vàng phẳng phiu hai bên bờ, thoai thoải, cảm giác như có thể xắn quần lội qua sông Mã.
Ngay cạnh tháp Mường Luân cổ kính, là cây cầu treo. Người dân trong vùng bảo, đi qua cây cầu ấy, đến đầu bản Mường Luân, thì hỏi nhà ông Lò Văn Pỉn, thầy cúng nổi tiếng nhất trong cộng đồng người Lào ít ỏi chỉ khoảng 10 ngàn người trú ngụ ở Tây Bắc Việt Nam. Người Lào trân trọng gọi các ông thầy cúng là Mo Lăm. Họ là kho báu các giá trị truyền thống, họ thuộc nhiều dân ca, truyện cổ, biết thổi khèn, nhảy múa, chữ viết cổ…
Vòng vèo mãi, rồi lội bờ cát ngược sông Mã một hồi, thì cũng tìm thấy nhà ông thầy mo Lò Văn Pỉn. Chỉ có cô con dâu ở nhà. Trông cô gái độ tuổi trăng tròn, mới 16-17, mà đã ôm con à ơi. Thiếu nữ Lào ấy khá nhanh nhẹn, bảo tôi ngồi chờ, cô địu con chạy lên nương gọi bố chồng về. Nhoáng cái, đã thấy cụ ông móm mém, hom hem quần ống ngắn, ống cao bước vào nhà.
|
Ông Pỉn thổi kèn cho PV nghe. |
Người Lào ở nhà sàn, nhưng thầy mo Lò Văn Pỉn lại ở nhà đất. Nhà có 3 gian. Vợ chồng người con út ở gian ngoài, ông ở gian trong, còn gian phía trong, theo lời ông, là nơi thờ con "ma xó" và thanh kiếm báu truyền đời của tổ tiên.
Biết tôi nhà nhà báo, lại mãi Hà Nội lên, thầy mo Pỉn rất vui. Ông mở chiếc hòm sắt cũ kỹ ở đầu giường, lôi ra "trình báo" mấy tấm giấy khen của tỉnh, vì có công trong việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa người Lào.
Hóa ra, thầy mo Pỉn cũng đa năng lắm, tham gia nhiều tiết mục văn nghệ. Ông đúng là kho báu văn hóa dân gian của người Lào. Ông với chiếc trống da trâu treo trên tường đánh bập bùng vài điệu cho tôi nghe, rồi lấy chiếc kèn lớn thổi tù tù, khiến khung cảnh rừng rú hoang rậm thêm phần lãng mạn, hoang hoải.
Dè dặt hỏi về thanh kiếm báu bị ma xó ám như lời đồn của cư dân bên bờ thượng nguồn sông Mã, tưởng thầy mo Lò Văn Pỉn sẽ chối, ai dè ông khẳng định là có. Câu chuyện về thanh kiếm báu bị ma xó ám, làm nhiều nhiệm vụ thiêng liêng trong văn hóa cộng đồng bộ tộc Lào quả thực đầy tính huyền bí, ma mị, nhưng không kém phần hấp dẫn.
|
Tháp cổ của người Lào bên bờ sông Mã. |
Ông Lò Văn Pỉn dẫn tôi ra phía trái nhà, chỉ tay qua con sông Mã, về phía ngọn tháp cổ nằm dưới tán những tán cây cổ thụ và bảo rằng, truyền thuyết về thanh kiếm báu có liên quan đến cái tháp cổ, biểu tượng của đời sống văn hóa tâm linh của người Lào.
Bản thân ông Lò Văn Pỉn không biết thanh kiếm đó có từ khi nào, nhưng theo lời các cụ, thì nó là vật sở hữu của người xây dựng nên những ngôi tháp cổ. Ông cũng chẳng nhớ ông là đời thứ bao nhiêu được sở hữu thanh kiếm đó.
Ông Pỉn sinh năm 1944, năm nay 71 tuổi. Tuổi thơ của ông cùng những đứa trẻ người Lào lớn lên quẩn quanh bên chân ngọn tháp và lam lũ dưới dòng sông Mã.
Trước đây, cạnh tháp có một ngôi chùa, trong chùa có nhiều tượng quý, trong đó, có pho tượng vàng ròng. Pho tượng vàng ròng chính là hình ảnh của người dựng lên ngôi tháp. Dựng xong tháp, con cháu đã đúc tượng ông, đặt trong ngôi chùa để thờ.
|
Dấu tích ngôi chùa cổ bên tháp Mường Luân. |
Thế nhưng, năm 1964, Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc, đã thả bom xuống ngọn tháp, nhưng bom không trúng tháp, mà trúng chùa. Ngôi chùa bị san phẳng, giờ chỉ còn dấu tích. Pho tượng quý đó bị vùi lấp, rồi bị kẻ trộm bứng đi.
Bao năm qua, những người Lào già cả vẫn nhớ thương pho tượng ấy, mong nó quay trở về, để dựng lại chùa, thờ cúng, nhưng không thấy đâu. Về ngôi tháp, thì không ai còn nắm rõ nguồn gốc một cách cụ thể, cũng không có ghi chép nào kỹ càng, chỉ có những câu chuyện truyền miệng vẫn còn kể lại cho các thế hệ sau.
Vào đầu thế kỷ 11, bên dòng sông Mã, có hai mẹ con người Lào sống chung với nhau. Chàng trai tên Thần, mồ côi cha, nhưng lớn nhanh, tuấn tú, giỏi giang cung kiếm, sức mạnh hơn người. Chàng trai trẻ như chỗ dựa của bản làng, một mình chống lại cướp bóc, tiêu diệt thú dữ.
|
Thầy cúng Lò Văn Pỉn và thanh kiếm ma ám trong tay. |
Đến tuổi lấy vợ, bà mẹ đánh tiếng tuyển vợ cho con. Gái ở khắp nơi tìm đến ứng tuyển. Trong số đó, có 12 cô quá xinh đẹp, giỏi giang, nên bà lúng túng, không biết chọn lựa thế nào. Bà mẹ để con trai tự quyết định lựa chọn một trong số 12 người con gái đó. Chàng trai tên Thần cũng không biết chọn cô nào, nên… chọn tất. Không ngờ, cả 12 cô đều vui vẻ chấp nhận chia sẻ chồng cho nhau.
Ngày đó, vùng đất này rừng rậm, thú nhiều, người ít, nên bà mẹ muốn con trai đẻ nhiều con, để cư dân thêm đông đúc. Một hôm, bà mẹ dẫn con ra bờ sông Mã, chỉ vào đàn vịt ở dưới sông và bảo: "Con thấy không, mẹ nuôi 30 con vịt, mà chỉ có 1 con đực. Một con đực quan hệ với 29 con cái cơ đấy!". Cậu con trai nhìn đàn vịt và bảo: "Vâng! con biết rồi mẹ ạ!".
Ngày mùng 10, tháng 1 âm lịch năm 1012, cách đây hơn 1.000 năm, chàng trai bắt con vịt đực ăn thịt. Ăn xong con vịt, chàng trai tên Thần thấy mình khỏe hơn nữa. Đêm nào anh ta cũng quan hệ với lần lượt 12 vợ mới thôi. Cô vợ nào cũng được Thần chiều, nên vô cùng hạnh phúc, thỏa mãn, yêu chiều Thần hết sức.
Người mẹ không tin lắm, còn hỏi dò: "Con à, con lấy những 12 vợ, có sinh hoạt nổi không?". Thần bảo: "Mẹ cứ yên tâm, con khắc lấy vợ, thì khắc chiều được vợ. Mẹ sẽ sớm có cháu bồng bế thôi".
Vài tháng sau, cả 12 cô đều mang bầu, bụng to vượt mặt. Bà mẹ tủm tỉm cười bảo: "Con mẹ sao mà khỏe thế?". Miệng bà nói vậy, nhưng trong bụng bà không tin con mình lại khiến cả 12 cô vợ đều mang bầu được. Bà sợ, những cô con dâu lén lút với những người đàn ông khác mà mang bầu. Để thử xem con trai có "khỏe" thật không, hay là người khác giúp, một đêm bà chui vào giường, đuổi cô con dâu ra ngoài, rồi nằm im.
Đêm ấy, Thần đi uống rượu nhà bạn, say lướt khướt rồi mới về nhà. Thần ngủ với lần lượt từng cô vợ. Quan hệ với "người vợ" cuối cùng xong, thì "người vợ" ấy bảo: "Con không nhận ra mẹ à?". Anh chàng Thần giật mình, rồi khóc rống lên: "Thôi chết rồi. Giờ con làm thế nào? Ôi, con xin lỗi mẹ".
Người mẹ vỗ về bảo: "Thôi, con không khóc nữa. Không sao đâu con. Mẹ biết như thế là con khỏe rồi". Thần lại nói: "Con biết con sai rồi, nhưng ở đây không có nhà tù mà đi, thì giờ làm sao? Mẹ trừng phạt con đi". Người mẹ bảo tiếp: "Người Lào ở đâu, thì ở đó phải có tháp. Vậy con đi làm tháp để chuộc tội đi nhé". Thần vâng lời mẹ.
Năm đó, anh chàng Thần tròn 20 tuổi. Nghe tin Thần đi xây tháp, trai tráng khắp nơi kéo đến xin đi theo Thần để giúp sức. Thần như một vị tướng quân, chỉ đạo xây dựng đâu ra đấy. Mọi người phong anh ta là tướng, là vị thần của người Lào. Anh xây dựng hết tháp nọ đến tháp kia. Công việc bận rộn đến nỗi anh không về thăm vợ, con, thăm mẹ lần nào. Mục đích của anh là xây đủ 12 tháp, ứng với 12 người vợ, và 12 đứa con, rồi mới tìm đường về nhà.
Xây cái tháp cuối cùng ở Mường Luân, thì Thần đã tròn 70 tuổi. Tháp xong, ông Thần qua đời. Lính tráng thiêu xác, đặt tro trong tháp, rồi xây dựng ngôi chùa, đặt tượng ông bằng vàng ròng trong chùa, với tướng tá xung quanh. Thanh kiếm của ông được thờ trong chùa.
Sau này, thanh kiếm linh thiêng được trao cho những người có uy tín trong bản Mường Luân. Người có uy tín thường là thầy mo, thầy cúng, là người chăm lo đời sống tinh thần, sức khỏe cho người dân trong vùng, nên kiếm luôn được trao cho họ.
Thanh kiếm kỳ lạ của ông Thần - người xây dựng nên 12 tháp cổ dọc sông Mã đã được truyền đến gia đình ông Lò Văn Pỉn. Rồi đời nọ tiếp nối đời kia sở hữu thanh kiếm, hành nghề thầy mo, đến đời ông Pỉn là thứ 5.
Còn tiếp…