Kế hoạch Vulture
Sau chiến tranh Triều Tiên, nước Mỹ ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến ở Đông Dương. Theo số liệu của cuốn sách
Những viên tướng ngã ngựa của Nguyễn Phương Nam, từ năm 1952 Mỹ đã viện trợ Pháp 1000 tỷ francs. Chi phí chiến tranh của Pháp ở Đông Dương do Mỹ gánh đến gần 80%. Do vậy, khi cảm thấy không còn hy vọng cầm cự ở Điện Biên Phủ, nơi đầu tiên mà Pháp nghĩ đến để cầu cứu là nước Mỹ.
Nhân dịp kỷ niệm 59 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2013), Kiến Thức xin gửi tới độc giả loạt bài viết về sự kiện này với những thông tin phong phú, giàu giá trị tham khảo. Loạt bài sẽ được đăng tải liên tục từ ngày 5/5/2013- 7/5/2013. Kính mời độc giả theo dõi, đón đọc. |
Howard R. Simpson trong sách Điện Biên Phủ cuộc đối đầu mà nước Mỹ muốn quên đi cho biết rằng: Ngày 22/3/1954, tướng Paul Ely – Tổng Tham mưu trưởng liên quân Pháp tới Washington để bàn một giải pháp cứu nguy cho Điện Biên Phủ. Trong chuyến thăm này, Radford – Tổng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ đã đề xuất với Ely một kế hoạch cứu Điện Biên Phủ bằng một đợt không kích ồ ạt mang mật danh “Vulture”.
Nội dung kế hoạch là sử dụng 60 máy bay ném bom B29 của Mỹ từ các căn cứ Mỹ ở Clark Field (Philippin) và Okinawa (Nhật) tiến hành ném bom rải thảm vào ban đêm xuống các căn cứ của Việt Minh quanh Điện Biên Phủ. Những máy bay ném bom cỡ lớn này sẽ được bảo vệ bằng 150 máy bay chiến đấu từ tàu sân bay của Hạm đội 7 Mỹ.
|
Sĩ quan Pháp nghỉ ngơi trên cứ điểm Dominique, Điện Biên Phủ. |
Đầu tháng 4/1954, tướng E. E. Partridge – Tư lệnh Không quân Mỹ ở Viễn Đông và Chuẩn tướng J.D Caldera tới Sài Gòn để tham dự một loạt các cuộc họp với Navarre và Bộ tham mưu không quân của ông ta nhằm chuẩn bị cho kế hoạch Vulture. Caldera đã quyết định tự mình bay khảo sát trên bầu trời Điện Biên hai lần. Một lần bằng máy bay riêng và một lần bằng máy bay C-47 của Không quân Pháp. Mặc dù còn có những lo ngại về hệ thống chỉ dẫn và định hướng sẵn có của Pháp nhưng hai viên tướng này vẫn quyết định tiến hành chiến dịch Vulture vào ban ngày. Mọi việc chỉ còn chờ tín hiệu từ Washington.
Tuy nhiên, trong hồi ký
Đông Dương hấp hối, Navarre tỏ ra hoài nghi về sự giúp đỡ thật sự của Mỹ. Ông viết: “Một cuộc tấn công bằng không lực được nghiên cứu chi tiết ở Sài Gòn và cả ở Hà Nội với sự có mặt của các chỉ huy không lực Mỹ tại Thái Bình Dương. Trong thời gian chờ đợi họ được lệnh liên lạc với tôi. Họ dự kiến sử dụng 300 máy bay khu trục ném bom xuất phát từ tàu sân bay và 60 máy bay ném bom hạng nặng cất cánh từ Philippines. Do sự yếu kém của cơ sở hạ tầng về Ra-đa của ta, nên không thể có chuyện sử dụng hỏa lực của không quân Mỹ đánh vào các trận địa pháo mặt đất và phòng không đối phương nằm cạnh cứ điểm Điện Biên Phủ, nhưng theo quan điểm của các tướng Mỹ thì sử dựng không quân đánh vào các đường tiếp tế và nhất là căn cứ Tuần Giáo là một điều khả thi và có khả năng rất hiệu quả. Nhưng lệnh tấn công đã không bao giờ được ban ra”.
|
Nhóm chiến lược của Pháp: Rene Cogny (thứ nhất, từ trái), Christian de Castries (không đội mũ), Henri Navarre (giữa). Ảnh: Edu.go.vn. |
Theo phân tích của Navarre, nước Mỹ đã viện cớ một hành động nào đó ở Đông Dương cần phải có cả người Anh tham dự. Mà sự từ chối của nước Anh là điều đã biết từ trước. Navarre nhận định: “Đây là bằng chứng cho thấy chúng ta phải chiến đấu một mình. Mỹ chỉ muốn nhận sự rủi ro rất hạn chế, chỉ gánh vác về mặt tài chính thôi. Chính sách này đã được khẳng định bằng một phát biểu trơ trẽn đến ngây ngô của Phó Tổng thống Nixon trong một bài diễn văn ở Cincinnati ngày 20/4: “Mục tiêu mà Chính phủ Mỹ đặt ra là thi hành một chính sách để không phải đưa binh sĩ Mỹ đến chiến đấu ở Đông Dương hay bất cứ một nơi nào khác”. Người ta không thể nói một cái gì hay hơn những lời nói trên để biện minh cho sự thoái thác”.
Cùng với kế hoạch Vulture, có lúc, khả năng Mỹ cho Pháp vài quả bom nguyên tử để ném xuống Điện Biên hòng tiêu diệt Việt Minh để giải vây cho đội quân đồn trú của Pháp cũng đã được xem xét. Cuốn Những viên tướng ngã ngựa của Nguyễn Phương Nam dẫn chứng rằng: “Tourina tiết lộ trong tập tư liệu bí mật quốc gia do Nxb Plon ấn hành rằng: “Dulles (ngoại trưởng Mỹ- Tg) đã thông báo với Bidault (ngoại trưởng Pháp) sẽ cho Pháp 2 quả bom nguyên tử để cứu nguy. Bidault hỏi lại: Bom nguyên tử ư? Như thế thì toàn bộ căn cứ sẽ bị hủy diệt cùng người Việt”.
Kết quả là không có trận ném bom nào theo kế hoạch Vulture mà cũng không có việc sử dụng vũ khí nguyên tử với nguyên nhân chính là những hành động này sẽ đồng thời giết chết cả đội quân của Pháp ở Điện Biên. Bên cạnh đó, nó còn có thể gây ra các phản ứng chính trị không lường trước được như Howard R. Simpson viết: “Thật may cho quân đồn trú ở Điện Biên Phủ, chương trình được bãi bỏ. Các vũ khí hạt nhân tương đối thô sơ của năm 1954 chắc sẽ huỷ diệt toàn bộ những người phòng thủ cũng như những kẻ tấn công nhưng việc sử dụng vũ khí hạt nhân lần thứ hai này của Mỹ ở châu Á sẽ gây ra thảm hoạ khôn lường và những hậu quả chính trị lâu dài”.
Trá hàng để giảm áp lực tấn công
Cùng với những nỗ lực cầu cứu nước Mỹ, quân Pháp cũng tìm đủ mọi cách để cứu nguy cho Điện Biên. Một trong những biện pháp của họ là cho sĩ quan của mình trá hàng để khuyên Việt Minh đừng tấn công. Trong cuốn Nhà tình báo và những phi công tù binh, đại tá Phan Mạc Lâm – cán bộ Cục Quân Báo chuyên hỏi cung tù binh đã kể rõ về âm mưu này của Pháp.
Ông Mạc Lâm kể: Tháng 4/1954, trong lúc quân ta siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ, được tin tỉnh Vĩnh phúc bắt được 1 hàng binh. Người này khai đã từng ở Điện Biên Phủ nên được đưa lên Điện Biên để khai thác tiếp. Qua khai thác thì thấy đúng là anh ta biết rất rõ cách bố trí binh lực, hỏa lực của Pháp ở Điện Biên và phân tích rất sâu những ưu điểm và nhược điểm của nó.
|
Một đơn vị trinh sát của Pháp tại Điện Biên Phủ. |
Điều đặc biệt là trong khi khai báo, người hàng binh này rất tự tin và thường nhấn mạnh: “Đánh vào Điện Biên Phủ sẽ thiệt hại nhiều, các ngài chỉ nên đánh vào những cứ điểm yếu thôi. Pháp quyết giữ không chịu thất bại ở chiến trường này – một tập đoàn cứ điểm mạnh chưa từng có ở Đông Dương được Mỹ viện trợ”. Có nhiều khi anh ta lại hỏi lại Mạc Lâm: “cấp trên của ngài có bằng lòng với những tin tức tôi đã cung cấp không? Các ngài có đủ khả năng tiến công ồ ạt vào Điện Biên Phủ không?”.
Chính những câu hỏi đó khiến ông Mạc Lâm nghi ngờ người này có thể là trá hàng. Bằng kinh nghiệm của một người chuyên hỏi cung, sau một vài động tác nghiệp vụ sâu, ông đã bắt hắn phải khai thật rằng: “Tôi được quân Pháp bố trí trá hàng để ngăn chặn các cuộc tấn công của các ông vào cứ điểm tiếp theo ở Điện Biên Phủ. Chúng tôi muốn kéo dài những đợt tiến công của các ông để chờ sự giúp đỡ của Mỹ. Tất cả nằm trong kế hoạch của Chính phủ Pháp – yêu cầu hai đồng minh Mỹ, Anh giúp sức để cứu vãn Điện Biên Phủ nói riêng, chiến cuộc của Pháp ở Đông Dương nói chung”.
Những mưu kế hòng thoát thân của quân Pháp khỏi Điện Biên đều thất bại nhưng họ còn ngoan cố không chịu đầu hàng. Trước khi toàn bộ tập đoàn cứ điểm bị quân ta đánh bại, họ đã mở một trận đánh phá vây để chạy sang Lào vào ngày 6/5 nhưng không thành công. Sáng 7/5, từ các hướng bao vây, quân ta đồng loạt đánh vào Sở chỉ huy của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tướng Decastries cùng toàn bộ sĩ quan và hơn 10.000 binh lính kéo cờ trắng ra hàng. Trận Điện Biên kết thúc 1 ngày trước khi Hội nghị Geneve bàn về vấn đề chiến tranh ở Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị. Kết quả chiến cuộc tại đây là nguyên nhân trực tiếp đưa đến Hiệp định Geneve năm 1954.
Vì sao Pháp thất bại ở Điện Biên Phủ?
Thất bại của Pháp ở Điện Biên Phủ là một thất bại thảm hại, làm giảm uy tín của Pháp trong chiến tranh thuộc địa, khiến cho Pháp phải từ bỏ Đông Dương, nơi Pháp có nhiều kỳ vọng và đã bỏ nhiều công sức mới có được.
Vì sao một tập đoàn cứ điểm mạnh đến như vậy ở Điện Biên Phủ, với những binh đoàn cơ động thiện chiến nhất, được sự tăng viện của xe tăng và pháo binh và không quân mà đối phương không hề có lại trở thành tử địa đối với quân Pháp?
Sự phán đoán và đánh giá thấp đối phương là căn bệnh cố hữu của tướng tá và binh lính Pháp. Chẳng ai nghĩ rằng Việt Minh có thể vận chuyển đến Điện Biên Phủ một khối lượng lớn những vũ khí hạng nặng như pháo 105 ly, pháo cao xạ… cùng một cơ số đạn pháo dồi dào, một khối lượng lương thực và xăng dầu đủ dùng trong nhiều tháng trên con đường 41 độc đạo mà máy bay Pháp ném bom quần thảo suốt ngày đêm.
Pháp đã đánh giá thấp đối phương trong việc vận chuyển lương thực và vũ khí bằng những con tính khoa học, nhưng cũng hết sức lạnh lùng của phương Tây. Rằng với một chiếc xe đạp thồ thì chỉ có thể chở được một khối lượng gấp 2 đến 2,5 lần trọng lượng của người châu Á nhỏ bé. Nhưng dân công của tướng Giáp bằng lòng yêu nước và ý chí quật cường của một dân tộc anh hùng, đã nâng sức chở của chiếc xe đạp nhỏ bé và thô sơ đó lên 10 đến 12 lần. Cứ như thế, với hàng vạn người như vậy thì sức mạnh đó sẽ như thế nào? Đó là điều mà với sự “tỉnh táo” của một vị tướng thực dân, Navarre hoàn toàn không bao giờ nghĩ đến được. Và máy bay do thám đã không thể phát hiện được gì khi những “lùm cây di động” ấy vẫn ùn ùn đi ngày đêm trong rừng già tiến về mặt trận... (Hà Kiều) |
BÀI ĐANG ĐỌC NHIỀU
TIN BÀI LIÊN QUAN